Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm 2022.
Riêng với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,16 tỷ USD, chiếm 36,9% giá trị góp vốn (năm ngoái đạt 1,58 tỷ USD).
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong năm 2023 cũng tăng 3,5% so với năm trước, ước đạt 23,18 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 1,46 tỷ USD).
Hàng loạt thương vụ nghìn tỷ
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, một số doanh nghiệp đã chấp nhận bán đi một phần tài sản, đặc biệt là các quỹ đất ở những địa bàn trọng điểm như TP.HCM để đổi lấy dòng tiền. Cùng đó, đây cũng là thời cơ tốt để các đại gia ngoại tăng cường mua bán và sáp nhập (M&A) tại thị trường bất động sản Việt Nam.
Thực tế, thời gian qua chứng kiến không ít giao dịch M&A trên thị trường bất động sản. Đơn cử, Tập đoàn Keppel (Singapore) đã chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần 2 dự án Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) ở TP Thủ Đức của Khang Điền. Qua đó, nhóm Keppel sở hữu 49% cổ phần trong 2 dự án, Khang Điền nắm 51% còn lại.
Tập đoàn Keppel đã chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần 2 dự án Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) ở TP Thủ Đức của Khang Điền. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau thành công của thương vụ trên, đến tháng 7, Keppel Land đã thông qua công ty con là VN Prime Vietnam (VNPV) mua lại 65% cổ phần tại doanh nghiệp sở hữu một bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. Thương vụ ước tích có giá trị xấp xỉ 70 triệu USD (khoảng 1.230 tỷ đồng) và được thỏa thuận tùy chỉnh dựa vào đàm phán giữa hai bên.
Không chỉ Keppel, một ông lớn khác là Gamuda Berhad hồi tháng 7 cũng cho biết đã thông qua công ty bất động sản thành viên là Gamuda Land ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại CTCP Bất động sản Tâm Lực, chủ đầu tư dự án 3,68 ha tại TP Thủ Đức với giá 315,8 triệu USD (tương đương 7.200 tỷ đồng).
Theo Gamuda, khu đất này là địa điểm được xây các toà nhà hỗn hợp cao tầng, đã được phê duyệt quy hoạch và đã đủ điều kiện để triển khai, dự kiến xây dựng công trình hỗn hợp cao 40 tầng với gần 2.000 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 gian hàng tại khối đế và 21 căn shophouse, tổng giá trị phát triển khoảng 1,1 tỷ USD.
Cách đây 1 tháng, UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị mới 18,9 ha tại TP Thủ Dầu Một cho một công ty thuộc Tập đoàn CapitaLand. Giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công bố là 5.085 tỷ đồng.
Bên cạnh các dự án bất động sản, thị trường Việt Nam còn chứng kiến những thương vụ mua bán khách sạn đầu tiên trong năm nay ở Đông Nam Á.
Cụ thể, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) trước đó cho biết đã tư vấn thành công một danh mục đầu tư gồm 2 khách sạn 3 và 4 sao ở quận 7, TP.HCM, cùng một khách sạn 5 sao ở Indonesia.
Trong đó, doanh nghiệp phát triển bất động sản Everland Opportunities IX Limited của Hong Kong đã chi 106,1 triệu USD để mua lại các tài sản này từ Strategic Hospitality Holdings Limited (SHH) - công ty con của tập đoàn Thái Lan Strategic Hospitality Extendable Freehold and Leasehold Real Estate Investment Trust (SHREIT).
Điều đáng nói, các khách sạn này từng được rao bán từ năm 2020 khi đang hoạt động với công suất hạn chế và chìm trong thua lỗ.
Có thể bùng nổ hơn trong thời gian tới
Nhìn nhận về thị trường, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết khi bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, các quốc gia mới nổi như Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng hơn, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở thị trường Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư nước ngoài.
Dù thời gian tới thị trường chắc chắn còn nhiều thử thách, đại diện Cushman & Wakefield tin rằng đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp tăng cường hoạt động thâu tóm, hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp tiềm lực tài chính mạnh.
Các doanh nghiệp ngoại thường tìm hiểu, khảo sát và chọn lọc rất kỹ lưỡng từ ban đầu, sau đó bắt tay với đối tác nội địa để tận dụng lợi thế về quỹ đất và am hiểu pháp lý địa phương.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam
"Hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, các nghị định cùng quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản được ban hành. Mặt khác rất nhiều giải pháp tích cực mà Chính phủ cũng đang thực hiện, nhằm cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật và môi trường kinh doanh nói chung. Những quy định mới sẽ tạo giải pháp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác", bà nói thêm.
Nói về chiến lược của nhóm nhà đầu tư ngoại, bà cho hay họ thường tìm hiểu, khảo sát và chọn lọc rất kỹ lưỡng từ ban đầu, sau đó bắt tay với đối tác nội địa để tận dụng lợi thế về quỹ đất và am hiểu pháp lý địa phương.
Thông thường các nhà đầu tư quốc tế sẽ chọn sẵn một phân khúc bất động sản vốn là lợi thế, nơi họ có sẵn kiến thức và kinh nghiệm từ trước, để bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Sau một thời gian kiểm nghiệm, họ mới bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Theo đó, bà Trang dự báo có một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. "Bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực", bà Trang nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của ZNews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.