Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Đại gia' nào đang hiện diện trên thị trường bệnh viện tư nhân?

Cuộc chiến tranh giành thị phần trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang "nóng" hơn khi ngày càng nhiều bệnh viện tư nhân được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng.

benh vien tu nhan anh 1

Hơn chục năm về trước, thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chủ yếu là sân chơi của các doanh nghiệp nội.

Nhưng đến nay, nhiều ông lớn ngoại đã và đang gia nhập vào cuộc đua giành vị thế trong lĩnh vực y tế bằng nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám.

Những bệnh viện 100% vốn ngoại tại Việt Nam

Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) thành lập năm 1997 là bệnh viện 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Từ năm 2000, công ty Eukaria (Pháp) tiếp quản bệnh viện sau khi mua lại cổ phần của Công ty Indochina Medical (IMC) của Australia. Sau hơn 25 năm hoạt động, đến nay bệnh viện đã nâng công suất lên 170 giường bệnh.

Cũng sở hữu 100% vốn nước ngoài, bệnh viện FV (TP.HCM) do bác sĩ Jean-Marcel Guillon và nhóm bác sĩ người Pháp thành lập năm 2003. FV có số vốn điều lệ ban đầu là 224 tỷ đồng.

Hiện FV có 230 giường bệnh, 36 chuyên khoa với khả năng tiếp nhận 1.500 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Năm 2023, bệnh viện FV đưa vào hoạt động thêm một phòng khám đa khoa và trung tâm chẩn đoán ở trung tâm TP.HCM.

Hồi tháng 7/2023, Thomson Medical - ông lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế Singapore và Malaysia - thông báo chi 381,4 triệu USD (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng) để mua lại Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV) - chủ quản Bệnh viện FV (TP.HCM). Đây là thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Trong khi đó, Hoàn Mỹ vốn là một "ông lớn" trong phân khúc bệnh viện tư nhân, được thành lập từ năm 1997 bởi bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng. Đây cũng là một trong những hệ thống bệnh viện tư đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 10 năm bệnh viện này đi vào hoạt động, quỹ ngoại VinaCapital và Deustche Bank đã chi 20 triệu USD thâu tóm 44% cổ phần của Hoàn Mỹ. Sau đó không lâu, Hoàn Mỹ được tập đoàn y tế Fortis (Ấn Độ) chi 64 triệu USD mua lại 65% cổ phần. Ba bên gồm VinaCapital, Deutsche Bank và ông Tùng đã rời khỏi Hoàn Mỹ.

benh vien tu nhan anh 2

Sau khi về tay doanh nghiệp ngoại, Hoàn Mỹ liên tục mở rộng quy mô, tích cực mua bán và sáp nhập các bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành khác vào hệ thống. Ảnh: Hoàn Mỹ.

Đến năm 2013, Fortis Healthcare bán lại hệ thống bệnh viện này cho Richard Chandler - tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Singapore. Sau khi về tay Richard Chandler (nay là Clermont Group), Hoàn Mỹ liên tục mở rộng quy mô, tích cực mua bán và sáp nhập các bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành khác vào hệ thống.

Hiện, Hoàn Mỹ sở hữu chuỗi 15 bệnh viện và 6 phòng khám như bệnh viện Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ, Quốc tế Hạnh Phúc, Hoàn Mỹ Bình Dương, Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Hoàn Mỹ Vinh... với tổng quy mô gần 3.000 giường.

Còn với bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark, đây là bệnh viện tư nhân 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Đồng Nai, được thành lập vào ngày 15/9/2017 thuộc Tập đoàn Shing Mark (Đài Loan). Với quy mô 1.500 giường, bệnh viện có tổng vốn đầu tư lên đến 6.453 tỷ đồng (tương đương với 300 triệu USD).

Bệnh viện này được xây dựng trên diện tích 87,5 ha tại phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa). Đây là một trong số những công trình bệnh viện tư nhân có vốn nước ngoài lớn tại Việt Nam vào thời điểm 5 năm trước.

Khối nội liên tục mở rộng

Trong nước, nhiều ông lớn cũng đang tăng tốc chiếm lĩnh phân khúc bệnh viện tư nhân bằng nhiều dự án mới.

Sau khi khánh thành bệnh viện đầu tiên tại huyện Củ Chi (TP.HCM) vào năm 2014, Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á đã không ngừng mở rộng thị phần ở các tỉnh Tây Ninh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Vĩnh Long.

Hồi 2021, công ty này đã khánh thành Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Long An quy mô hơn 1.000 giường bệnh. Đây là bệnh viện tư nhân có quy mô lớn nhất tỉnh Long An. Công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hình thành hệ thống bệnh viện ở nhiều tỉnh thành lân cận.

Ngoài ra, những năm gần đây, thị trường bệnh viện tư nhân cũng chứng kiến nhiều sự xuất hiện của các doanh nghiệp nội như Tập đoàn Thế Giới Kỹ Thuật (TWG) phát triển hệ thống cơ sở y tế là bệnh viện theo nhiều hình thức như tự đầu tư, M&A, hợp tác công tư (PPP) và xã hội hóa y tế tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Hồi tháng 7/2020, Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An quy mô 500 giường do TWG đầu tư đã đi vào hoạt động. Hiện, tập đoàn này đang xây dựng dự án Bệnh viện Hoàn Mỹ phía Tây (TP.HCM) với quy mô 350 giường, tổng vốn đầu tư 915 tỷ đồng.

benh vien tu nhan anh 3

Bệnh viện Vạn Phúc - Sài Gòn được đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Ảnh: Vạn Phúc Group.

Hay Vạn Phúc Group cũng sắp đưa vào hoạt động Bệnh viện Vạn Phúc - Sài Gòn (TP.HCM) có tổng vốn đầu tư 864 tỷ đồng, quy mô 350 giường và 17 chuyên khoa.

Thị trường y tế đón dòng tiền ngoại

Mặt khác, một số doanh nghiệp nội cũng tăng tốc bằng cách hợp tác với các nhà đầu tư ngoại quốc. Thay vì tự đầu tư xây dựng bệnh viện, khối ngoại chọn cách gia tăng hiện diện tại thị trường y tế Việt qua hình thức M&A.

Mới nhất, Tập đoàn Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong đã chi 45,6 triệu USD thâu tóm Bệnh viện quốc tế Mỹ (TP.HCM) từ Tiến Phước vào hồi tháng 10 năm ngoái.

Việc mua lại bệnh viện từ tập đoàn nội địa được cho là sẽ giúp RMG nắm bắt cơ hội phát triển từ sự bùng nổ nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam. Đồng thời, thương vụ hỗ trợ tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của tập đoàn này..

Năm 2022, một nhóm nhà đầu tư do GIC đại diện cũng đã đầu tư vào công ty phát triển, vận hành hệ thống bệnh viện Đa khoa tư nhân quốc tế Vinmec. Khoản đầu tư trị giá khoảng 4.700 tỷ đồng, tương đương trên dưới 203 triệu USD. Tuy nhiên sau giao dịch, Vingroup vẫn là cổ đông chi phối duy nhất của công ty con này.

Vinmec hiện có 7 bệnh viện và 4 phòng khám đa khoa tiêu chuẩn quốc tế. Công ty con của Vingroup cũng đang triển khai nhiều dự án mới là Bệnh viện Vinmec Thiện Tâm Hà Tĩnh có quy mô 300 giường bệnh, với vốn đầu tư 730 tỷ đồng.

Tháng 5/2022, CVC Capital Partners cũng được biết tới với thương vụ mua 60% cổ phần Phương Châu Group (chủ đầu tư chuỗi Bệnh viện Quốc tế Phương Châu ở Cần Thơ, Sa Đéc - Đồng Tháp và Sóc Trăng).

Trước đó, năm 2020, Hệ thống Y tế Thu Cúc (TCI) cũng chính thức trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất việc tiếp nhận vốn góp trị giá 26,7 triệu USD, tương ứng 30% cổ phần từ quỹ đầu tư tài chính Vinacapital.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc được thành lập năm 2011, đến nay, TCI có một bệnh viện ở quận Tây Hồ, Hà Nội cùng 3 phòng khám tại các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Những khoản đầu tư hàng chục triệu USD đến hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy sức hấp dẫn của dịch vụ khám chữa bệnh tại Việt Nam cũng như sự trưởng thành của khối bệnh viện tư nhân.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Znews tại Tủ sách kinh tế.

Tập đoàn của tỷ phú Singapore mua bệnh viện FV giá hơn 381 triệu USD

Thomson Medical Group đã đồng ý mua lại cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD. Tập đoàn này sẽ trả trước khoảng 359,6 triệu USD.

Bầu Đức chuẩn bị bán bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ

Một trong những thông tin được ông chủ Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư chiều nay là việc bán bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai tại TP Pleiku để trả nợ.

Đại gia ngoại chi hàng trăm triệu USD thâu tóm mảng y tế

Chỉ riêng năm 2023, thị trường đã ghi nhận không ít thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm