Tháng 9/2013, tập đoàn CJ Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Ninh Thuận về phát triển vùng chuyên canh trồng ớt tại địa phương này. Kế hoạch triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn I, CJ sẽ trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha trong vòng 1 năm (tháng 9/2013 - 9/2014) để đánh giá năng suất và chất lượng ớt.
Căn cứ vào kết quả đó, hai bên sẽ thương thảo để thực hiện trồng đại trà trong vòng 10 năm (2014 - 2024) hoặc dài hơn trên diện tích đất dự kiến 500 - 600 ha và cần khoảng 3.000 nông dân tham gia canh tác, đáp ứng nguồn nguyên liệu khoảng 3.000 tấn ớt khô/năm (khoảng 12.000 tấn ớt tươi). Dự kiến, khi nguồn nguyên liệu ớt tại địa phương ổn định, CJ sẽ xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói các sản phẩm từ ớt khô và các loại nước sốt gia vị tại đây.
Các tập đoàn thực phẩm hàng đầu Hàn Quốc đang “săn” nguồn cung ứng nguyên liệu tại thị trường Việt Nam. |
Trước mắt, các chuyên gia của CJ sẽ cung cấp giống ớt, chuyển giao công nghệ trồng trọt cho nông dân, cam kết thu mua lại toàn bộ sản lượng ớt thu hoạch theo giá mua thỏa thuận với nông dân.
Trao đổi với PV, ông Lee Ho Yeon, chuyên gia thu mua của công ty CJ CheilJdang (thuộc tập đoàn CJ) cho hay: “Trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Trước đây, quốc gia quan trọng nhất trong chiến lược thu mua nguyên liệu của chúng tôi là Nhật Bản, nhưng giờ là Việt Nam. Việc hợp tác với tỉnh Ninh Thuận chỉ là một trong những hoạt động nổi bật của chúng tôi tại thị trường Việt Nam. Sang năm 2014, chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động cụ thể khác nữa. Bên cạnh sản phẩm ớt, CJ cũng đang thử sản phẩm cải thảo, vì đây là hai nguyên liệu không thể thiếu để làm món kim chi quen thuộc của người dân Hàn Quốc”.
Theo ông Lee Ho Yeon, việc lựa chọn đối tác cung ứng thực phẩm Việt Nam không liên quan tới quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ, mà là họ có đáp ứng được cam kết của quy trình nghiêm ngặt hay không. “Chúng tôi rất coi trọng hai yếu tố, đó là quy trình sản xuất sản phẩm và quá trình giao hàng - kiểm tra chất lượng hàng hóa”, ông Lee Ho Yeon cho biết.
Bên cạnh CJ, nhà bán lẻ Emart (cũng của Hàn Quốc) cũng không ngừng tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu cho các sản phẩm của mình, song song với xúc tiến mở đại siêu thị đầu tiên tại Việt Nam như đã dự kiến.
Hiện Emart đang thực hiện thẩm định, kiểm tra 2 mặt hàng là rau và tôm hùm của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nhà bán lẻ này đang gặp một số khó khăn trong việc lựa chọn nhà cung ứng, như tiêu chuẩn nhà máy sản xuất ở Việt Nam còn thấp và yếu về thiết kế bao bì.
Theo ông Lee Chang Hun, phụ trách thu mua hàng nông sản - thực phẩm của Emart, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao quy chuẩn nhà máy sản xuất như các tiêu chuẩn chất lượng chung mà thế giới công nhận và cần thiết kế lại vỏ bao bì để truyền tải hết thông điệp của sản phẩm đến người tiêu dùng và đối tác nhập khẩu.
Cũng theo ông Lee Chang Hun, tỷ lệ sản phẩm cà phê G7, một số đồ da dụng đang được bán trong chuỗi siêu thị Emart hiện mới chỉ chiếm 2%, còn rau củ quả thì chưa có nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ bán hàng online của Emart vào thị trường Việt Nam đạt trị giá khoảng 700 triệu won/năm và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Liên quan đến kế hoạch mở siêu thị Emart đầu tiên tại Việt Nam, ông Lee Chang Hun không nói cụ thể, song cho biết, Liên doanh giữa Emart và U&I đang nỗ lực tìm kiếm một đối tác tại TP.HCM và Hà Nội để mở siêu thị này. Không chỉ các đại gia của Hàn Quốc ráo riết tìm kiếm nguồn cung thực phẩm tại Việt Nam, mà Hiệp hội Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này cũng đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác xuất khẩu hàng hóa và hợp tác thương mại tại Việt Nam.
Lý giải động thái này của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hae Moon Chung, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc cho biết, đang có một xu hướng dịch chuyển mạnh giữa các quốc gia trong khu vực châu Á, đặc biệt giữa các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Myanmar, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp sửa ra đời (năm 2015).
“Doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải nhanh chóng đạt được những thỏa thuận, những cam kết chắc chắn về nguồn cung thực phẩm nông, thủy, hải sản tại Việt Nam để đón đầu triển vọng phát triển kinh tế ở khu vực này từ sau năm 2015”, ông Hae Moon Chung nói.