Aeon quyết định chia tay với Fivimart cuối tháng 9 vừa qua, đây cũng là cái tên cuối cùng trong chiến dịch hợp tác rầm rộ trước đó của Aeon khi gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Nhìn lại 10 năm qua với 3 lần hợp tác thương hiệu tại đây, đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản này dường như chưa tìm được tiếng nói chung và cũng chưa thu được nhiều giá trị về tài chính.
Bắt tay 2 ông lớn nội địa
Từ năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, Aeon đã cử các chuyên gia của mình sang khảo sát thị trường và mở văn phòng đại diện tại đây. Những hoạt động đầu tư thầm lặng của Aeon khiến cái tên này còn khá xa lạ với cả người tiêu dùng lẫn giới đầu tư trong nước. Khi liên doanh G7-Ministop ra đời năm 2011, Aeon (cùng với Trung Nguyên) là một trong hai “ông chủ” của hệ thống này. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn trong quá trình hợp tác giữa hai bên nên liên doanh này bị thất bại. Cái tên Aeon vẫn chưa được mấy ai biết đến.
Chỉ tới đầu năm 2014, khi Aeon chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại Aeon Mall Celadon Tân Phú (TP.HCM) với quy mô 3,5 ha, nhiều người mới bất ngờ. Và rất nhanh sau đó, đến cuối năm 2014, nhà bán lẻ lớn từ nước Nhật tiếp tục khai trương đại siêu thị Aeon Mall Canary Bình Dương với quy mô lên tới 6 ha.
Sau khi đánh dấu sự có mặt hoành tráng của mình ở Việt Nam với mô hình đại siêu thị, Aeon xoay chiến lược với việc hợp tác với các thương hiệu nội địa mới nổi để tăng độ nhận diện thương hiệu. Hai cái tên được chọn liên tiếp sau đó là hai hệ thống siêu thị Citimart ở phía Nam (2014) và Fivimart ở phía Bắc (2015). Qua những cái bắt tay này, tạo ra hai liên doanh mới với tên gọi AeonCitimart và AeonFivimart. Trong đó, Aeon nắm 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart.
Fivimart đã chia tay Aeon sau 4 năm sát cánh với nhau. |
Nhờ chiến lược hợp tác với các siêu thị lớn trong nước, tập đoàn bán lẻ của Nhật đã hoàn thành mục tiêu “Một mũi tên trúng hai đích” là vừa tăng tốc phát triển tại thị trường Việt Nam, vừa nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về thương hiệu Aeon. Nếu nhìn vào chuỗi 30 siêu thị của Citimart và chuỗi 20 siêu thị của Fivimart trên khắp cả nước, có thể hiểu được tham vọng của Aeon là rất lớn.
Lý giải về việc lựa chọn Citimart và Fivimart, ông Yukio Konishi, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam, cho biết khi vào thị trường Việt Nam, Aeon mong muốn hợp tác với những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong giai đoạn phát triển, đã đạt được những thành công nhất định để hai bên cùng nỗ lực để phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng Aeon sẽ tiếp tục lấn sâu vào ngành bán lẻ nội địa thông qua những thương vụ M&A, tương tự như cách làm với Citimart và Fivimart. “Nếu có nhiều thương hiệu nội địa tốt thì chúng tôi sẽ suy nghĩ đến việc mua thêm”, ông Konishi cho biết.
Hợp tác với Citimart, Fivimart liên tục lỗ
Tuy nhiên, sau một thập kỷ, nhìn lại tất cả các mối quan hệ này vẫn chưa cái bắt tay nào đạt được kỳ vọng như tuyên bố ban đầu. Ở một góc nhìn khác thì chỉ thấy được sự khả quan trong kết quả kinh doanh của hệ thống 4 trung tâm thương mại độc lập của Aeon. Trong khi đó các mô hình liên kết thường không đem lại kết quả kinh doanh tốt.
Cụ thể, với 4 siêu thị hoạt động độc lập, trong năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014 và lợi nhuận trước thuế 54 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu tăng hơn 30%, đạt 5.136 tỷ đồng và lãi trước trước thuế 234 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước đó.
Tuy nhiên với các thương vụ hợp tác tình hình kinh doanh của Fivimart, Citimart lại có dấu hiệu đi xuống. Trong đó rõ rệt nhất là hệ thống siêu thị Fivimart khi 3 năm tài chính liên tiếp đều ghi nhận lỗ ròng dù số lượng siêu thị đã tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2016 hệ thống ghi nhận mức lỗ 96 tỷ, đến năm 2017 con số lỗ lũy kế lên tới gần 200 tỷ đồng. Nợ phải trả ngang bằng với tổng tài sản của công ty ở mức hơn 800 tỷ đồng.
Trong khi đó, Citimart cũng đối diện với tình hình tiêu cực dù doanh thu của chuỗi siêu thị này có tăng trưởng khoảng 15%, đạt gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tài chính lỗ lũy kế ghi nhận lên tới 157 tỷ đồng.
Đa dạng mô hình kinh doanh thông qua liên kết và phát triển hệ thống đại siêu thị là chiến lược tiếp cận và từng bước chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của Aeon.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Cách Aeon triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, họ nhắm tới một đích đến xa hơn khi triển khai các chân rết của mình ở những địa điểm chiến lược, nhất quán và cùng khai thác kinh doanh tổng lực với các nhà bán lẻ khác. Tuy nhiên những mắt xích liên kết của hệ thống này vẫn chưa có được tiếng nói chung sau nhiều năm tìm đến nhau.
Trong thông cáo mới nhất về việc chia tay với Fivimart, ông lớn bán lẻ này cho biết giữa Fivimart và Aeon trong khi thương lượng chiến lược tăng trưởng, mong muốn thực hiện nâng cao cuộc sống của người tiêu dùng và phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam là như nhau.
Aeon vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với các đối tác nội sau 10 năm. |
Tuy nhiên, trong phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai công ty có sự khác nhau rõ ràng. Vì vậy, hai công ty đã thương lượng và đi đến đồng ý hủy bỏ hợp tác nhằm để mỗi bên xúc tiến chiến lược tăng trưởng, đầu tư vào việc cải thiện giá trị công ty, thay vì tiếp tục việc hợp tác nghiệp vụ, liên kết vốn.
Việc khác biệt về tư duy cũng được nhắc đến ở thời điểm Trung Nguyên công bố việc ký hợp tác với Ministop (Aeon sở hữu) phát triển chuỗi G7 của mình. Nhiều người cho rằng đây là cơ hội “giải cứu” chuỗi cửa hàng G7 Mart đang kinh doanh thất bại ở thời điểm đó. Tại một buổi họp báo hồi năm 2010, lãnh đạo G7 cho biết hai bên sẽ thành lập liên doanh, trong đó G7 chiếm 75% cổ phần và Ministop đóng góp 25%, với số vốn ban đầu trên 10 triệu đô la Mỹ, mục tiêu phát triển 500 cửa hàng trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, đây là con số mà nhiều người cho là “quá tham vọng”. Bởi lẽ một số chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đã có mặt ở Việt Nam sớm hơn còn chưa đặt ra mục tiêu cao như vậy do việc tìm địa điểm ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM là rất khó khăn, giá thuê đắt đỏ. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen mua hàng ở các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Thực tế sau gần 5 năm hợp tác, chuỗi cửa hàng Ministop chỉ dừng lại ở 17 điểm bán.
Giới quan sát cho rằng có khả năng hàng trăm cửa hàng của G7 Mart chưa thật sự phù hợp với điều kiện mà Ministop đề ra. Mặt khác, đa số đây là những điểm kinh doanh do G7 “nâng cấp” từ các cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, chứ không phải do chính G7 đầu tư.
Có lẽ sự khác biệt về tư duy kinh doanh khiến cho 10 năm qua Aeon vẫn chưa tìm được đối tác hoàn hảo.