Mỗi ngày, hàng loạt hình ảnh và tin tức đầy đau buồn về Ấn Độ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. "Số ca nhiễm lập kỷ lục", "thiếu oxy" hay hình ảnh những thi thể nghi nhiễm Covid-19 dạt vào bờ sông Hằng trở thành những tiêu điểm của tin tức.
Đáng buồn hơn nữa là những bi kịch bất tận đó vẫn chưa có điểm dừng. Những câu chuyện trên sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu lan từ các thành phố lớn về các vùng nông thôn Ấn Độ, nơi có hệ thống y tế kém hơn nhiều so với các đô thị.
Bức tranh đầy tương phản
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ghi nhận gần 12.500 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 12/5 - tức chỉ bằng một nửa so với con số từng được ghi nhận tại đây vào ngày 30/4. Một dấu hiệu có phần tích cực khác là tỷ lệ dương tính của các xét nghiệm đã giảm xuống 19%, từ mức cao ngất ngưởng 36% vài tuần trước đó.
Một chợ nông sản ở Mumbai ngày 11/5. Ảnh: Reuters. |
Tình cảnh khả quan tương tự được ghi nhận ở Mumbai - thành phố đông dân nhất Ấn Độ. Tỷ lệ dương tính của xét nghiệm tại đây giảm xuống còn 7%, dưới mức 10% theo khuyến nghị của WHO. Điều đó phần nào cho thấy hai thành phố lớn nhất của Ấn Độ đang dần kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh, bức tranh đại dịch Covid-19 dường như không có quá nhiều điểm sáng. Các điểm tối lại xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các vùng nông thôn Ấn Độ.
Điều này dẫn đến một câu hỏi hóc búa: Nếu New Delhi, nơi có hạ tầng y tế tốt và nhiều bệnh viện tốt, còn rất chật vật mới có thể kiềm chế đại dịch, thì làm sao các vùng nông thôn - nơi hệ thống y tế yếu kém hơn nhiều - có thể trụ nổi trước làn sóng dịch.
Và câu trả lời đã xuất hiện khá nhanh chóng.
Khi nguồn oxy cạn kiệt
Hôm 11/5, Bệnh viện Sri Venkateswara Ramnarain Ruia tại bang Andhra Pradesh đã hết nguồn cung oxy, trong khi hơn 60 bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch.
11 bệnh nhân qua đời sau đó. Trong cơn tức giận, thân nhân của những người này xông vào phòng chăm sóc đặc biệt, xô đổ bàn ghế và đập phá các trang thiết bị.
Hình ảnh được phát trên truyền hình cho thấy vài người ôm chặt đầu vì quá đau buồn, trong khi các bác sĩ và y tá bỏ trốn vì sợ hành hung.
Một bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc tại bệnh viện công thuộc bang Uttar Pradesh. Ảnh: Reuters. |
Andhra Pradesh, cũng như nhiều bang miền Nam khác, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt oxy nghiêm trọng. Thống kê của một tờ báo Ấn Độ cho thấy việc hết oxy đã diễn ra ở 20 bệnh viện, dẫn đến cái chết của hơn 200 bệnh nhân.
Trước kia, các bang miền Nam của Ấn Độ từng đồng ý chia sẻ nguồn oxy với nhau. Giờ đây, một vài bang lại muốn chấm dứt việc hợp tác.
Bang miền Nam Tamil Nadu từ chối chia sẻ oxy cho bang hàng xóm Andhra Pradesh - nơi thảm kịch diễn ra khiến 11 người thiệt mạng. Bang Kerala cũng từ chối chia sẻ oxy vì nhu cầu oxy của bang này tăng cao, trong bối cảnh tỷ lệ dương tính của xét nghiệm ở bang này tăng lên mức 27% từ mức 8% hồi đầu tháng 4.
"Nhiều người đã chết vì không hề được điều trị", Rijo M. John, một nhà kinh tế sức khỏe tại Kerala, bình luận.
Đằng sau những thi thể trên sông
Người dân tại Bihar, một bang miền Bắc Ấn Độ, không khỏi bàng hoàng khi phát hiện hàng chục thi thể, nghi là của nạn nhân Covid-19, trôi dạt vào bờ sông Hằng hôm 10/5.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tử thi như vậy", Arun Kumar Srivastava, một bác sĩ địa phương, nói. Ông cũng cho rằng "chắc chắn sẽ có thêm người chết", khi nhiều người vác các thi thể trên vai.
Người nhà của một bệnh nhân Covid-19 đau buồn sau khi biết tin người thân qua đời. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức cho biết các xác chết trên là do các tài xế lái xe cứu thương thả xuống từ một cây cầu, và bác bỏ việc các thi thể bị thân nhân thả trôi do không có điều kiện mai táng.
Krishna Dutt Mishra, một tài xế lái xe cứu thương ở Bihar, lại cho rằng nhiều người đã phải thả xác người thân xuống sông vì giá hỏa táng quá cao. Theo ông, trong làn sóng Covid-19 thứ hai, giá hỏa táng đã tăng từ 2.000 rupee (khoảng 27 USD) lên 15.000 rupee (200 USD).
Đây là một khoản tiền khổng lồ đối với nhiều gia đình Ấn Độ, và vì thế, việc hỏa táng người thân trở thành một điều không thể đối với họ.
"Tôi đã lái xe dọc từ Buxar đến Chausa. Tôi chưa từng nhìn thấy xác chết trên sông, chứ đừng nói đến việc thấy hàng chục, hay hàng trăm thi thể", ông Mishra nói.