Royal Dutch Shell đã chi hàng tỷ USD để phát triển một trong những dự án năng lượng phức tạp nhất thế giới - một con tàu nổi khai thác khí đốt hỏa lỏng có tên là Prelude FLNG.
Với chiều dài khoảng 5 sân bóng đá (488 mét), rộng 74 mét và làm từ 260.000 tấn thép, khi đưa vào sử dụng con tàu sẽ nặng hơn 600.000 tấn - tức nặng hơn 5 lần tàu sân bay lớn nhất thế giới hiện tại.
Prelude không chỉ là một con tàu, nó là dàn khoan di động kiêm nhà máy chế biến khí đốt trên biển. Nhưng nó lại là một cơn đau đầu lớn đối với hãng Royal Dutch Shell vào lúc này. Ảnh: Reuters. |
Con tàu lớn nhất thế giới
Được đóng bởi Samsung Heavy Industries, "hòn đảo nhân tạo" này khi hoạt động sẽ cần 300 nhân lực. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đặt ra một thách thức mới mà đại gia dầu khí chưa từng phải đối mặt: Làm thế nào để đưa công nhân trở lại tàu một cách an toàn?
Sau nhiều năm đình trệ, đội chi phí, các vấn đề kỹ thuật và lo ngại an toàn, Shell bắt đầu đưa con tàu vào sử dụng vào năm 2019 ở ngoài bờ biển Australia. Nhưng hoạt động sản xuất phải tạm ngưng vào tháng 2 vừa qua vì một sự cố về điện. Công ty cho biết nỗ lực tái khởi động con tàu đang bị làm chậm lại bởi những quy định giãn cách xã hội.
Công việc "tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19 ở ngoài khơi", Shell cho biết trong một thông báo. Công ty từ chối cho biết khi nào Prelude sẽ hoạt động trở lại.
Những gì diễn ra với Prelude cũng cho thấy một bức tranh toàn cảnh về việc virus corona đang ảnh hưởng tới những dự án năng lượng lớn nhất thế giới như thế nào. Các trạm khai thác và thăm dò dầu khí ngoài khơi là nơi mà nhiều công nhân phải sống trong điều kiện chật hẹp, và một số ổ dịch đã bùng phát tại những cơ sở như vậy tại Kazakhstan, Mozambique và Vịnh Mexico.
Điều này cũng minh họa cho câu chuyện nhu cầu năng lượng sụp đổ vì các lệnh phong tỏa chống Covid-19 khiến giá dầu lao dốc. Thực trạng đó cũng đang thách thức tính kinh tế của các siêu dự án mà những công ty này phê duyệt từ khi giá dầu và khí đốt vẫn còn cao.
Là con tàu lớn nhất loại này từng được sản xuất, Prelude ban đầu được kỳ vọng trở thành một trong những siêu dự án mà Shell lên kế hoạch xây dựng để khai thác các mỏ khí đốt ở ngoài khơi xa. Tuy nhiên, công ty nhanh chóng quyết định rằng họ sẽ chỉ có duy nhất một dự án như thế này, trong bối cảnh chi phí bị đội lên rất nhiều. Toàn bộ số tiền mà Shell bỏ ra cho Prelude đã lên tới 15 tỷ USD.
Một số nhà phân tích ước tính tổng chi phí còn có thể cao hơn. Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho rằng chi phí cuối cùng có thể lên tới 17 tỷ USD, hơn 5 tỷ USD so với ngân sách ban đầu của Shell khi dự án được phê duyệt vào năm 2011.
"Khi Shell phê duyệt Prelude, giá dầu ở trên mức 100 USD một thùng, và thế giới khi đó rất khác", ông Daniel Toleman, nhà phân tích của Wood Mackenzie, nhận định. Ông Toleman nói thêm rằng cơn lốc dầu đá phiến và sự sụp đổ của giá dầu vào năm 2014 đã làm thay đổi nhu cầu phát triển các siêu dự án dầu khí của những công ty năng lượng.
Giá dầu Brent hiện tại ở mức 44 USD một thùng hôm 21/8.
Prelude khi còn đang được đóng tại nhà máy của Samsung Heavy Industries ở Hàn Quốc. Ảnh: New York Times. |
Cuối tháng trước, Shell đã giảm giá trị tài sản của tập đoàn xuống còn 16,8 tỷ USD sau thuế, một phần trong làn sóng mất giá của những công ty năng lượng do tình hình suy thoái kinh tế hiện nay. Shell không đưa ra phân tích về những dự án bị ảnh hưởng, nhưng giá trị của Prelude lúc này là vào khoảng 4 tỷ USD, theo một người biết về vấn đề.
Con tàu khổng lồ có thể đỗ ngay trên một mỏ khí đốt, khai thác khí thô và xử lý thành khí hóa lỏng tự nhiên ngay trên tàu. Sản phẩm sẽ được bơm vào các tàu chở khí đốt khác để vận chuyển đi khắp thế giới. Thường thì khí đốt được dẫn bằng ống từ giàn khoan ở biển đến một cơ sở xử lý trên đất liền, khiến cho chi phí khai thác những mỏ khí ở xa trở nên đắt đỏ.
20 năm nữa mới có câu trả lời
Prelude có khả năng cung cấp đủ khí đốt tự nhiên hóa lỏng để đáp ứng một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên hàng năm của bang Washington. Nó có thiết kế đặc biệt phức tạp vì phải làm việc ở những vùng biển sâu và đôi khi là biển động, và sau đó sẽ xử lý khí đốt thành 3 sản phẩm: khí tự nhiên hóa lỏng, khí hóa lỏng và khí tự nhiên ngưng tụ.
"Họ lao vào một dự án rất lớn, phức tạp với những công nghệ không có sẵn. Họ phát triển nó như là một dự án đặc biệt. Tôi cho rằng trong vòng 20 năm nữa chúng ta sẽ biết đó có phải là quyết định chính xác hay không", ông Jason Feer, người đứng đầu bộ phận phân tích dữ liệu tại công ty tư vấn Poten & Partners Inc, nhận định.
Các đại gia năng lượng đã đặt cược lớn vào thị trường khí đốt tự nhiên, nhưng vai trò của nó trong cơ cấu năng lượng đang dần thay đổi khi các quốc gia thực hiện chuyển đổi và sử dụng các nguồn năng lượng ít carbon. Một số nhóm môi trường thậm chí còn vận động hành lang để dịch chuyển khỏi việc khai thác năng lượng hóa thạch, và điều đó sẽ khiến các dự án năng lượng ở xa bờ trở nên tốn kém hơn.
Shell cho biết mặc dù virus đã tác động lớn đến nhu cầu về khí đốt tự nhiên, nhưng họ vẫn tin rằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là trụ cột của thị trường năng lượng tương lai. Công ty nói thêm rằng nhu cầu cho LNG đã tăng 12,5% lên 359 triệu tấn vào năm 2019, và họ dự đoán nhu cầu LNG dài hạn sẽ tăng khoảng 4% mỗi năm.
Ngày càng có nhiều phương tiện sử dụng khí LNG vì nó gây ra ít khí thải độc hại hơn các loại năng lượng hóa thạch khác. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đã nói trước đây rằng chúng ta sẽ nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở LNG hơn bất cứ khía cạnh nào khác của hệ thống năng lượng dựa trên carbon, tôi vẫn tin rằng điều đó là chính xác", ông Ben van Buerden, giám đốc điều hành của Shell cho biết trong thông báo tài chính vào tháng 7.
Tuy nhiên, do nhu cầu toàn cầu giảm trong năm nay, các nhà phân tích cho rằng Shell có thể cần phải cắt giảm sản lượng từ các cơ sở nhất định như Prelude trong ngắn hạn, để giảm bớt tác động của những khó khăn hiện tại.