Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đang có 70 vắcxin tiềm năng được phát triển để chống lại chủng virus corona đang gây nên đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng hoài nghi vắcxin, vốn nhỏ nhưng xuyên lớn tiếng, cũng đang bị chia rẽ, theo bài viết của Guardian.
Sự hoài nghi vắcxin gần đây lại càng gây chú ý do bình luận của những người nổi tiếng. Ngôi sao số 1 của tennis thế giới, Novak Djokovic, viết trên Facebook rằng quan điểm hoài nghi vắcxin có thể ngăn không cho anh quay trở lại với tennis, vì anh “không muốn bị người khác bắt phải tiêm vắcxin”.
Ca sĩ nhạc rap người Anh M.I.A cũng bị chỉ trích sau tweet rằng: “Nếu tôi phải chọn vắcxin hoặc chết thì tôi sẽ chọn chết”.
Diễn viên người Australia Isabel Lucas vừa không được chọn là đại sứ một nhóm từ thiện cho trẻ em gái sau khi nói “không tin vào giải pháp tiêm vắcxin”.
Ngôi sao số 1 của tennis thế giới, Novak Djokovic, có quan điểm hoài nghi vắcxin. Ảnh: Getty. |
Người chống vắcxin nghĩ khác giữa đại dịch
Tuy nhiên, Heidi Larson, giám đốc Dự án Lòng tin vào Vắcxin (VCP), nói ngoài những người bảo thủ như trên, nhiều người khác “không cứng nhắc như vậy trong quan điểm, có thể vì họ chỉ phản đối một loại vắcxin nào đó... và họ sẽ hành xử khác giữa một đại dịch”.
Dự án của bà cùng các đối tác trên thế giới thăm dò ý kiến về vắcxin trong 18 tháng và phân tích 3 triệu bài đăng mạng xã hội mỗi ngày từ tháng 1-3 năm nay. Theo đó, bà tin rằng đa số người “muốn có vắcxin virus corona, càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, vẫn có sự chống đối. Theo Guardian, phong trào chống vắcxin đã trỗi dậy trên toàn cầu những năm gần đây, được châm ngòi bởi bài viết của bác sĩ tai tiếng người Anh Andrew Wakefield, người đã lập luận một cách lừa dối về mối liên hệ giữa vắcxin MMR (phòng bệnh sởi, quai bị, rubella) với chứng tự kỷ ở trẻ em. Bài viết đã bị giới chuyên gia phủ nhận.
WHO chỉ ra “sự e ngại vắcxin” là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu trên thế giới. Tùy vào loại bệnh mà khoảng 75-95% dân số thế giới phải được tiêm vắcxin để có miễn dịch bầy đàn.
Khảo sát quan điểm về vắcxin toàn cầu cho thấy 8 trên 10 người (79%) đồng ý một chút hoặc đồng ý mạnh mẽ rằng vắcxin an toàn, trong khi chỉ 7% không đồng ý.
Tỷ lệ đồng ý cao hơn ở Bắc Mỹ (72%) và Bắc Âu (73%), và thấp hơn ở Tây Âu (59%) và Đông Âu (40%).
Sự lan rộng của đại dịch Covid-19 có thể sẽ làm xói mòn phong trào chống đối vắcxin. Khảo sát của Dự án Lòng tin vào Vắcxin (VCP) tại Pháp - nước chống vắcxin nhiều nhất với 33% người được khảo sát không coi vắcxin là an toàn - cho thấy chỉ tỷ lệ người sẽ từ chối vắcxin virus corona chỉ là 18% - thấp hơn nhiều con số trên.
Ở Anh, thăm dò cho thấy tỷ lệ người nói sẽ từ chối vắcxin Covid-19 vào giữa tháng 3 là 7%, nhưng sang đầu tháng 4 đã giảm xuống còn 5% (đúng giai đoạn Covid-19 lan rộng ở Anh).
Ở Italy, có những dấu hiệu cho thấy người hoài nghi vắcxin đang phải giảm nhẹ lập luận của mình. Claudio Simion, từ nhóm chống vắcxin Comilva, vẫn khẳng định vắcxin không phải là giải pháp duy nhất và “có thể là cách để trấn an người dân”, nhưng cũng nói thêm “chúng tôi không thù địch với vắcxin”.
Một người được tiêm vắcxin thử nghiệm Covid-19 ngày 16/3 ở Seattle, Mỹ. Ảnh: AP. |
Chống vắcxin sẽ cản trở miễn dịch bầy đàn
Nhưng đối với một số người khác, đại dịch dường như khiến quan điểm chống vắcxin của họ cứng rắn hơn.
Một số nhân vật nổi tiếng, trong đó có Robert Kennedy Jr - cháu của cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy, đã tận dụng dịch bệnh để cổ xúy cho lập luận của mình và phát tán thuyết âm mưu, chẳng hạn như ngành dược tạo ra Covid-19 để làm giàu, hay Bill Gates có âm mưu thao túng thế giới thông qua vắcxin.
Scott Ratzan, từ trường y tế cộng đồng Đại học Thành phố New York (CUNY), nói ông lo ngại về kết quả thăm dò ở thành phố New York cho thấy 53% cư dân chắc chắn sẽ tiêm vắcxin, còn 29% sẽ từ chối.
“Nếu số lượng lớn quyết định không tiêm vắcxin cho họ và cho con cái thì sao?”, ông nói với Guardian. “Ngay bây giờ, chỉ khoảng nửa số người New York nói sẽ làm vậy. Nếu đúng thế, chúng ta sẽ không thể bảo vệ cộng đồng khỏi các đợt dịch mới”.
Bà Larson nói thời điểm cung cấp vắcxin, được dự báo trong năm 2021, sẽ rất quan trọng, và nhiều người có thể sẽ e ngại nếu có bất cứ thông tin nào cho thấy vắcxin được cho ra lò một cách vội vàng hay chưa được thử nghiệm đầy đủ.
Bà Larson cho rằng đại dịch virus corona sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến khối người chống đối vắcxin.
Nhưng bà dự đoán các tác động gián tiếp khác, khi đại dịch khiến việc tiêm phòng sởi sẽ bị trì hoãn ở 24 nước và hủy bỏ ở 13 nước, khiến cả WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) lo ngại.
Nếu sau đại dịch Covid-19, mà sự chống đối vắcxin giảm đi, đó sẽ là kết quả của “sự bùng phát các bệnh khác như sởi, vì cha mẹ không dám đưa con đến trung tâm tiêm phòng giữa đại dịch”.