Tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Giám. |
“Trong những tháng đầu năm 2023, chúng ta chủ yếu thấy những gam màu xám. Sự lan tỏa, khí thế tăng trưởng của năm 2022 chưa xuất hiện, thay vào đó là những khó khăn, thách thức”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.
Đây không phải là đại biểu duy nhất có những trăn trở về bài toán phát triển của đất nước. Trong cuộc họp ngày 31/5 của Quốc hội, các khó khăn về vấn đề kinh tế - xã hội đã được nhiều đại biểu bóc tách và thẳng thắn nhìn nhận.
Một bức tranh nhuốm màu ảm đạm
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), các số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy thực trạng kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.
Cụ thể, xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%. Giải ngân vốn FDI giảm 0,8%.
Nhiều đại biểu Quốc hội có chung nỗi lo về hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Quốc hội. |
Không chỉ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, mặc dù có tăng 8,3% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% trong 3 tháng đầu năm. Điều đó đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng cũng đang giảm đi.
Nhiều doanh nghiệp thực tế đã ‘chết lâm sàng’. Khu vực kinh tế tư nhân đang suy yếu trong những năm qua
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)
Ông Lộc cho biết niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ là 95.000, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88.000, tăng đến 22,6%. Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.
“Nhiều doanh nghiệp thực tế đã ‘chết lâm sàng’. Khu vực kinh tế tư nhân, một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, đang suy yếu trong những năm qua”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo vị này, nguyên nhân chính của tình trạng ảm đạm nói trên một phần do nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển tăng trưởng chậm, trong khi đây chính là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam.
Ngoài ra, việc thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị “đóng băng” cũng đã gây ra các tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.
Không chỉ vậy, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), còn cho rằng những vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy đang trở thành chướng ngại ngáng đường phát triển của nhiều doanh nghiệp.
“Sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Việc sản xuất, kinh doanh cũng vì thế mà bị đình trệ. Đến nay, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại tiếp tục gây ra nhiều rào cản, khó khăn và khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ”, ông Mai Văn Hải chia sẻ thêm.
Thời điểm “khoan sức dân”
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn.
Lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh nhưng cán cân thương mại đang thặng dư lớn (Việt Nam xuất siêu 9,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Thêm vào đó, nợ công mới chỉ ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định. Vì vậy, ông Lộc cho rằng dư địa của các chính sách tài khóa - tiền tệ còn lớn.
Đại biểu Quốc hội cho rằng việc giảm thuế VAT không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và bị giới hạn trong 6 tháng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện quốc sách ‘khoan sức dân’, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Các đề xuất theo kiểu tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sản xuất, nên dừng lại”, ông Lộc bình luận.
Theo vị này, việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới nên được mở rộng ra cho tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm.
Nhìn nhận từ phía doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp các đơn vị dễ dàng tiếp cận vốn của ngân hàng.
Ngoài ra, ông cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới. Các vấn đề của thị trường bất động sản, chứng khoán cũng cần được kiểm soát và giải quyết để sớm ổn định trở lại.
“Cần tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở phải đóng cửa”, ông Hòa chia sẻ thêm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.