Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội nêu đối sách cho chủ quyền Biển Đông

Trước tình hình phức tạp ở Biển Đông, các đại biểu Quốc hội mong muốn thông tin phải được công khai và có những biện pháp mới để đối phó.

Bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra trong 2 ngày Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội (30-31/10). Công khai thông tin vi phạm chủ quyền, kiên quyết đấu tranh để giữ vững toàn vẹn lãnh thổ là những đề xuất mà các đại biểu nêu ra trước Quốc hội.

"Tam công chiến pháp"

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng Trung Quốc không từ bỏ thủ đoạn chiếm đoạt Biển Đông "thành ao nhà". Ông nhận định Trung Quốc đang có "tam chủng chiến pháp" gồm tâm lý, truyền thông và pháp lý trong vấn đề biển Đông.

Về tâm lý, đại biểu Cà Mau cho rằng Trung Quốc đã rao giảng cho các thế hệ học sinh từ trước đến nay rằng Biển Đông là của Trung Quốc. Về truyền thông, Trung Quốc nói tại các diễn đàn Biển Đông là của mình.

chu quyen bien dong anh 1
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: Hải Quân.

Về pháp lý, nước láng giềng đang sửa lại diễn đạt của luật biển và đang xâm lấn các quốc gia ven biển.

Đại biểu tỉnh Cà Mau đề xuất Việt Nam cần có "tam công chiến pháp" để đối sách lại với Trung Quốc gồm: Công luận, công khai và công pháp.

Về công luận, ông Vân đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố hồ sơ để chứng minh cho dư luận thế giới biết Biển Đông là của Việt Nam. Về công khai, cần công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, trong nước biết.

Về công pháp, đại biểu Cà Mau đề nghị sử dụng tối đa công cụ pháp lý từ công pháp quốc tế cho đến cơ sở pháp lý mà luật biển đã quy định.

“Về lâu dài, Việt Nam cần có đối sách căn bản và phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn trên Biển Đông”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Cần biện pháp mới để đấu tranh

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận định Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp sang quân sự hóa, khai thác sử dụng trên Biển Đông. Ông đề nghị cần công khai, cập nhật các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc để dư luận tiến bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Trung Quốc được biết.

chu quyen bien dong anh 2
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Hải Quân.

Đại biểu Hiếu cũng cho rằng các phương pháp sử dụng thời qua như vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý các hoạt động vi phạm chủ quyền bằng biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc.

"Cần có thêm các biện pháp mới, theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là không nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, đại biểu Hiếu phát biểu.

Đại biểu cũng dẫn nhiều ý kiến cử tri cho rằng nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ông mong muốn không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, mà đưa toàn bộ hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam như xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá thời gian qua.

“Khi có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay bản thân nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của Chính phủ Trung Quốc. Không chính phủ nào có thể phớt lờ lẽ phải được cộng đồng quốc tế hiển nhiên công nhận”, ông nói.

"Sẵn sàng phương án cao nhất"

Đại biểu Trần Việt Khoa (Hà Nội) nêu vấn đề tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng an ninh, an toàn khu vực biển có tuyến hàng hải bận rộn nhất trên thế giới. Điều này đe dọa an ninh khu vực, an ninh các nước có chung khu vực biển Đông.

Vị đại biểu là Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết từ tháng 5, khi Việt Nam có hoạt động dầu khí trên biển, đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10, nước ngoài đưa lực lượng xuống phản đối một cách hết sức phi lý.

“Đây là những cái không thể chấp nhận được. Họ đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có thời điểm đến 35-40 chiếc để bảo vệ”, ông nói.

chu quyen bien dong anh 3
Giám đốc Học viện Quốc phòng Trần Việt Khoa. Ảnh: Hải Quân.

Theo trung tướng Trần Việt Khoa, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng như cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi theo công ước và luật pháp quốc tế.

Ông cho rằng việc dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật đấy ngày nay thể hiện rất rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc.

"Tình hình hiện nay, có nhiều yếu tố tác động, cần có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong điều kiện giữ vững hòa bình phát triển đất nước”, ông nói.

Đại biểu Khoa nhấn mạnh đất nước ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, tàn khốc, có nhiều sự mất mát của các gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, việc bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

“Sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Sẵn sàng đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình ổn định phát triển đất nước”, ông nói.

'Không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền'

"Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng", Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội.

Hiếu Công - Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm