Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền'

"Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng", Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội.

  • Kỳ họp khai mạc lúc 9h, sau khi các đại biểu đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và họp phiên trù bị.
  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
  • Tiếp đó là các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV Sáng 21/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV khai mạc. Trong 28 ngày làm việc, Quốc hội dành 60% thời lượng cho công tác xây dựng luật.
  • Nước nhiễm dầu thải nhưng chậm công bố thông tin

    Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân; việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân.

    Có ý kiến đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào các nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

    Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ, làm 76 người chết và 124 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính là 1.057 tỷ đồng. Vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng đông khiến công ty thiệt hại 150 tỷ đồng và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới người dân sống trong khu vực.

    Vụ việc nguồn nước do Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà cấp cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội bị ô nhiễm, có hàm lượng chất Styren có nguồn gốc từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần.

    Ảnh: Hồng Quang.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 1

  • Thu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững

    Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Ủy ban Kinh tế cho thấy kết quả thu ngân sách Nhà nước ước vượt dự toán (khoảng 3,3%).

    Năm 2019 là năm thứ hai trong giai đoạn 2016-2020 có vượt thu ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,2% GDP là thấp so với mục tiêu (21% GDP). Các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt tỷ lệ thấp và khả năng ước thực hiện không đạt so với dự toán; dự kiến khoảng 10 địa phương ước thu nội địa không đạt dự toán cho thấy thu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững. Tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi.

    Chi ngân sách Nhà nước đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết. Tuy nhiên, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao (khoảng 63%). Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn hạn chế, có nơi lãnh đạo địa phương chưa nêu gương, gây bức xúc trong nhân dân.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Minh Quân.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 2

  • Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.

    Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

    Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Kết quả này thể hiện nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và cả nước trong khi khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán; giá nhiều nông sản giảm mạnh; thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó khăn.

    Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

  • Thủ tướng: ‘Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp’

    Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình tình trong nước. Trong đó, tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

    Thủ tướng khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

    Theo Thủ tướng, chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Minh Quân.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 3

  • Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông

    Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ tập trung vào 3 nội dung chính:

    - Thứ nhất, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đồng thời, xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

    - Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Đặc biệt là việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…

    Bên cạnh đó, Quốc hội nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông. Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

    -Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019…

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Minh Quân.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 4

  • Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc kỳ họp

    Chủ tịch Quốc hội cho rằng kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro; ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta.

    Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

    Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.

  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 5

  • Sáng 21/10, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo cấp cao cùng đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khoá XIV.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 6

    Các đại biểu gặp gỡ ở hành lang Quốc hội trước giờ khai mạc.

    ky hop thu 8 Quoc hoi khoa XIV anh 7

  • Miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

    Một nội dung quan trọng khác của kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

    Thủ tướng cũng trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

  • 60% thời lượng cho công tác xây dựng luật

    Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến làm việc trong 28 ngày, bế mạc vào 27/11. Đây là kỳ họp cuối năm 2019 nên theo thông lệ, chương trình nghị sự chủ yếu tập trung cho công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Quốc hội dành 17 ngày (60%) cho công tác xây dựng pháp luật. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày (tăng nửa ngày so với kỳ họp trước). Thời gian dành cho hoạt động giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác khoảng 8 ngày.

    Về công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 12 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Cùng với đó sẽ xem xét các báo cáo giám sát, báo cáo hoạt động của các cơ quan tư pháp và tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

    Về nội dung chất vấn, Quốc hội sẽ dành trọn 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp từ ngày 6 đến 8/11.

  • Thôi nhiệm vụ đại biểu với ông Hồ Văn Năm

    Tại phiên họp trù bị, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trình bày Báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với với ông Hồ Văn Năm thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

     

     

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm