Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội cuối năm

Sáng 21/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV khai mạc. Trong kỳ họp kéo dài hơn 1 tháng, 60% thời gian được dành cho công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội làm việc trong thời gian 28 ngày, bế mạc vào 27/11.

Đây là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Dành 60% thời gian xây dựng luật

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành 17 ngày (60%) cho công tác xây dựng pháp luật. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày (tăng nửa ngày so với kỳ họp trước). Thời gian dành cho hoạt động giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác khoảng 8 ngày.

Về công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 12 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Một số dự án luật quan trọng được xem xét, thông qua gồm Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội...

Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 và kế hoạch phát triển năm 2020; xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…

Quốc hội cũng xem xét báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

Miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Một nội dung quan trọng khác của kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Dự kiến, ngày 25/11 Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Thủ tướng cũng trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Nội dung này được Quốc hội thảo luận và người được miễn nhiệm có thể phát biểu ý kiến.

mien nhiem Bo truong Y te anh 1
Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Bộ trưởng Y tế, nhưng hiện chỉ có nhân sự thay thế cho ông Nguyễn Khắc Định.

Sau khi tiến hành bỏ phiếu kín để tiến hành miễn nhiệm các cá nhân trên, Quốc hội sẽ phê chuẩn và thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Khắc Định và bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ngày hôm sau, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử. Nhân sự này sẽ được xem xét bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Việc bầu nhân sự này cũng được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín và được công bố kết quả vào chiều cùng ngày.

mien nhiem Bo truong Y te anh 2
Quy trình miễn nhiệm và bầu nhân sự thay thế đều được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Quy trình miễn nhiệm 2 nhân sự nhưng mới chỉ có nhân sự thay thế cho vị trí của ông Nguyễn Khắc Định.

Về trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết phải căn cứ vào nhân sự mà Thủ tướng trình sang, Quốc hội mới có cơ sở xem xét. 

Thủ tướng trả lời chất vấn

Tại kỳ họp, Quốc hội dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp từ ngày 6 đến 8/11. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian chất vấn lần này tăng nửa ngày nhưng vẫn thực hiện theo hình thức “hỏi nhanh - đáp gọn”.

Người hỏi sẽ có thời gian 1 phút để chất vấn và người được chất vấn sẽ có 3 phút để trả lời. Nội dung chất vấn sẽ là các nhóm đề được đại biểu và cử tri quan tâm.

“Tại kỳ họp này, Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời trước Quốc hội”, ông Phúc nói.

mien nhiem Bo truong Y te anh 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cuối năm. 

Về vấn đề nhiều đại biểu vắng mặt trong các phiên họp đã nhiều lần được đề cập, ônh Phúc giải thích Quốc hội gồm đại biểu chuyên trách (chiếm khoảng 30%), còn lại là đại biểu kiêm nhiệm. “Số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương, cuối năm cũng rất nhiều việc, vì vậy việc vắng mặt chắc là khó tránh khỏi”, ông Phúc giải thích.

Tuy vậy, Văn phòng Quốc hội vẫn có văn bản nhắc nhở các đại biểu hạn chế nghỉ họp, đặc biệt là các phiên biểu quyết. Còn những trường hợp không tránh khỏi, đó là các đoàn tham gia các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là hoạt động đối ngoại của Thủ tướng và Chính phủ.

Đại biểu đi họp chỉ với chiếc iPad

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ chính thức áp dụng các công nghệ thông tin vào kỳ họp này thay vì thí điểm áp dụng như kỳ họp trước.

Theo ông Phúc, mỗi đại biểu quốc hội sẽ được phát một máy tính bảng iPad, trong đó có cài sẵn phần mềm để phục vụ công tác của đại biểu.

mien nhiem Bo truong Y te anh 4
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ chính thức áp dụng các công nghệ thông tin vào kỳ họp này.

Với phần mềm mới, đại biểu Quốc hội có thể xem tài liệu ở bất cứ đâu. "Phần mềm dành cho các đại biểu trong kỳ họp thứ 8 được nâng cấp hơn, không chỉ cung cấp tài liệu cho đại biểu một cách nhanh chóng, nó còn giúp tương tác giữa các đại biểu tốt hơn và tiếp nhận thông tin từ báo chí linh hoạt hơn", ông Phúc thông tin.

Ông dẫn chứng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phần mềm phục vụ các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, chức năng chuyển giọng nói thành văn bản giúp việc tiếp cận và chia sẻ thông tin trở nên linh hoạt hơn. Chức năng tìm kiếm cũng được cải thiện một cách rõ rệt. Ngoài ra, phần mềm còn có thể cung cấp cho các đại biểu về các dự án luật tương tự ở nước ngoài.

"Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin là rõ rệt. Thay vì một chồng tài liệu cao quá đầu, giờ đây, các đại biểu có thể đi họp chỉ với một chiếc iPad", ông Phúc nhấn mạnh.

mien nhiem Bo truong Y te anh 5
Thay vì chồng tài liệu cao quá đầu, đại biểu đi họp chỉ cần một chiếc iPad.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết công nghệ mới giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm áp lực cho đội ngũ văn thư, hành chính của Quốc hội trong việc sao chép, in tài liệu hay gửi qua đường bưu điện.

Trước những băn khoăn về tính bảo mật của tài liệu khi các thiết bị đều có xuất xứ nước ngoài, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh phần lớn tài liệu của các đại biểu Quốc hội đều công khai. Trong trường hợp Quốc hội họp riêng về nhân sự hay các vấn đề bí mật quốc gia, tài liệu mật được phát hành dưới dạng giấy.

Đại biểu Quốc hội bị kỷ luật tại sao không miễn nhiệm?

Theo lý giải của Tổng thư ký Quốc hội, các đại biểu đã suy nghĩ rất nhiều nên có đơn xin thôi với lý do sức khoẻ. Khi đại biểu có đơn, Quốc hội cho thôi là lẽ thường.


Hoài Thu

Ảnh: Hoàng Hà - Minh Quân

Bạn có thể quan tâm