Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội lo lắng kịch bản lặp lại ở Trường Sa

Sáng 25/5, Ông Nguyễn Anh Sơn (Trưởng Đoàn ĐBQH Nam Định, Ủy viên ủy ban An ninh quốc phòng của Quốc hội) bày tỏ điều này xung quanh việc Quốc hội sẽ báo cáo về biển Đông.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn là người đã đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII về vấn để Biển Đông và đã được đồng ý.

Ông nói: “Khi Trung Quốc đã có đầy đủ cơ sở về hậu cần, quân sự như chúng ta đang thấy, thì họ có thể thực hiện dã tâm đã chuẩn bị từ rất lâu, tận dụng được các đảo rộng lớn đã mở rộng thì họ sẽ hành động rất khó lường.

Tôi vừa đi Trường Sa lần thứ hai về, với những gì mà Trung Quốc đã làm, tôi rất lo kịch bản 14/3/1988 sẽ lặp lại. Hoàn toàn có thể xảy ra. Dù các nhà phân tích trên thế giới nói là khó có khả năng xảy ra va chạm quân sự lớn. Nhưng trong thâm tâm tôi rất lo”.

Ông Nguyễn Anh Sơn.
Ông Nguyễn Anh Sơn.

- Thưa ông, theo chương trình, Quốc hội chỉ dành 1 tiếng để báo cáo tình hình biển Đông nghĩa là đại biểu chỉ nghe chứ không nói. Và đây là phiên họp riêng, báo chí không được dự. Ông nghĩ sao về cách thức làm việc này?

- Với cách thức làm việc như vậy, có thể sẽ không thỏa mãn nhu cầu của cử tri. Trong phát biểu của tôi tại phiên họp trù bị, tôi có nói rõ một ý là Quốc hội cần bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề Trung Quốc đang mở rộng, xây dựng trái phép trên các đảo ở Trường Sa chứ không chỉ đơn thuần là thông báo một việc đã nghe, đã biết. Như thế tôi cho là không phù hợp.

Nhất là kinh nghiệm từ kỳ họp tháng 5/2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, lúc bấy giờ có thể nói không khí của cả nước sôi sục. Cử tri muốn đại biểu Quốc hội phải đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, phải thể hiện được ý kiến mạnh mẽ.

Lần này cũng thế, cử tri cũng mong muốn và Quốc hội phải tỏ rõ chính kiến đó. Tuy nhiên chương trình hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc thông báo, để đại biểu nghe trong 1 tiếng. Tôi cũng chưa biết là hôm đó có đại biểu nào bấm nút đề nghị thảo luận không.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam giữa năm 2014.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam giữa năm 2014.

- Vì sao đại biểu đó không phải là ông?

- Cũng có thể sẽ là tôi.

- Ông có cảm thấy lo lắng của cử tri tăng lên?

- Càng ngày càng tăng lên. Các cử tri theo dõi trên các kênh chính thức và đặt vấn đề không biết chúng ta đối phó ra sao. Họ mong muốn từng đại biểu Quốc hội nói riêng và toàn thể Quốc hội nói chung phải có tiếng nói mạnh mẽ.

- Cá nhân ông có mong muốn sau phiên nghe báo cáo, Quốc hội sẽ bố trí một phiên thảo luận trong chừng mực nào đó, không ảnh hưởng đến bí mật an ninh quốc phòng để cử tri có thể theo dõi chính kiến?

- Tôi nghĩ rằng bằng cách nào đó cũng phải chuyển tải đến cử tri những nội dung về chính kiến của Quốc hội.

- Cho đến nay, hình ảnh Trung Quốc mở rộng, xây dựng trái phép ở Trường Sa chủ yếu từ nguồn của nước ngoài. Theo ông, Việt Nam có nên công bố những hình ảnh do mình thu thập được trước công luận?

- Tôi không nắm được là chúng ta đã có những hình ảnh gì về các đảo xây trái phép hay không, nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có cũng nên mạnh dạn đưa ra.

- Biển Đông là vấn đề chính trị quốc tế rất phức tạp, liệu các đại biểu có đủ thông tin để thảo luận?

- Yêu cầu của tôi là cũng để các đại biểu có thông tin và được thông tin chính thức. 

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150525/dai-bieu-quoc-hoi-lo-lang-kich-ban-lap-lai-o-truong-sa/751908.html

Theo Viễn Sự/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm