Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu quốc hội đặt câu hỏi về sức khỏe thực của doanh nghiệp

Lo ngại về những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp phải, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay, 26/5, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) chỉ ra một thực trạng mà doanh nghiệp trong nước đang đối mặt. Ông So nêu con số chỉ 56% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động, trong đó chỉ 43% có lãi.

Ông nhấn mạnh kinh tế tư nhân như "một đội quân thuyền thúng, gặp gió khó mà chịu được", và đặt câu hỏi sức khỏe của doanh nghiệp có thực sự tốt, chậm lớn khó có thể cải thiện.

Tình trạng "hành" doanh nghiệp còn phổ biến

Chung ý kiến lo ngại về môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đưa ra nhận định, tuy đã có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

dai bieu quoc hoi lo doanh nghiep gap kho khan anh 1
Đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng "hành" doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

“Việt Nam có xếp hạng thấp so với quốc tế và khu vực, như nộp thuế, giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng... Đặc biệt là chi phí logistics kiểm tra chuyên ngành còn khá cao, gấp khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực”, ông nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì thẳng thắn chỉ thực trạng cán bộ lãnh đạo hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có biểu hiện tham nhũng.

Giá trị gia tăng phần hơn thuộc về các doanh nghiệp FDI

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu lên thực trạng đóng góp của khối FDI vào xuất nhập khẩu rất lớn. Ví như Samsung, Formosa đóng góp hơn 40% và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo, không kể dầu thô. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 73% kim ngạch xuất khẩu và 66% kim ngạch nhập khẩu.

Từ đó ông cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực tư nhân, còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, kinh doanh. Hơn thế nữa, giá trị gia tăng từ tăng trưởng thường phần hơn thuộc về các doanh nghiệp FDI.

dai bieu quoc hoi lo doanh nghiep gap kho khan anh 2
Lợi thế hiện nay đang thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều. Theo Trung tâm thông tin và dự báo KTXH quốc gia (Bộ KH&ĐT), hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại cửa khẩu với khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Tỷ lệ hàng hóa phải làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được đánh giá có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp vẫn gặp khó với chi phí không chính thức, chất lượng thi hành công vụ, tiếp cận đất đai; số điều kiện kinh doanh cắt giảm nhiều nhưng có trường hợp chỉ là gộp các điều kiện với nhau, nên không thay đổi so với trước. 

Năm 2017, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số vốn đăng ký và số doanh nghiệp so với năm 2016, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng 8,9%, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả chỉ 47%.

dai bieu quoc hoi lo doanh nghiep gap kho khan anh 3
 Hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại cửa khẩu với khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Doanh nghiệp vẫn chưa hết khó với tình trạng giấy phép, điều kiện kinh doanh chồng chéo.

Truy trách nhiệm cán bộ để hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”

Đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tập trung cao cho việc tháo gỡ những điểm nghẽn này, đồng thời có các giải pháp phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, sớm có những hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự tiếp cận được với những ưu đãi.

Đại biểu So đề nghị: “Chính phủ tạo môi trường kinh doanh hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về tài sản. Hỗ trợ doanh nhân tư nhân nguồn vốn với lãi suất thấp, đào tạo nhân lực, nâng cao công nghệ".

5 nhóm vấn đề của nền kinh tế khiến Quốc hội lo ngại Quốc hội vẫn còn lo ngại một số nhóm vấn đề với nền kinh tế như quy mô GDP còn thấp, kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, tình trạng nợ xấu, thất thu ngân sách trung ương....

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) thì nhấn mạnh ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học vào cải thiện mục tiêu khởi sự kinh doanh.

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo chính sách, rà soát việc thực hiện của cấp dưới; truy trách nhiệm cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay.

‘Sẽ xử lý đúng người, đúng tội tại 12 dự án yếu kém ngành công thương’

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc giải quyết 12 dự án không chỉ ở việc thoái vốn và khắc phục hậu quả kinh tế, mà cần xem xét xử lý đúng người, đúng tội.





Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm