Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dành 10 phút giải trình các vấn đề mà đại biểu quan tâm, trong đó có tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương.
Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém này, do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu. Ban chỉ đạo đã đánh giá lại toàn bộ 12 dự án, hoàn thành đề án xử lý và đã xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định xử lý đúng người, đúng tội tại 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Ảnh: QH. |
“Mục tiêu hết năm 2018 xử lý cơ bản những vấn đề tồn tại lớn, đến năm 2020 giải quyết dứt điểm, ngăn chặn hình thành các dự án mới trong tương lai”, ông Tuấn Anh nói.
Báo cáo trước Quốc hôi, Bộ trưởng cho biết trong 12 dự án này có 6 dự án dừng sản xuất, kinh doanh do không hiệu quả. Hiện mới có 2/12 dự án làm ăn có lãi, cắt giảm được lỗ lũy kế, đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Tổ hợp khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM).
Riêng 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mới có Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ khởi động lại được một phân xưởng sản xuất. Hai dự án khác là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đến nay vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, đang tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
4 dự án từng bước giảm lỗ là Đạm Ninh Bình, Đạm Bà Bắc, DAP số 2 Lào Cai, dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất. Tuy nhiên vẫn còn lỗ.
Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO) thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thép Việt Nam, năm 2017 vẫn xây dựng dở dang và bị tạm dừng thi công để giải quyết các vướng mắc. Phần còn lại của giai đoạn 1 hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Bộ Công Thương đang tính sẽ rút dự án này ra khỏi 12 dự án yếu kém của ngành.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc khắc phục về mặt kinh tế mới chỉ là bước đầu. Ban chỉ đạo còn tiến hành làm rõ các sai phạm của cá nhân, tổ chức với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, như Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ…
“Cần thực hiện nghiêm túc việc khắc phục các dự án, thực hiện hiệu lực pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, rút ra bài học kinh nghiệm để không tái diễn, hoàn thiện về mặt thể chế, pháp lý để không có vi phạm”, ông nói.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.600 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%).
Mới có 2/12 dự án yếu kém của ngành công thương thoát lỗ. Ảnh: HC. |
Trong tổng vốn vay, Bộ cho biết số vay ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng; vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới ngày 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết tổng nợ phải trả của 12 dự án đã tăng 3.441 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18.679 tỷ đồng, tăng 2.553 tỷ đồng so với năm 2016.