Sáng 6/4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Trong buổi sáng, tư lệnh ngành giao thông nhận được 30 ý kiến chất vấn, 25 lượt ý kiến tranh luận và hơn 30 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn.
Ngoài những câu hỏi liên quan đến dự án BOT, các đại biểu liên tiếp chất vấn Bộ GTVT về chất lượng và các vụ tai nạn đường sắt.
Khó chia sẻ lợi ích nên không được đầu tư?
Đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định đường sắt là phương tiện công cộng cần được ưu tiên. Từ năm 1936, Việt Nam là nước có được hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất ở châu Á. Để hôm nay, đường sắt có tình trạng này ông cho rằng nhận thức chúng ta không đầy đủ.
Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng GTVT sáng 4/6. Ảnh: Quân Minh. |
Đại biểu dẫn chứng cách đây 8 năm, Quốc hội đã thẩm định và không tán thành dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhưng Quốc hội vẫn khẳng định phải sớm có đường sắt hoàn thiện có tốc độ cao như một phương tiện xương sống cả hệ thống giao thông của đất nước.
“8 năm qua đường sắt vẫn giậm chân tại chỗ. Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn đường sắt nên ngành này không được quan tâm?”, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.
Là người viết lịch sử ngành đường sắt, ông cho rằng ngành này đang bị “bỏ rơi”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Thể thừa nhận đường sắt Việt Nam lạc hậu, chậm phát triển. Nguyên nhân là đường sắt nếu đầu tư thì kinh phí rất lớn. Có dự án lên đến hàng tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc lên đến hàng chục tỷ USD. Khi trình cách đây 8 năm, Quốc hội đắn đo và không thông qua.
Về bình luận làm đường bộ có thể chia sẻ lợi ích hơn đường sắt, Bộ trưởng Thể nói rằng bản thân ông luôn làm giao thông vì cái tâm. Nếu làm sai, vi phạm, ông xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ GTVT luôn muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Duy. |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng vừa qua Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về ngành đường sắt. Nhưng với những yếu kém kéo dài, Bộ trưởng không thể chịu trách nhiệm mãi vì đó là tính mạng của người dân. Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp chứ không phải nhận trách nhiệm là xong.
Bộ trưởng Thể nhận trách nhiệm và lý giải hiện nay đường sắt Bắc - Nam vẫn còn 5.719 đoạn giao cắt. Trong đó, hơn 1.500 đường cắt có rào chắn còn lại 4.200 đường giao cắt dân sinh. Ngoài yếu kém của ngành, việc chấp hành của 1 bộ phận người dân không được nghiệm. Ngoài ra, đường sắt không có đường tránh, việc giảm vận tốc cũng rất khó khăn nên tai nạn là như vậy.
Không kiên trì trình đề án đường sắt tốc độ cao
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định đến giai đoạn này cần phải thực hiện đề án xây dựng đường sắt. Dù số kinh phí lớn nhưng mỗi một nhiệm kỳ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định, nhiều nhiệm kỳ sẽ hoàn thành đường sắt Bắc - Nam. Nếu không làm đường sắt Bắc - Nam sẽ hạn chế việc phát triển kinh tế.
Đại biểu cho rằng liên tiếp các vụ tai nạn, Bộ trưởng Thể không chỉ nhận trách nhiệm là xong. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Tư lệnh giao thông cho biết sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn. Còn về lâu dài, Bộ đang tập trung xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để báo cáo với Quốc hội.
“Dự án đường sắt cao tốc cách đây 8 năm đã trình Quốc hội nhưng chưa thông qua thì tôi nghĩ trách nhiệm lớn này thuộc về Bộ GTVT. Bởi, khi không được Quốc hội thông qua mà thấy dự án này cần thiết cho xã hội thì Bộ phải kiên trì đề xuất”, ông Thể nói.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu. Năm tới 2019, theo chương trình, Bộ GTVT sẽ trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
Có 7.000 tỷ để đầu tư cho đường sắt
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã đồng ý chủ trương dùng dự phòng trái phiếu Chính phủ trong 5 năm là 15.000 tỷ đồng trong đó có 7.000 tỷ dành cho đường sắt, 8.000 tỷ xây dựng các dự án đường bộ quan trọng tạm dừng, hoãn thi công. Cho tới nay, việc này cũng chậm. "Tôi đề nghị Bộ trưởng nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội", bà nói.