Khai mạc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, hoạt động này vừa qua đã có nhiều đổi mới, tác động tới hoạt động các ngành, địa phương khắc phục những hạn chế, bất cập; được cử tri cả nước đánh giá cao.
Theo quy định, mỗi lượt chất vấn sẽ có 3 đại biểu đặt câu hỏi, thời lượng hỏi 1 phút và người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để giải trình.
“Với mỗi câu hỏi được chất vấn, đề nghị các Bộ trưởng thẳng thắn xác định rõ trách nhiệm, lộ trình giải quyết vấn đề thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đồ họa: Hoàng Hiệp. |
-
Các nhóm vấn đề trả lời chất vấn của Phó thủ tướng và 4 bộ trưởng
Sáng 4/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mở màn phiên chất vấn, trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng sẽ nói về giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ trưởng Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng GTVT có thêm một giờ (từ 14h đến 15h) trả lời.
Tiếp đó, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà sẽ chịu trách nhiệm trả lời các nội dung: tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bộ trưởng Tài chính, Xây dựng, Công an và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan.
Ngày 5/6, "tư lệnh" ngành TN&MT có thêm 2,5 tiếng (từ 8h đến 10h30) để tiếp tục trả lời chất vấn. Sau đó, Quốc hội sẽ dành trọn thời gian còn lại trong ngày để chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Dung sẽ nói về thực trạng thị trường lao động, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em cũng là nội dung các đại biểu chất vấn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng "chia lửa" với người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH.
Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngồi lên "ghế nóng" trả lời về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Ngoài ra, ông Nhạ sẽ được chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Từ 14h30 đến hết ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu bế mạc phiên chất vấn.
-
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Bà Hải cho biết thông qua gần 1.400 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, 63 đoàn đại biểu đã tổng hợp được 2.100 kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét, trả lời (đạt 100%).
Cử tri đánh giá cao nhiều đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội, nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu trong quá trình lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội, lựa chọn nhóm vấn đề cho các phiên chất vấn.
Cử tri kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội như: tình hình quản lý sử dụng đất đai, tài sản công; tai nạn giao thông; cháy nổ; bất cập tại một số dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Đặc biệt, cử tri An Giang kiến nghị giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Ảnh: Quân Minh.
-
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Xin chia sẻ với Bộ trưởng mới nhậm chức nhưng đã nhận được rất nhiều ý kiến của cư tri. Xin Bộ trưởng nêu rõ tại sao lại có sự chênh lệch số chênh lệnh năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT. Việc thu phí BOT trên đường mở rộng, cải tạo sẽ khắc phục thế nào?
- Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc): Nhà dân được cấp phép xây dựng tuy nhiên cốt đường sau khi sửa chữa cao hơn nền nhà khiến người dân bỏ tiền sửa chữa. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí: Việc thu phí tự động không dừng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Vậy quan điểm của quyết tâm của Bộ trưởng như thế nào? Đến bao giờ sẽ hoàn thành? Về giao thông vùng Tây Bắc, Việt Bắc còn khó khăn, người dân muốn Bộ trưởng vi hành lên đó để đầu tư phát triển đường có được không?
-
BOT tồn tại nhiều vấn đề
Trước khi trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo một số vấn đề. Ông Thể cho hay:
Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, được người dân quan tâm. Giao thông vận tải phải thực hiện chức năng đi trước mở đường. Thời gian qua, Bộ nhận được rất nhiều câu hỏi của cử tri và đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian vừa qua, Bộ luôn nỗ lực thực hiện nghị quyết của Đảng Nhà nước về kết cấu giao thông vận tải. Nhưng do nguồn ngân sách có hạn, công tác tổ chức, đảm bảo GTVT có nhiều bất cập. GTVT không phát triển đồng đều giữa các vùng miền, vùng núi còn khó khăn.
Giao thông vận tải luôn là nhu cầu rất lớn của địa phương nhưng nguồn vốn ít dẫn đến chỉ đáp ứng được một phần. Một số lĩnh vực như đường sắt trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Đường sắt đang kém phát triển nhất trong các loại hình giao thông.
Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ đã vào cuộc quyết liệt. Tai nạn giao thông giảm cả số vụ, số người chết và bị thương nhưng số người chết vì tai nạn giao thông còn cao. Năm 2017 là trên 8.000 người. Tôi cho rằng cần có biện pháp đột phá để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhưng còn nhiều bất cập. Việc khai thác các dự án BOT được dự luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ ngành tiếp thu và rà soát. Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ GTVT, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm.
Ảnh: Quân Minh.
-
Chủ tịch Quốc hội: Trạm BOT trở về tên cũ là được
Trước báo cáo của Bộ trưởng Thể về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm!
Ảnh: Quân Minh.
-
"Bộ Giao thông làm đúng"
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: Chênh lệch giá trị hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là vấn đề cả xã hội quan tâm. Theo luật và nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua Bộ đã tổ chức đầu thầu BOT và ký hợp đồng trên cơ sở được duyệt. Trong đó, nhiều phần là dự phòng, trượt giá, khối lượng, tiền dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề phát sinh do đó dự án được duyệt bao gồm các khoản phát sinh mới…. nên có giá trị lớn hơn kết quả kiểm toán.
Căn cứ vào đó, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án được duyệt nên Bộ đã chủ động kiến nghị KTNN cùng tiến hành kiểm toán trước Bộ quyết toán. Thời gian gian qua với 56 trạm BOT đã kiểm toán 50 còn 6 dự án đang triển khai. Theo hợp đồng Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư là giá trị sau kiểm toán là giá trị để Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách phí, do đó việc KTNN phát hiện có sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên, những dự án triển khai nhanh ít phát sinh.
Dự án số liệu KTNN và dự án quyết toán của bộ GTVT thậm chí số liệu của Bộ còn thấp hơn, do đó sự chỉ ra của KTNN là rất đúng nhưng bộ GTVT cũng làm đúng. Mặt bằng giá BOT, Bộ đã rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT có dự án giảm 2-3 lần từ 35.000 đồng/lượt xe con thậm chí một số trạm chỉ còn 15.000 đồng. Và văn cứ tính phí giảm phí căn cứ vào lưu lượng xe đi qua trạm và hoàn vốn cho nhà đầu tư.
-
-
Hoàn thành thu phí không dừng vào năm 2019
Bộ trưởng Thể trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí: Việc thu phí không dừng là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Chính phủ yêu cầu, đến cuối năm 2018, toàn bộ trạm BOT trên quốc lộ 1 phải hòan thành. Các trạm BOT khác phải hoàn thành trước 2019. Việc thu phí tự động là biện pháp công khai minh bạch. Tới đây khi áp dụng đồng bộ thu phí không dừng, người dân giám sát được nguồn thu của các trạm. Chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao.
Bộ GTVT rất hiểu vùng Tây Bắc giao thông phức tạp, khó khăn. Bản thân tôi đã tham gia đi thực tế ở Hà Giang nhiều lần rồi. Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ để thực hiện các dự án hạ tầng. Nhưng hiện nay nguồn vốn đầu tư cho giao thông của Nhà nước còn khó khăn. Bộ đã trình lên kế hoạch 920.000 tỷ đồng để phát triển giao thông nhưng Nhà nước chỉ bố trí được hơn 200.000 tỷ. Thời gian tới, bản thân tôi sẽ trực tiếp đến vùng Tây Bắc nghiên cứu phát triển giao thông.
-
Không có cốt nền giao thông ngoài khu vực đô thị
Trả lời câu hỏi về việc cải tạo đường quốc lộ, đường giao thông dẫn đến chênh lệch cao độ nhà dân, Bộ trưởng Thể nói: Luật xây dựng quy định cốt nền các công trình dự án tại các độ thị, Bộ GTVT căn cứ quy định đó khống chế cốt nền. Ngoài khu vực đô thị, luật không quy định cốt nền nên sau một dự án xảy ra tình trạng nền cao hơn cốt nhà. Bộ GTVT có trách nhiệm về việc này, thời gian qua, chúng tôi nghiên cứu đưa giải pháp hạn chế. Với tư cách Bộ trưởng GTVT, tôi nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, nhân dân vì chưa có giải pháp hài hòa nhất.
Về góc độ địa phương, chính quyền địa phương cũng nên có trách nhiệm và phối hợp với các bộ, ngành để làm cho tốt. Lâu dài, chúng tôi không làm trên mặt đường cũ mà cào bóc, tái chế mặt đường cũ nên tăng cao độ không đáng kể.
-
- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Một trong những vấn đề bất cập về PPP và BOT là về thể chế chưa hoàn chỉnh và quá trình tổ chức có rất nhiều sai phạm dẫn đến tranh chấp và bức xúc của người dân và chưa giải quyết được 3 lợi ích căn bản của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước. Theo một cách giản dị chúng ta vẫn ăn đong trong lĩnh vực này, vậy giải pháp căn cơ để giải quyết?
- Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu: Tái cơ cấu Vinashin, Vinaline đã đi đến đâu và số nợ còn tồn tại đến nay là bao nhiêu nghìn tỷ đồng? Liệu Bộ trưởng có giải pháp gì để sang kỳ họp tiếp theo ĐBQH và cử tri cả nước không còn thấy số nợ này tăng lên? Xin Bộ trưởng nói rõ thêm BOT đi theo mở rộng QL1 như QL91, 90, Hà Nội - Bắc Giang, Thái Nguyên rồi những BOT làm 1 nơi thu phí 1 nơi tuân theo quy định nào của Bộ và ai là người chịu trách nhiệm?
- Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Về các dự án BOT Bộ trưởng nói phương án xử lý dựa trên lợi ích của người dân tuy nhiên nghe Bộ trưởng trả lời và báo cáo không như thế. Bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí, 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án làm trên đường cao tốc và đường tránh thì đặt ở đường tránh và thu cả cao tốc cả đường tránh… Trong báo cáo của Bộ trưởng và giải pháp chỉ thấy toát lên dân chịu thì thu không chịu thì dừng, giảm giá… Như vậy đã vì lợi ích của dân chưa, khi mà không đi cũng phải trả tiền?
- Đại biểu Lý Tiết Hạnh tranh luận: Tôi cũng hiểu thời tiết gây ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường sau khi xây dựng. Nhưng quốc lộ là đường vĩnh cửu, tại sao lại có chuyện đường quốc lộ 1 qua Bình định khởi công năm 2014, hoàn thành 2015 và hư hỏng mặt đường toàn bộ năm 2016. Hơn nữa, không riêng gì xe tải trọng qua Bình Định, tại sao mỗi quốc lộ 1 qua đây lại xuống cấp nghiêm trọng như vậy? Bộ trưởng nói rằng cần chờ kinh phí để sửa chữa, vậy, người dân Bình Định phải chờ đến bao giờ?
-
Đường hỏng là do... thời tiết
Quốc lộ 1 qua Bình Định là tuyến đường quan trọng trục Bắc - Nam. Vừa qua, một số đoạn đường qua tỉnh này rất xấu, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Sau khi hoàn thành đoạn đường quốc lộ 1 qua Bình Định trải qua thời tiết vô cùng phức tạp, mùa hè nắng nóng, mù lũ thì nước ngập qua đường.
Bên cạnh đó, với nhiều phương tiện lưu thông, xe quá khổ, quá tải dẫn đến mặt đường ảnh hưởng nghiêm trọng. Vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị duy tu, sửa chữa. Nhưng kinh phí duy tu, sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng được 30%. Việc sửa chữa kinh phí eo hẹp nên mặt đường chưa đạt yêu cầu.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng trong nguồn vốn duy tu hoặc nguồn vốn trung ương bổ sung thêm để sửa chữa triệt để. Mong các ĐBQH thông cảm. Khi Nhà nước bố trí vốn, chúng tôi sẽ sửa triệt để. Về trách nhiệm của Bộ về việc đường xuống cấp, tôi xin báo cáo rằng trong quá trình triển khai, nhiều cơ quan chức năng đã thanh tra tuyến đường này. Tôi cho rằng việc thực hiện xây dựng, cải tạo đường, Bộ đã thực hiện đúng kỹ thuật, yêu cầu nhưng do thời tiết dẫn đến đường xuống cấp.
Với tư cách là Bộ trưởng, tôi nhận trách nhiệm vì không thực hiện được nguồn vốn để sửa chữa kịp thời. Về câu hỏi quốc lộ 1, 19 qua Bình Định có 3 trạm BOT, trong quá trình thực hiện, Bộ đều bám sát Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Theo quy định, với dự án trên cùng một tuyến quốc lộ, khoảng cách bình thường là 70 km do Bộ quyết định. Dưới 70 km, dự án phải có sự đồng ý của địa phương và Bộ Tài Chính.
Ở 3 dự án này, chúng tôi thực hiện đúng theo quy định có sự đồng ý của Bộ Tài Chính là địa phương. Nhưng cũng phải công nhận hiện nay nhiều địa phương trạm thu phí dày đặc. Người dân đi qua phải nộp tiền, hàng hóa tăng chi phí. Chúng tôi mong người dân Bình Định thông cảm. Chúng tôi sẽ ưu tiên giảm giá các dự án đó.
-
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:
- Thời gian qua, thể chế chúng ta thực sự là chưa hoàn chỉnh, nhất là Luật Đầu tư công. Một số biểu hiện sai phạm khi thực hiện các dự án BT, BOT thì vừa qua được các đoàn thanh tra, kiểm tra ngoài Bộ GTVT chỉ ra, chúng tôi đang khắc phục một cách triệt để. Việc lợi dụng để trục lợi, Đảng, Chỉnh phủ sẽ giao Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ Công an xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trưởng làm ảnh hưởng người dân.
Với Bộ GTVT, chúng tôi quán triệt lấy tâm làm việc để phục vụ người dân. Nếu có trường hợp chỉ ra rõ sai phạm, với trách nhiệm của mình, tôi sẽ xử lý cán bộ thuộc quyền một cách nghiêm túc nhất.
- Việc tranh chấp cũng xảy ra do một số trạm hoạt động không hiệu quả gây tâm tư cho nhà đầu tư. Rồi tranh chấp liên quan đến đền bù, tái định cư và chính sách khác cũng diễn ra nhưng làm dự án không tránh được bất cấp do hệ thông chúng ta chưa hoàn chỉnh Để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp, chúng tôi tập trung nắm dư luận các dự án BOT có vấn đề. Có dự luận sẽ phối hợp với địa phương giải quyết ngay. Lâu dài, chúng tôi thực nghiêm Nghị quyết 437 của UBTVQH, chúng tôi không triển khai 14 dự án BOT trên đường hiện hữu, đảm bảo chỉ triển khai trên đường song hành để người dân có sự lựa chọn.
-
Trả lời tranh luận của đại biểu Lý Tiết Hanh, Bộ trưởng Thể nói: Mỗi dự án đều có ban quản lý dự án và nhà thầu triển khai. Tôi cũng thừa nhận, ngoài thời tiết khắc nghiệt, lưu lượng xe đông thì việc xuống cấp cũng có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Bộ đã thanh tra dự án này, lỗi nào của nhà thầu sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.
Nguyên nhân khách quan thì xin ý kiến Chính phủ dùng quỹ bảo trì đường bộ để nâng cấp. Đối với con đường này, để thực hiện, giải quyết một cách căn cơ thì Quốc hội phải. Bởi dự án nào huy động vốn hơn 1.000 tỷ thì phải thông qua Quốc hội. Tôi mong người dân thông cảm.
-
- Đại biểu Phạm Tất Thắng: Quốc lộ 53 qua tỉnh Vĩnh Long thường xảy ra tai nạn, nhiều cây cầu yếu, đường xuống cấp. Trước đây, Bộ có kế hoạch dự án nâng cấp tuyến này bằng BOT nhưng chưa thực hiện được? Vậy bao giờ sẽ thực hiện? Quốc lộ 54, đoạn qua Vĩnh Long xuống cấp nghiêm trọng, Bộ trưởng cho biết khắc phục thế nào, thời gian khắc phục là khi nào?
- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Một số cử tri cho biết một số doanh nghiệp tại các đị phương được chỉ định thầu hoặc đấu thầu cho có. Điều này dẫn đến độc quyền, đội vốn. Thực tế, có dự án đội vốn 36 lần. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có tình trạng này không?
- Đại biểu Phạm Hồng Phong: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện đến đâu? Bộ trưởng có cam kết dự án này sẽ hoàn thành trước 2020 theo sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng?
-
Trả lời đại biểu Phạm Tất Thắng, Bộ trưởng Thể nói: QL 53 là 1 trong các dự án Bộ đã chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư BOT vì đây là con đường độc đạo vướng nhiều vướng mắc nên triển khai rất chậm. Sau khi có chỉ đạo việc tiếp tục triển khai sẽ gây nhiều mâu thuẫn nên đã chấm dứt. Việc thời gian tới vốn trung hạn đã bố trí rồi, chúng tôi sẽ cố gắng tranh thủ không biết Quốc hội và Chính phủ có đồng thuận không. Trước mắt chúng tôi sẽ sử dụng quỹ bảo trì đường bộ cục đường bộ khảo sát và sửa chữa mặt đường cho người dân. Riêng các cầu yếu ưu tiên nhiều hơn để khắc phúc và sẽ chỉ đạo ngay sau kỳ họp này.
Riêng QL 54 đoạn qua Vĩnh Long còn nhỏ hẹp việc này Tổng cục Đường bộ và đã nằm trong kế hoạch trung hạn vừa qua đã đưa QL 54 vào danh mục trình Chính phủ, Quốc hội và bố trí vốn trung hạn. Tuy nhiên chưa triển khai nên chưa được ưu tiên nên Quốc hội biểu quyết 292 nghìn tỷ không có danh mục QL 54. Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long để tham mưu cho các bộ, ngành để duy tu sữa chữa. Không phải Bộ không đề xuất mà do nhu cầu hiện nay rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của chúng ta có hạn.
-
Vì sao chỉ định thầu dự án BOT?
- Bộ trưởng Thể trả lời câu hỏi đại biểu của Trương Trọng Nghĩa: Tôi khẳng định không có dự án BOT nào không đấu thầu và công khai. Bộ công khai trên trang web 1 tháng theo đúng quy định. Trong 1 tháng đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để đấu thầu.
Thực tế cho thấy, với dự án có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ đấu thầu. Nhưng nhiều dự án BOT, các nhà đầu tư chưa quan tâm. Bởi có 1 nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ nên không thể đấu thầu. Có nhiều dự án chúng tôi kéo dài thời gian nhưng không có thêm nhà đầu tư. Quy định cho phép được chỉ định thầu khi có 1 nhà đầu tư. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra.
Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ. Nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý. Tôi thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí.
Bộ GTVT họp giao ban hàng tháng, hàng quý với các nhà thầu để đốc thúc. Về việc thực hiện quyết toán các dự án, tôi cho rằng Bộ GTVT đã làm đúng theo quy định của phát luật. Chúng tôi nhận thức các dự án PPP, dư luận sẽ rất quan tâm.
Vì thế, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán. Khi triển khai về vị trí, mức thu đều có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội để lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, khả thi… Làm sao để tránh đội vốn, không bị chậm tiến độ.
- Trả lời đại biểu Phạm Hồng Phong: Vừa qua chúng ta triển khai dự án Trung Lương - Mỹ Thuận chưa triển khai được do chưa thu xếp được vốn do dự án này có vốn gần 10.000 tỷ rất lớn. Trong khi đó cầu Mỹ Thuận 2 cũng chưa được xây dựng nên nhà đầu tư không phấn khởi với dự án. Vì nếu có cầu Mỹ Thuận thì sẽ thành 1 dòng xe chạy thẳng từ TP.HCM về rất hiệu quả.
Vừa qua Quốc hội mới phê duyệt bố trí xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên đường cao tốc TP.HCM về Cần Thơ, do đó nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thu xếp với 5 ngân hàng tài trợ gần 7.000 tỷ và vốn hiện có của nhà đầu tư để triển khai dự án này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đi rà soát.
Về công tác thu xếp vốn và giải phóng mặt bằng chúng ta đã giải phóng được 49 trên 51 km, gần như toàn bộ dự án, cố gắng đến năm 2020 sẽ thông được cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đã tổ chức mời thầu 1 tháng đúng quy trình. Qua thông báo 1 tháng, hiện có 4 liên danh tham dự trong đó 3 liên danh là các nhà đầu tư trong nước và 1 liên danh và trong nước với nước ngoài hiện đang sơ tuyển điều kiện bắt buộc, sau 1 tháng sẽ chính thức đấu thầu. Dự kiến tháng 7-8 sẽ tổ chức trong năm nay chọn 1 nhà đầu tư liên danh có đủ điều kiện dự án này.
-
-
Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng có nhớ lời hứa?
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Cám ơn bộ trưởng, đại biểu hỏi Trung Lương tới Mỹ Thuận thôi, chứ Mỹ Thuận đến Cần Thơ đại biểu chưa hỏi. Nhưng mà đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân đã nghe Bộ trưởng hứa tới 2020 là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến. Bộ trưởng nhớ cái lời hứa này?"
-
Chỉ định thầu đúng luật?
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ về bài báo trên Dân Trí: “Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng”. Bài báo nói rõ hầu hết trong số 17 dự án BT năm 2017 lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro do chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Một số dự án rất lớn, người ta nói công trình giao thông chỉ phục vụ cho dự án bất động sản mà nhà đầu tư được đánh đổi. Những con đường đó cực kỳ đắt bởi sự đánh đổi ấy. Điều tôi muốn nói là kiểm toán nêu rồi thì xin Chính phủ, bộ trưởng cho biết giờ chúng ta xử lý việc này thế nào, bao giờ xử lý vì liên quan hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách và nhân dân?
Bộ trưởng Thể: Về việc chỉ định thầu, chúng tôi làm đúng luật, cái gì cho phép, Bộ sẽ làm. Có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Do đó xin báo cáo Quốc hội, việc làm này rất là công khai, minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm.
-
- Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường: Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại thành phố lớn gây thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế, con người, môi trường nhiều biện pháp được sử dụng còn rất chậm, kém hiệu quả. Cử tri cho rằng đến nay chúng ta vẫn thiếu rõ ràng, phân công trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông trách nhiệm của bộ trưởng trong việc này?
- Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu: Theo báo cáo của Bộ GTVT tai nạn mỗi năm cướp đi 8.000-10.000 người sinh mạng và trên 20.000 người tàn phế. Tính ra, mỗi ngày cả nước có khoảng 25 người chết và 50 người tàn phế. Cộng thêm 3.500 trẻ em đuối nước mỗi năm thì số người chết do tai nạn giao thông và đuối nước bằng với tai nạn thiên tai mỗi năm. Trong khi việc tai nạn giao thông là có thể kiểm soát được, vậy giải pháp của Bộ là gì để khắc phục tình trạng này?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2017 cả nước có 8.700 người chết về TNGT, năm 2012, số người chết vì TNGT khoảng 11.500 người. Có nghĩa là trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện một cách quyết liệt các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị. Chúng ta thường xuyên ban hành các chỉ thị, đi làm việc với các địa phương, chúng ta đều quán triệt để bảo vệ tính mạng người dân. Một số số liệu cho thấy tình TNGT thời gian qua chuyển biến tích cực nhưng còn ở mức cao. Chúng ta phấn đấu nhiều hơn nữa để giảm tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.
Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu, trong thời gian tới sẽ cùng Ủy ban ATGT Quốc gia và lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, cưỡng chế, xử lý nghiêm các vi phạm, giáo dục việc chấp hành luật giao thông để giúp người dân đi lại an toàn, chứ không phải phát triển đường giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. Và cũng mong rằng bà con khi tham gia giao thông phải chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ
- Đại biểu Trần Văn Quý: Cử tri Hưng Yên và Hà Nam cho rằng đang có sự lãng phí tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ trưởng có đồng tình với đánh giá này không, nếu có sự lãng phí thì giải pháp của Bộ trưởng thế nào?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tôi cho rằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang từng bước phát huy tác dụng trong lưu thông cũng như phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu, người dân không chấp nhận đi cao tốc này vì mức phí cao. Nhưng khi đường 5 tắc, quá tải, nhiều phương tiện xe nhỏ đã chọn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Có thể bây giờ phương tiện còn thưa nhưng về lâu dài, đây là tuyến cực kỳ quan trọng nối Hà Nội với Hải Phòng, kết nối kinh tế các tỉnh với Cảng Hải Phòng.
Về cầu Hưng Hà, hiện nay các tỉnh đã hình thành tuyến cao tốc dự kiến sẽ đi qua cây cầu này. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Hưng Yên, Hà Nam. Cầu Hưng Hà nằm trong 10 dự án đã được Bộ trình Chính phủ. Đây là cây cầu quan trọng để phát triển kinh tế khu vực.
-
Đại biểu phản ánh xử phạt vi phạm giao thông chỉ 15%
- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Tình trạng phương tiện không đủ tiêu chuẩn vẫn tham gia giao thông liệu có xử lý được không? Việc vi phạm giao thông tràn lan nhưng xử phạt chỉ được 15%, còn lại là cho đi hoặc chung chi, vậy Bộ có giải quyết được việc này không?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện tượng xe hết thời hạn kiểm định vẫn lưu thông là có. Bộ đã giao Cục Đăng kiểm triển khai các giải pháp để xử lý tình trạng này.
Về vấn đề xử lý xe quá tải, tôi cho rằng giải pháp căn cơ là các cơ quan chức năng sẽ ghi lại hình ảnh, kích thước của các thùng xe tải. Khi các cơ quan chức năng xử lý, căn cứ vào thùng xe được kiểm định và thùng xe thực tế xem xét xử phạt. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm cũng phải tìm ra phương án xử lý làm sao để tránh tình trạng, khi đi đăng kiểm dùng dùng xe nhỏ, khi chở hàng dùng thùng xe lớn. Vấn đề này, Bộ GTVT sẽ phối hợp tốt với địa phương kiểm tra, xử lý.
Việc vi phạm giao thông đường bộ phổ biến. Về tỷ lệ cảnh sát giao thông chỉ xử phạt 15-20% còn lại là cho đi, bản thân tôi không thể xác định được. Tôi xin không bình luận về con số này. Nhưng về việc vi phạm luật giao thông đường bộ, Bộ và Ủy ban ATGT quốc gia xin tiếp thu. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý.
- Đại biểu Đinh Duy Vượt: Cách đây gần 2 năm, đại biểu Gia Lai đã trình bày bức xúc về quốc lộ 19, 25 có 2 trạm BOT ở 2 đầu quốc lộ 19 kết nối miền trung với Tây Nguyên với các nước trong khu vực. Nhưng đến nay vẫn nguyên bức xúc, xin Bộ trưởng khẳng định về vấn đề này.
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong kế hoạch trung hạn, Bộ GT xây dựng với kinh phí cần thiết 952.000 tỷ. Nhưng Quốc hội biểu quyết căn cứ tình hình phát triển kinh tế, chúng ta chỉ bố trí được 292.000 tỷ do đó đường này chưa nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn. Để thực hiện con đường này, cũng không thể thực hiện dự án BOT vì BOT chỉ triển khai song hành với kinh phí rất lớn. Tôi nghĩ Bộ GTVT cùng các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, tham mưu Chính phủ thông qua Bộ KH-ĐT để tranh thủ các nguồn vốn có thể bố trí được trong nhiệm kỳ này vì chúng ta còn gần 10% vốn dự phòng trung hạn.
Chúng tôi nghĩ nếu Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành đồng thuận, có kinh phí thì chúng ta sẽ triển khai con đường này. Và tôi khẳng định, con đường này cần được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, chứ không thể thực hiện dự án song hành.
-
Đại biểu mời Bộ trưởng ra ngã tư thị sát
- Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tranh luận: Tôi không thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng về xe quá tải. Việc đăng kiểm của Cục đăng kiểm là có nhưng tại sao xe quá tải vẫn lưu thông. Bộ nên xem xét có cần thiết phải thu hồi đăng kiểm không.
Về việc 15-20% vi phạm giao thông bị bỏ qua không xử lý, nếu Bộ trưởng không bận thì buổi trưa nay tôi dẫn ông ra một ngã tư đường. Bộ trưởng chỉ cần đứng một lúc thôi có thể thấy con số tôi đưa ra còn thấp.
Một vấn đề nữa là mới đây cây quái thú lọt qua các trạm kiểm soát giao thông của 16 tỉnh khiến dư luận quan tâm. Tôi cho rằng trong sự việc này, lực lượng giao thông có vấn đề. Tôi có tiếp xúc với một vài cán bộ tại các trạm thì họ nói là: “Sếp có bảo bọn tôi bỏ qua nhưng khi xảy ra vấn đề thì lại phủi tay”. Vậy vấn đề này như thế nào?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc dùng hình ảnh, kích thước để kiểm tra xe quá tải bộ giao thông đang triển khai. Tôi cho rằng để xử lý triệt để cần có chế tài mạnh như chủ phương tiện không thực hiện nghiêm cơ quan chức năng thu hồi giấy phép, xử lý hành chính. Trong vấn đề này, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường kiểm tra quốc lộ, huyện lộ, khu dân cư chắc chắn xử lý được.Về việc cảnh sát giao thông không xử lý vi phạm tôi đã trả lời rồi. Có thể ở các thành phố lớn lực lượng chức năng bỏ qua xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Bởi trong khi giao thông đang trong giờ cao điểm, nếu cảnh sát giao thông gọi lại xử lý có thể gây tắc đường. Nhưng tôi không đồng ý với việc bỏ qua, không xử lý sai phạm. Còn vụ vận chuyển cây lớn qua 16 tỉnh, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo xử lý đúng người đúng tội. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm.
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Trưa nay mời Bộ trưởng ăn rồi nghỉ ngơi nghiên cứu trả lời tiếp chứ không phải ra ngã tư.
Chốt lại phần trả tranh luận của Chủ tịch Quốc hội khiến nhiều đại biểu cười ồ.
-
Bộ trưởng Thể: Đáng lẽ Bộ GTVT cần kiên trì đề xuất thông qua dự án đường sắt cao tốc
- Đại biểu Dương Trung Quốc: Đường sắt là phương tiện công cộng cần được ưu tiến. Từ năm 1936, Việt Nam là nước có được hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất ở châu Á. Để hôm nay, đường sắt có tình trạng này tôi cho rằng nhận thức chúng ta không đầy đủ . Cách đây 8 năm, Quốc hội đã thẩm định và không tán thành đường sắt cao tốc Bắc Nam vẫn khẳng định phải sớm có đường sắt hoàn thiện có tốc độ cao như một phương tiện xương sống cả hệ thống giao thông chúng ta. Vậy mà 8 năm qua hầu như dẫm chân tại chỗ. Phải chăng là đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, trong khi đường sắt thì đầu tư lớn. Vì thế tôi muốn Bộ trường nói rõ quan điểm của mình về đường sắt Việt Nam?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Xin thưa với Quốc hội, đường sắt chúng ta phải quản lý như cao tốc vì là loại hình vận tải đặc biệt, không có tuyến đường thứ 2 để tránh vì khi chạy là bám sát đường ray do đó cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh vật nuôi, con người xâm phạm phạm vi an toàn dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất, tình hình kinh tế chúng ta hết sức khó khăn. Chúng ta đã vận hành nhưng chưa làm tốt công tác quản lý hành lang, có những giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối cho tuyến đường sắt. Do đó khi chúng ta phát hiện ra 5.719 đường giao cắt thì chung ta đã tập trung cao độ.
Xin báo cáo Quốc hội là hàng năm, chúng ta đều giảm vài trăm đường giao cắt và có thể nói con đường này hiện nay rất là lạc hậu. Chúng ta sẽ thực hiện các giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn. Còn về lâu dài, chúng tôi đang tập trung xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để báo cáo với Quốc hội. Dự án đường sắt cách đây 8 năm đã trình Quốc hội nhưng chưa thông qua thì tôi nghĩ trách nhiệm lớn này thuộc về Bộ GTVT. Khi không qua được Quốc hội mà chúng ta thấy dự án này cần thiết cho xã hội thì phải kiên trì đề xuất. Thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu. Năm tới 2019, theo chương trình, Bộ GTVT sẽ trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
-
"Đường sắt đang bị bỏ rơi"
- Sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Dương Trung Quốc tranh luận: Tôi không tán thành Bộ trưởng cho rằng việc ngành đường sắt không phát triển là do tham mưu kém. Tôi là người viết lịch sử ngành đường sắt Việt Nam và thấy rằng ngành này đang bị “bỏ rơi”. Tôi đặt câu hỏi phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ, nhiều hợp đồng còn đường sắt lớn nên không thể chia sẻ lợi ích dẫn đến loại hình này chưa được trú trọng?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc. Phải nói rằng đường sắt Việt Nam đúng là lạc hậu, chậm phá triển. Nguyên nhân là đường sắt nếu đầu tư thì kinh phí rất rất lớn. Nếu chúng ta quyết làm thì có dự án lên đến tỷ đô. Dự án trước đây chúng ta trình hàng chục tỷ đô, sau khi trình Quốc hộ rất đắn đo bởi nguồn kinh phí này quá lớn. 8 năm trước chúng ta chưa thông qua được đề án này. Nếu chúng ta làm chúng ta phải làm đường song hành chứ không thể cải tạo chắp vá đường hiện nay được. Bởi đường hiện nay là đường độc đạo, khổ rộng 1.000 mm, trong khi đường đôi phải làm khổ 1.435 mm. Nhưng điều đáng tiếc là thời gian qua chúng ta cũng chưa thống nhất được dự án đường sắt nào làm mới nên chưa triển khai được.
Về bình luận làm đường bộ có thể chia sẻ lợi ích, bản thân tôi làm giao thông vì cái tâm. Nếu làm sai, vi phạm, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ GTVT luôn muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt. Nhưng đường sắt nhiều năm qua lạc lậu, đường biển, đường thủy nội địa chưa được đầu tư đúng mức. Tôi cho rằng đã đến giai đoạn thông qua đề án xây dựng đường sắt. Mỗi một nhiềm kỳ chúng ta bỏ ra một số tiền nhất định, nhiều nhiệm kỳ sẽ hoàn thành đường sắt Bắc - Nam. Nếu không làm đường sắt Bắc - Nam sẽ hạn chế việc phát triển kinh tế.
-
Tại sao đường ta làm 1.000 tỷ, nước ngoài chỉ 200-300 tỷ?
- Đại biểu Đặng Thuần Phong: Bộ trường nghĩ thế nào khi công nghệ làm đường như nhau mà đường của ta 700-1.000 tỷ/km còn của nước ngoài chỉ 200-300 tỷ. Tuổi thọ đường xá của người ta thì 50 năm của ta thì 2-3 năm thì xuống cấp. Bên trong vấn đề này là gì?
- Đại biểu Lê Thanh Vân: Hiện đại hóa hệ thống đường sắt Bắc - Nam và hệ thống đường thủy nội địa là 2 trong 5 trật tự ưu tiên ban hành 11/1/2012 nhưng Bộ trưởng lại nói là tới đây mới xây dựng đề án. Vậy sao hơn một nhiệm kỳ vừa qua tại sao chủ trương đúng đắn lại không được triển khai?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đối với ý kiến cho rằng đầu tư giao thông ở Việt Nam chi phí đắt hơn, chất lượng kém hơn các khu vực, việc này Chính phủ đã yêu cầu Bộ cung cấp các suất đầu tư ở Việt Nam so với khu vực. Chúng ta xây dựng đường căn cứ theo nền móng, nếu nền móng yêu như Đồng bằng Sông Cửu Long thì rất tốn kém, đất yếu muốn dùng đất tốt đắp nền thì cũng phải mất chi phí vận chuyển nên chi phí khác nhau với từng địa phương, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng tại Việt Nam rất cao. Nếu nói 700-1.000 tỷ/km cũng có thể đúng nhưng chỉ một vài đoạn chứ không phải tất cả. Có đoạn đường làm giá thấp có đoạn giá cao tùy vào địa hình, địa chất và chi phí giải phóng mặt bằng.
Hiện tại, Bộ GTVT và Bộ XD đang xây dựng một số đoạn đường mới với công nghệ mới, giám sát chặt chẽ để có suất đầu tư với từng khu vực cụ thể.
-
14h, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Kết thúc phiên chất vấn sáng 4/6 có 30 đại biểu chất vấn, 20 lượt đại biểu tranh luận và còn 28 đại biểu đăng ký.
-
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về giải pháp căn cơ cho đường sắt Việt Nam là tập trung đầu tư cho xây dựng hệ thống đường sắt đôi, tốc độ cao.
-
Thay đổi tầm nhìn quy hoạch
- Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Thời gian qua công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành giao thông vận tải có dấu hiệu buông lỏng gây ách tác, vi phạm hành lang an toàn giao thông, sử dụng sai mục đích đường bộ, đường sắt, sân bay… Giải pháp khắc phục là gì?
Thực tế phạt nguội đang là biện pháp tích cực nhưng đến nay trình tự quy định liên quan việc phạt nguội vẫn chưa được ban hành. Vấn đề này triển khai như thế nào và bao giờ có quyết định triển khai chung?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thời gian qua, quy hoạch giao thông có đủ từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, hay hàng không… nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập. Theo luật đường sắt thì Bộ GTVT và các cơ quan chức năng phối hợp quản lý quy hoạch các dự án liên quan, tuy nhiên, trong các dự án có đền bù vì Bộ chưa có tiền đền bù từ địa phương thì chưa thể quản lý được. Tuy nhiên, công tác phối hợp với địa phương thời gian qua chưa được tốt, nên quản lý quy hoạch chưa tốt. Một số quy hoạch triển khai xong thì lạc hậu việc này xuất hiện rất nhiều bên lĩnh vực hàng không.
Để cải thiện việc này, Bộ đã thay đổi tầm nhìn, không nhìn ngắn hạn mà phải nhìn dài hạn. Như sân bay Nội Bài, Bộ xác định tầm nhìn 50-100 năm, vì đây là dự án không thể di dời, vốn đầu tư lớn…
Vấn đề phạt vi phạm luật giao thông hiện nay có mô hình phạt nguội qua hệ thống điện tử phản ánh trung thực, minh bạch. Hiện, Hà Nội và nhiều khu vực đã sử dụng hình thức phạt nguội và rất tốt. Qua đây, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành, phối hợp để hoàn thiện thể chế này. Đặc biệt với những vị trí giao thông có tình hình phức tạp sử dụng công nghệ để giám sát 24/24h xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
-
Bộ trưởng Thể trả lời đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về vấn đề chưa thực hiện công khai số liệu ngay tại các trạm BOT:
-
- Đại biểu Phan Thái Bình: Việc xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn đã để lại nhiều hệ lụy như đường dân sinh, đường do địa phương quản lý bị hư hỏng nặng do vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, nhà dân bị ảnh hưởng do nổ mìn, nhiều công thoát nước vị vùi lấp, xói lở ảnh hưởng lớn đến đời sống, đất sản xuất. Vấn đề này Đoàn ĐBQH Quảng Nam đã kiến nghị Bộ GTVT tại báo cáo giám sát tháng 10/2017 nhưng đến nay, việc kiểm tra, giải quyết còn rất chậm mà mua gió đang đến gần. Bộ trưởng có năm rõ thực trạng này không? Bộ trưởng đã cho đánh giá tổng thể ảnh hưởng tuyến đường này đến đời sống nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay chưa? Bộ trưởng cho biết giải pháp nào giải quyết dứt điểm tình trạng trên, bao giờ hoàn thành?
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay có một số tuyến đường dân sinh, đường địa phương, công trình dự án, trong quá trình thi công làm hư hỏng hoặc tạo các vùng ứ đọng nước ảnh hưởng đến người dân. Xin thưa với Quốc hội, quan điểm của Bộ GTVT cùng như chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta không vì làm dự án mới mà không quan tâm đời sống người dân, tàn phá công trình cũ. Do đó, chúng ta có trách nhiệm xây dựng mới nhưng phải bảo vệ công trình cũ. Tôi nghĩ đường địa phương phục vụ quá trình xây dựng thì nó phải được khôi phục, hoàn trả lại trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Việc này chúng tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Thái Bình. Chắc chắn tôi sẽ đến Quảng Nam để xem việc này và có ứng xử thỏa đáng với địa phương. Còn những công trình tạo nên các hố, hầm trong mùa mưa bão thì việc này cũng không cho phép. Chúng ta làm đường phải đảm bảo thoát lũ, không thể vì con đường mà biến cả khu vực thành cái ao. Việc này chúng tôi xin tiếp thu, đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi chúng tôi cũng sẽ xem xét việc này.
Sau khi làm việc với địa phương, chúng tôi sẽ báo cáo với Đoàn ĐBQH, chình quyền địa phương về phương hướng cũng như vị trí chúng ta có giải pháp xử lý. Toàn bộ kinh phí này chúng ta xử dụng từ kinh phí dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đây là dự án kinh doanh xây dựng mới nên nhà đầu tư phải có trách nhiệm bỏ kinh phí khắc phục, đảm bảo yêu cầu địa phương.
-
Tăng câu hỏi và thời gian thực hành lái xe
Trả lời ý kiến ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng Thể cho biết đào tạo lái xe chúng ta có quy trình, giáo trình, lý thuyết, thực hành đầy đủ. Qua phản ánh của đại biểu quốc hội về việc thi giấy phép lái xe có tiêu cực, đề thi dễ, Bộ GTVT xin tiếp thu và rà soát lại giáo trình đào tạo lý thuyết. Nhưng, giáo trình này được ban hành công khai, minh bạch có hội đồng giám sát.
"Chúng tôi sẽ xem xét lại có thể tăng thời lượng thực hành, tăng thời lượng thi lý thuyết. Chắc chắn tăng thời lượng sẽ dẫn đến tăng chi phí, mong bà con, cử tri thông cảm. Còn tiêu cực trong thi cử, cá nhân tôi đánh giá rất khó xảy ra. Bởi thi lý thuyết là trắc nghiệm, thi thực hành trên xa bàn chấm điểm tự động. Tôi nghĩ rằng toàn bộ quá trình này công khai, minh bạch. Chúng tôi sẽ rà soát xem có tiêu cực ở khâu nào để xử lý", ông Thể nói.
-
Báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2019
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận. Có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu trực tiếp chất vấn với 21 lượt tranh luân, còn 18 đại biểu xin gửi câu hỏi bằng văn bản. Nhóm vấn đề thứ nhất được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Tài chính tham gia trả lời làm rõ. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội vì đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng GTVT mới 8 tháng nhưng cơ bản bao quát được vấn đề, trả lời làm rõ hầu hết các ý kiến. Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm với những hạn chế của ngành. Nhưng một vài đại biểu vẫn chưa hài lòng.
Ngoài những việc đã làm được, ngành giao thông còn nhiều vấn đề cần phải quyết tâm hơn nữa mới chuyển biến. Vấn đề quy hoạch, quản lý, chất lượng các công trình giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu. Nhiều dự án chậm tiến độ, tổng mức đầu tư tăng. Ý thức giam gia giao thông của người dân kém dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông ở thành phố lớn ngày càng gây bức xúc.
Việc đầu tư các dự án BOT đường bộ nhiều thiếu sót nhưng chưa được xử lý gây ra bức xúc dư luận. Nguyên nhân từ hệ thống chính sách, pháp luật và cách điều hành của Bộ GTVT.
Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp thu đầy đủ kiến của đại biểu, cử tri, tập trung vào những vấn đề sau: Rà soát đánh giá hệ thống giao thông, kết cấu, tập trung vào hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam để báo cáo Quốc hội năm 2019. Triển khai đồng bộ các biện pháp để đầu tư hệ thống giao thông, các công trình lớn quan trọng, giảm ùn tắc và kết nối các trung tâm kinh tế lớn.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng các vùng khó khăn. Đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Làm rõ cá nhân liên quan đến kéo dài tiến độ, tăng vốn các dự án. Tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm số lượng tai nạn giao thông. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn giao thông. Lập lại trật tự giao thông, xử lý ùn tắc, đảm bảo lưu thông của người dân thông suốt. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hợp đồng BOT. Rà soát các trạm thu phí, xử lý các tồn tại vướng mắc ở các trạm thu phí, đảm bảo công khai minh bạch, lắp hệ thống thu phí tự động không dừng.