Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà tăng giá ngắn ngủi của Bitcoin

Nhiều nhà đầu tư mua vào Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Bitcoin có thực sự là "vàng kỹ thuật số" hay không.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 12/11 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - có thời điểm mất mốc 64.000 USD/đồng. Tính đến 16h30, đồng tiền được giao dịch ở mức 64.145 USD/đồng, giảm 1,93% so với một ngày trước đó.

Như vậy, so với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, giá Bitcoin đã sụt giảm 6,65%. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 1.211 tỷ USD.

Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - cũng điều chỉnh sau khi lập đỉnh hôm 10/11. Đồng tiền được giao dịch ở mức 4.661 USD/đồng, giảm 1,54% so với 24 giờ trước đó và lao dốc 4,06% từ mức kỷ lục 4.859 USD/đồng.

Nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thế giới cũng chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa sụt giảm 2,47% so với một ngày trước đó xuống 2.800 tỷ USD.

Vang ky thuat so anh 1

So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, giá Bitcoin đã sụt giảm 6,65%. Ảnh: CoinMarketCap.

Không phải "vàng kỹ thuật số"?


Theo giới chuyên gia, nhiều nhà đầu tư mua vào Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát. Nhưng đến nay, việc Bitcoin có thực sự là "vàng kỹ thuật số" hay không vẫn còn gây tranh cãi.

"Bitcoin vẫn còn nhiều động lực để tăng giá. Nhưng dường như đồng tiền đang gặp vấn đề trong việc tận dụng những động lực này và rơi khỏi vùng giá kỷ lục", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) bình luận với Zing.

Theo ông, thông tin về mức lạm phát kỷ lục của Mỹ đã đưa giá Bitcoin lên mức kỷ lục. "Nhưng đà tăng đó không kéo dài. Giá ghi nhận mức giảm 5% vào cuối ngày", ông Erlam bình lượng.

"Dường như Bitcoin không phải là một 'hàng rào' lạm phát lý tưởng. Đà tăng của đồng tiền đang có dấu hiệu chững lại", vị chuyên gia nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông, đây không phải lần đầu tiên Bitcoin giảm giá sâu rồi tăng mạnh trở lại. "Việc Bitcoin điều chỉnh giá có thể là cơ hội mua vào", ông Erlam nói thêm.

Dường như Bitcoin không phải là một "hàng rào" lạm phát lý tưởng. Đà tăng của đồng tiền đang có dấu hiệu chững lại

- Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London)

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.

Các nhà đầu tư thường tìm đến vàng - một "hàng rào lạm phát" truyền thống - trong bối cảnh giá cả leo thang. Tuy nhiên, lãi suất thực tế giảm cũng thúc đẩy nhà đầu tư mua những tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn Bitcoin.

Nhưng nói với Zing, ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com - cho rằng không phải lúc nào Bitcoin cũng hoạt động như một "hàng rào" chống lạm phát.

Các nhà đầu tư coi Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số". Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là đồng tiền này phải giữ giá trị trong một thời gian rất dài, chẳng hạn như hơn một thế kỷ. Theo giáo sư tài chính Cam Harvey tại Đại học Duke, Bitcoin chưa có lịch sử đủ lâu để làm điều đó.

Giá Bitcoin biến động dữ dội kể từ khi ra đời. Nhưng lý do hầu như không liên quan đến lạm phát. "Giá không chỉ lên xuống bởi quy luật cung tiền, mà còn bị ảnh hưởng từ yếu tố đầu cơ. Đó là nguyên nhân thị trường Bitcoin biến động gấp nhiều lần thị trường chứng khoán", ông Harvey bình luận.

Thậm chí, có thể hình dung ra viễn cảnh lạm phát có tác động đến Bitcoin ngược với suy đoán của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nếu lạm phát gây ra suy thoái, các nhà đầu tư có thể tránh xa những tài sản rủi ro như tiền mã hóa.

Biến động dữ dội

Hãng tin Bloomberg nhận định Bitcoin không giống hầu hết hàng rào phòng vệ rủi ro lạm phát khác. Giá trị của đồng tiền này hoàn toàn nằm ở niềm tin của người nắm giữ.

Giá trị của Bitcoin không nằm ở bất cứ tài sản nào như dầu, bất động sản hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp. "Có thể lạm phát và giá Bitcoin cùng tăng lên. Nhưng chưa chắc chúng nằm trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả", Bloomberg khẳng định.

Nói với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cũng cảnh báo về biến động giá của Bitcoin trong những tuần cuối năm.

Vang ky thuat so anh 2

Bitcoin chưa có lịch sử đủ lâu để trở thành "vàng kỹ thuật số". Ảnh: Reuters.

Theo vị chuyên gia tại Oanda, đà tăng giá của Bitcoin và Ether sẽ giảm tốc sau khi giá đạt lần lượt 70.000 USD/đồng và 5.000 USD/đồng.

"Giá Bitcoin đã tăng hơn 136% trong năm nay. Còn Ether tăng giá 550%. Một số quỹ đầu tư và quản lý tài sản sẽ tìm cách chốt lời trước khi kết thúc năm", ông Moya giải thích.

"Động thái chốt lời của các nhà đầu tư có thể khiến Bitcoin và Ether mất một số mốc giá quan trọng, kích hoạt đà giảm khoảng 5-10% trước khi bật tăng trở lại", vị chuyên gia dự báo.

Theo ông, triển vọng của Bitcoin và Ether trong dài hạn vẫn rất lạc quan. "Tuy nhiên, đến cuối năm, sự biến động vẫn tăng cao", ông Moya nói thêm.

Lạm phát ở Mỹ tăng kỷ lục, giới đầu tư tìm đến vàng và Bitcoin

Các nhà đầu tư tìm đến những kênh đầu tư có thể chống lại rủi ro lạm phát đang hiện hữu ở Mỹ. Một trong số đó là vàng, tiền mã hóa và cổ phiếu giá trị.

Nỗi lo lạm phát đẩy giá Bitcoin tăng cao

Giá Bitcoin - loại tài sản được coi như một dạng "vàng kỹ thuật số" - tăng mạnh khi nhà đầu tư tìm cách đề phòng rủi ro lạm phát.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm