Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng sẽ tiêu hủy hơn 300 xe cà tàng

CSGT Đà Nẵng đề xuất phương án tiêu hủy xe cà tàng. Đây được coi là biện pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng xe máy không đảm bảo an toàn giao thông.

Chủ nhân của các "xe mù" là những lao động nghèo khó, người làm thuê. Sáng sớm, họ sử dụng để chở hàng cho các tiểu thương ở chợ. Hầu hết, ​các ​phương tiện này không có còi, đèn và khung sườn đã cũ, vá víu nên kết cấu của thay đổi.

Vì thế khi lưu thông trên đường, các phương tiện thường nhả khói mù mịt, cản trở thậm chí gây tai nạn giao thông. Cách đây hơn một tháng, vụ tai nạn xảy ra tại đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) liên quan đến xe cà tàng bị hỏng phanh.

Trong 10 tháng năm 2015, CSGT Đà Nẵng đã thu giữ hơn 300 xe máy cà tàng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Chủ phương tiện chở bún thuê đi đến vòng xoay bất ngờ tông một xe máy đi ngược chiều. Hậu quả, 2 người trên xe máy bị thương nặng.

Nhà chức trách lập biên bản và tạm giữ phương tiện. Vài ngày sau, chủ phương tiện đến xin lại chiếc xe với lý do "đây là tài sản duy nhất để làm kế sinh nhai của gia đình có 5 người". Người này còn xuất trình ra một văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương là gia đình này thuộc hộ nghèo. Sau khi xử phạt, công an trả lại xe cho chủ phương tiện.

Xe cà tàng vẫn tung hoành khắp Sài Gòn

Dù lực lượng CSGT ra quân xử lý, tịch thu nhưng các loại xe cà tàng vẫn xuất hiện, tung hoành khắp các tuyến đường, nhất là các quận huyện ngoại thành TP HCM.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT (PC67, Công an TP Đà Nẵng), cho biết, lâu nay việc xử lý "xe mù" loay hoay. "Khi phát hiện các loại xe mù vi phạm giao thông, anh em đều lập biên bản tạm giữ phương tiện. Sau đó, chủ xe lên nói nghèo, kể khổ rồi xin lại. Nếu không tha thì anh em cũng áy náy vì đa phần họ là những lao động nghèo khổ", đại tá Ngọc cho biết.

10 tháng đầu năm 2015, CSGT Đà Nẵng đã thu giữ hơn 300 xe máy cà tàng, cũ nát, không đảm bảo kết cấu và xe ba bánh tự chế. Riêng tháng ra quân cao điểm, Phòng PC67 đã tạm giữ 51 phương tiện. Khó khăn xảy ra khi xử lý "xe mù" là nếu bị xử phạt với số tiền cao hơn giá trị xe, người vi phạm vứt bỏ phương tiện.

"Chiếc xe chỉ giá khoảng 800.000 đồng nhưng nếu phạt khoảng 2 triệu là người dân sẵn sàng vứt bỏ phương tiện", đại tá Ngọc cho biết. Đối với những trường hợp này, cảnh sát sẽ mời chủ xe tới làm việc. Nếu quá thời gian quy định nhưng họ không đến hoặc những phương tiện không có giấy tờ đầy đủ sẽ bị tịch thu. 

CSGT Đà Nẵng đang đề xuất phương án cho tiêu hủy xe cà tàng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Số xe này sau đó được bán đấu giá cả lô, trong đó có nhiều xe đã cũ nát, hết hạn sử dụng. Sau khi mua về, chủ lô xe sẽ đem tu sửa, đục số máy, nắn khung… rồi cho lưu thông trở lại. "Đây chính là các xe cà tàng, không đảm bảo an toàn, khi lưu thông trở lại sẽ rất nguy hiểm", đại tá Ngọc nói.

Vị lãnh đạo này cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề trên, Đà Nẵng và các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM cần phải có cơ chế đặc thù. "Cách tốt nhất là cho tiêu hủy hết số xe này. Giống như trước đây, Đà Nẵng từng có cơ chế riêng trong việc thu giữ xe lạng lách, đánh võng bán lấy tiền ủng hộ người nghèo. Tất nhiên, xe còn tốt, còn lưu thông được thì phải đấu giá. Phòng PC67 sẽ có văn bản gửi Cục CSGT và lãnh đạo TP cho phép tiêu hủy xe mù”, đại tá Ngọc nói.​

Bên cạnh đó, Phòng PC67 cũng sẽ phối hợp với công an các phường​, xã yêu cầu chủ các cơ sở sửa chữa xe máy ký cam kết không được "độ" các loại phương tiện quá cũ, hết hạn sử dụng để bán cho người khác hoặc lưu thông.

Chủ xe cà tàng bỏ phương tiện khi bị xử phạt

Khi bị xử phạt với số tiền lớn, chủ "xe mù" vứt bỏ phương tiện ngoài đường rồi bỏ đi. Nhà chức trách sẽ tịch thu để bán đấu giá lấy tiền sung công quỹ.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm