Tại hội nghị bàn về an ninh trật tự cơ sở diễn ra tuần trước, lực lượng CSGT Đà Nẵng bị ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm. Phóng viên Zing.vn đã có cuộc trao đổi với đại tá Lê Ngọc - Trưởng Phòng CSGT (PC67 - Công an TP Đà Nẵng).
Đại tá Lê Ngọc. |
- Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng Đà Nẵng đang mất đi sự yên bình vốn có vì mất an ninh trật tự và an toàn giao thông đang có chiều hướng gia tăng. Ông nhận xét như thế nào về nhận định trên?
- Tôi thừa nhận những vấn đề mà Bí thư Thành ủy nêu ra là không sai, nhưng chưa hoàn toàn đúng. Ở Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ở một số điểm. Thanh niên chở ba, kẹp bốn lạng lách đánh võng trên đường còn tồn tại. Người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ vẫn còn.
Tuy nhiên, những sai phạm này chỉ là cá biệt và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của CSGT Đà Nẵng. Nếu đổ lỗi hết cho CSGT thì không công bằng. Bởi so với các địa phương khác, hình ảnh CSGT Đà Nẵng vẫn được người dân và du khách đánh giá cao.
CSGT Đà Nẵng huy động 100% lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
- Tại hội nghị ngày 6/11, người dân nhắn tin cho Bí thư Thành ủy Đà Nẵng rằng "tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều diễn ra thường xuyên mà không thấy CSGT ở đâu"...
- Từ tháng 10/2015, Phòng PC67 đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và lập lại trật tự an toàn giao thông. Thời gian triển khai đợt 1 từ ngày 10/10 đến 15/12; đợt 2 từ ngày 16/12 đến 15/2/2016.
"Nếu nói rằng, vì không có 'quỹ dưỡng liêm' nên có tiêu cực trong lực CSGT Đà Nẵng là sai hoàn toàn. Dù không tiền hỗ trợ thì nhiệm vụ của CSGT phải hoàn thành.
Đây là mệnh lệnh, nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào của các cán bộ, chiến sĩ CSGT", đại tá Lê Ngọc - Trưởng Phòng CSGT (PC67 - Công an TP Đà Nẵng).
Tại các điểm nóng như cầu Rồng, Sông Hàn, Trần Thị Lý, Lê Duẩn - Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm, Trần Phú - Trần Quốc Toản... đều có lực lượng CSGT túc trực vào giờ cao điểm. Trên các tuyến đường lớn như Lê Duẩn, Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Văn Linh... đều có lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông tuần tra, giám sát.
Đầu năm 2015 đến ngày 31/10, CSGT Đà Nẵng đã xử lý 9.000 trường hợp đi không đúng làn đường, hơn 3.500 trường hợp vi phạm do không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, 2.200 trường hợp đi ngược chiều và hàng trăm trường hợp xe quá tải. Như vậy, nếu nói CSGT không có mặt ở "điểm nóng" là không đúng.
- Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở một số tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn?
- Những năm qua, Đà Nẵng không mở thêm đường mới. Nhưng năm 2015, số ôtô tăng 10.000 chiếc, nâng tổng số phương tiện này trên địa bàn là 57.000; xe máy tăng 40.000 chiếc (đạt tổng cộng 700.000 chiếc).
Đó là chưa kể số ôtô, môtô đăng ký ở các địa phương khác, khách du lịch lưu thông ở Đà Nẵng. Các cơ quan, trường học, doanh nghiệp tập trung khu vực quận Hải Châu quá nhiều nên vào tầm tan sở, lượng xe lưu thông rất lớn.
Mặc dù nghiêm khắc xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm nhưng khi làm nhiệm vụ, các chiến sĩ CSGT Đà Nẵng luôn nhiệt tình hướng dẫn đối với du khách không biết đường nên đi ngược chiều. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Việc cấm ôtô lưu thông qua cầu Sông Hàn giờ cao điểm, cấm xe từ 1,5 tấn trở lên qua cầu Thuận Phước cũng làm gia tăng ùn tắc trên đường Trần Phú vì phải đổ dồn hết về phía cầu Rồng.
Ngoài ra, các xe khách của các hãng lữ hành đưa khách về khách sạn, xe buýt vẫn chạy qua đường Trần Phú giờ cao điểm với tần suất 15 phút/chuyến gây nên tình trạng ùn ứ.
Đà Nẵng có 7 hãng taxi với hàng nghìn xe nhưng bãi đỗ còn thiếu, khiến ôtô đậu tràn lan trên đường. Mật độ tín hiệu giao thông ở trung tâm quá dày, nhịp độ tín hiệu đèn cũng chưa hợp lý. Ý thức của người tham gia giao thông chưa cao cũng góp phần vào việc ùn tắc.
- CSGT Đà Nẵng đã thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng như thế nào, thưa ông?
- Sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, chúng tôi đã huy động 100% lực lượng tung ra các điểm nóng để phân làn, điều tiết, tuần tra giám sát để bảo đảm an ninh trật tự.
Ngoài giờ làm việc, những cán bộ hành chính, Đoàn Thanh Niên cũng được huy động ra các "điểm nóng' để hỗ trợ phân luồng, tuần tra, kiểm soát giao thông. PC67 đã thành lập 7 chốt mới ở những nơi đông người qua lại, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Tại các điểm này, luôn có từ 2 đến 4 người túc trực.
Ban đêm, có 2 tổ tuần tra, kiểm soát, được chia làm 2 ca hoạt động liên tục từ 17h đến 23h và từ 23h đến 3h hôm sau. CSGT ở các quận/huyện cũng được huy động để tham gia giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, dù chúng tôi có huy động nhiều người hơn nữa mà không có sự phối hợp của các cơ quan khác thì tình trạng này cũng chỉ giải quyết phần ngọn.
- Vậy theo ông, Đà Nẵng phải làm gì để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm?
- Trước mắt, TP và ngành giao thông vận tải cần rút ngắn thời gian cấm ôtô qua cầu Sông Hàn. Yêu cầu xe buýt, ôtô của các nhà hàng khách sạn hạn chế vào nội thành giờ cao điểm.
Từ ngày 7 đến 9/11, CSGT Đà Nẵng đã xử lý 140 trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Sở Giao thông vận tải điều chỉnh và hạn chế bớt các đèn tín hiệu ở đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú. UBND TP Đà Nẵng đầu tư phát triển thêm các nút giao thông khác mức.
Toàn thành phố có 2.800 nút giao thông nhưng chỉ có 2 nút giao thông khác mức là cầu vượt Ngã Ba Huế và cầu vượt Hòa Cầm là quá ít. Về lâu dài, TP phải giải quyết đồng bộ từ khâu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của công dân.
- Trước đây, CSGT Đà Nẵng mỗi tháng được hỗ trợ 5 triệu đồng từ "quỹ dưỡng liêm". Dư luận cho rằng, nay số tiền này bị cắt nên có tình trạng tiêu cực trong lực lượng CSGT. Minh chứng là vừa qua ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thấy có tài xế xe tải đưa phong bì cho một CSGT. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?
- Sau khi anh Khương nêu vấn đề trên tại một cuộc họp, giám đốc công an đã chỉ đạo điều tra làm rõ. Chúng tôi khẳng định thông tin trên không đúng. Tuyệt đối không có chuyện CSGT nhận phong bì của tài xế xe tải.
Nếu nói rằng, vì không có "quỹ dưỡng liêm" nên có tiêu cực trong lực CSGT Đà Nẵng là sai hoàn toàn. Dù không tiền hỗ trợ thì nhiệm vụ của CSGT phải hoàn thành. Đây là mệnh lệnh, nhiệm vụ và cũng là niềm tự hào của các cán bộ, chiến sĩ CSGT.
Tuy nhiên, để ngăn chặn từ xa tình trạng tiêu cực, chúng tôi đã yêu cầu từng cán bộ, chiến sĩ ký cam kết thi đua, không được nhận phong bì. Trong công việc, cũng không được nể nang vì tình cảm riêng tư mà bỏ qua lỗi cho người vi phạm. Đây là tiêu chí số một để đánh giá mức độ hoàn thành của cán bộ, chiến sĩ.
Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ sai phạm, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý theo quy định của ngành. Tuyệt đối không có chuyện bao che, dù người đó là ai.