Ngày 29/7, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có văn bản gửi các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, UBND TP yêu cầu dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về. Thời gian áp dụng từ 13h ngày 30/7.
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng cũng phải có biện pháp tổ chức thi công đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị phải đặc biệt lưu ý việc sát khuẩn, đeo khẩu trang, bảo đảm cự ly tối thiểu 2 m giữa các công nhân trong toàn bộ quá trình làm việc.
UBND các quận, huyện có nhiệm vụ phối hợp với ngành y tế sớm phát hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng cách ly kịp thời và xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19. Việc khai báo, kiểm tra y tế tại khu dân cư, nhà trọ, nhà ở công nhân... cũng phải được thực hiện nghiêm.
Đà Nẵng phong tỏa khu vực 3 bệnh viện có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
18h ngày 29/7, Bộ Y tế thông báo Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân lên 450 người.
Các bệnh nhân mới được phát hiện tại Hà Nội (BN 447), Đắk Lắk (BN 448) và TP.HCM (BN 449, 450). Những người này đều từng đến hoặc cư trú tại Đà Nẵng trước khi được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Sau 99 ngày kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 268 ở Hà Giang, ngày 25/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đó là bệnh nhân 416 được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng. Sau đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Ngày 28/7, Đà Nẵng trở lại trạng thái giãn cách xã hội, các hoạt động không thiết yếu bị tạm ngừng. Hiện, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng cùng khu vực dân cư lân cận đã bị phong toả.