Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng công bố địa chỉ bán thực phẩm sạch qua Zalo

Đà Nẵng sẽ công bố địa chỉ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên báo chí và Zalo để người dân, du khách biết.

Chiều nay, 30/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố thông tin về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2016. 

Sản phẩm phải sạch từ sản xuất đến tiêu dùng

Thông tin tại buổi họp báo cho biết mới đây Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã phê duyệt Đề án “Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng đến năm 2020".

Tổng mức đầu tư cho đề án giai đoạn 2017 - 2020 là 186 tỷ đồng. "Số tiền này được trích từ ngân sách và một phần được huy động từ nguồn xã hội hóa", ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, thông tin.

Da Nang cong bo thuc trang ve sinh an toan thuc pham anh 1
Lãnh đạo Đà Nẵng cam kết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thực phẩm không an toàn. Ảnh: Nguyên Vũ.

Theo đề án, từ năm 2017, 100% người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

Ông Dũng cho hay hiện tại các cơ quan chức năng của TP đã thống kê được hơn 3.300 cơ sở kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn.

Trả lời câu hỏi thực phẩm tại Đà Nẵng đã an toàn chưa? Ông Dũng thẳng thắn: Hôm nay UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đảm bảo an toàn.

Bên cạnh hơn 3.00 cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn thì có hơn 6.100 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo chất lượng đã được cấp giấy chứng nhận.

"Về cơ bản, thực phẩm ở Đà Nẵng đã an toàn. Chỉ còn một số cơ sở chưa đảm bảo thì cơ quan chức năng đang bị xem xét xử lý", ông Dũng nói. 

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết sắp tới cơ quan chức năng sẽ tăng cường lực lượng đi kiểm tra ở các chợ đầu mối. Nếu sản phẩm không có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị tịch thu, tiêu hủy.

"Ở các cảng cá, lực lượng chức năng cũng túc trực thường xuyên. Những tàu thuyền đi đánh bắt hải sản cập bến mà không có nhật ký đánh bắt sẽ không được tiêu thụ", ông Dũng thông tin.

Đà Nẵng nói không với thực phẩm bẩn

Ông Dũng cho biết từ năm 2017, tất cả các loại rau, củ, quả và thịt cá khi nhập vào Đà Nẵng phải có giấy chứng nhận nguồn gốc và đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. "Trước mắt, lực lượng cấp thành phố sẽ chủ công kiểm tra ở các chợ đầu mối. Còn các quận, huyện thì lực lượng chức năng địa phương đảm nhận", ông Dũng cho biết thêm.

Da Nang cong bo thuc trang ve sinh an toan thuc pham anh 2
Ông Đặng Việt Dũng (áo trắng bên trái) đi kiểm tra thực phẩm hồi tháng 5. Ảnh: Nguyên Vũ.

Cũng theo ông Dũng, hiện các cơ quan chức năng của Đà Nẵng đang tiến hành kiểm tra, thống kê các nhà hàng, quán ăn, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Thời gian tới, những đơn vị đảm bảo vệ sinh an toàn theo quy định sẽ được công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và nhất là Zalo.

Đối với những cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tùy vào mức độ mà các cơ quan chức năng sẽ xử phạt. "Những doanh nghiệp sai phạm ít thì xử lý hành chính, nhắc nhở. Còn nếu đơn vị nào sai phạm nghiêm trọng thì thành phố sẽ tước giấy phép, đình chỉ hoạt động. Mục đích của việc làm này là hướng đến một Đà Nẵng nói không với thực phẩm bẩn", ông Dũng cương quyết.

UBND TP Đà Nẵng cũng chính thức công bố các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn. Cụ thể, người dân quan tâm đến thực phẩm có thể gọi về đường dây nóng (0511) 1022; tra cứu qua tin nhắn ATTP (tên sơ sở); (địa chỉ) gửi đến 8188… hoặc có thể tra cứu qua mạng Zalo, vào tongdai1022danang. Cú pháp: chọn mục "quan tâm", vào mục "gửi tin nhắn", chọn "An toàn vệ sinh thực phẩm" để biết cơ sở kinh doanh đạt chuẩn.

Đề xuất xem xét cả án tử hình cho tội phạm về thực phẩm bẩn

Thủ tướng cho rằng thực phẩm bẩn phải xử lý nghiêm vì đây là hình thức “giết người gián tiếp”.



Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm