Ngày 8/7, tại phiên chất vấn kỳ họp lần thứ 15, HĐND thành phố khóa IX, đại biểu Huỳnh Bá Thành đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng về việc có hay không việc người nước ngoài “núp bóng” các cá nhân người Việt Nam để gom đất ở những khu vực nhạy cảm.
Theo đại biểu này, việc để cho người nước ngoài sở hữu các lô đất ven biển sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm liên quan đến an ninh quốc phòng.
"Núp bóng" người Việt để sử dụng các lô đất
Ông Tô Văn Hùng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trả lời thắc mắc của đại biểu Thành, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Pháp luật chỉ quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất với thời hạn không quá 50 năm để đầu tư dự án.
Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn là giá trị quyền sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định. "Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất kỳ cá nhân nào là người nước ngoài”, ông Hùng khẳng định.
Vệt đất dọc tường rào sân bay Nước Mặn được cho có liên quan đến người nước ngoài. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Giải thích thêm về việc này, ông Hùng cho biết, trên thực tế thì có tình trạng các ông chủ người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam. Sau đó, có thể người nước ngoài “núp bóng” gián tiếp (hoặc trực tiếp) để sử dụng các lô đất mà Nhà nước đã cấp cho người Việt Nam để hoạt động đầu tư.
Người đứng đầu Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng muốn ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan Trung ương phải rà soát lại các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… để đảm bảo chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.
Loay hoay khắc phục các sai phạm về đất đai
Cũng tại phiên chất vấn, ông Tô Văn Hùng, cho biết địa phương đang gặp khó khăn trong việc khắc phục những sai phạm về đất đai mà Thanh tra Chính phủ nêu.
Theo Kết luận thanh tra số 2852 của Thanh tra Chính phủ (công bố năm 2013), trong giai đoạn 2003 - 2011, TP Đà Nẵng đã gây thất thoát hơn 3.400 tỷ đồng do vi phạm về quản lý đất đai.
Giai đoạn 2003-2011, chính quyền địa phương đã cấp nhiều giấy chứng nhận sử dụng đất cho nhà đầu tư với mục đích sản xuất kinh doanh, thời hạn lâu dài. Kết luận này có nhắc tới việc Đà Nẵng giảm 5%-10% giá tiền mua đất.
Đà Nẵng vẫn chưa khắc phục xong các sai phạm về đất đai. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo ông Hùng, mới đây UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng xem xét gia hạn việc nộp những khoản thất thu, giảm 5%-10% tiền sử dụng đất theo Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ. Thời gian gia hạn đến ngày 31/12/2021.
Theo giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, có nhiều lô đất mà kết luận 2852 nêu thì hiện nay các cá nhân đã chuyển nhượng cho nhiều người khác nên việc rà soát, khắc phục sai phạm gặp rất nhiều khó khăn.
"Nếu ai đó từng làm việc với cơ quan điều tra, từng tham dự những phiên tòa thì không thể không rúng động khi tham mưu, tháo gỡ những vướng mắc. Bởi lẽ lằn ranh giữa cái tháo gỡ vướng mắc và tội cố ý sai phạm gây thất thoát rất mong manh", Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nhận định.
Ông Hùng nói Sở Tài nguyên - Môi trường đang chịu áp lực rất lớn từ những dự án đã hoàn thành, đến lúc phải cấp sổ đỏ cho người dân nhưng các dự án này qua rà soát thì hồ sơ không đảm bảo.
"Lý do là trước đây thành phố linh động tạo điều kiện cho nhà đầu tư rút ngắn, bỏ qua nhiều thủ tục. Tuy nhiên, đến bước cuối cùng cấp sổ thì không làm được", ông Hùng nói và cho biết mới đây UBND Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng dừng việc rà soát xử lý đối với các trường hợp tương tự.
Mặc dù gặp nhiều áp lực, song người đứng đầu Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất quan điểm vận dụng pháp luật hiện hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, đảm bảo hài hòa về lợi ích, tránh thất thu về ngân sách.
"Việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cần sự chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, sự thống nhất đồng thuận của các cấp các ngành ở thành phố", ông Hùng nói.