Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng biệt đãi nhân tài thể thao bằng tiền tỷ, nhà ở

Ở Đà Nẵng, một vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic sẽ nhận số tiền hỗ trợ hàng tháng gấp 25 lần mức lương cơ bản trong vòng 4 năm và được hỗ trợ mua nhà, bố trí công việc…

Thanh Phúc nhận lại HCV SEA Games sau 18 tháng

Chiều 5/6, chiếc HCV môn đi bộ 20 km nữ đã tìm lại được chủ nhân sau 18 tháng "lạc chủ".

Kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng khóa VIII đã thông qua Nghị quyết đãi ngộ đối với các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) tại địa phương. Chế độ trong thời gian tập luyện, thi đấu hiện hành sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc ở các giải trong nước và quốc tế.

Phóng viên Zing.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc Linh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng xung quanh chính sách này.

- Thành phố Đà Nẵng xây dựng chính sách đãi ngộ cho VĐV, HLV từ bao giờ thưa ông?

- Chúng tôi đã xây dựng đề án này từ cách đây 2 năm. Do là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện nên chúng tôi không có mô hình nào để noi theo mà chỉ xem xét chính sách hỗ trợ ở một số địa phương khác như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, An Giang. Có nơi thưởng một cục, có nơi xem xét đặc cách cho VĐV vào biên chế Nhà nước hoặc cấp đất, cấp nhà…

Nhưng chúng tôi thấy rằng những hỗ trợ này mang tính chất “tùy hứng”, không bền vững, cũng không tính đến những vấn đề căn cơ nhất của VĐV là nhà ở, giải quyết công việc đầu ra cho họ sau khi giải nghệ. Chính sách của Đà Nẵng bao gồm tất cả những ưu đãi đó, từ việc trợ cấp hàng tháng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đến nhà ở nhằm giúp VĐV, HLV an tâm công tác, phấn đấu hết mình cho địa phương.

Ông Nguyễn Phúc Linh là một trong những người xây dựng đề án từ những ngày đầu tiên, nhằm giúp thể thao Đà Nẵng giữ chân được những nhân tài thể thao, để họ an tâm cống hiến hết mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ông Nguyễn Phúc Linh là một trong những người xây dựng đề án từ ngày đầu, nhằm giúp thể thao Đà Nẵng giữ chân nhân tài.

- Đối tượng chính thụ hưởng chính sách này là ai, có phải tất cả VĐV, HLV đạt thành tích nổi bật ở giải quốc gia, quốc tế?

- Đây là chính sách tương đối đặc thù nên có những hỗ trợ cao hơn mặt bằng chung của Đà Nẵng và các địa phương khác. Đối tượng của đề án là những VĐV có nhiều đóng góp xuất sắc của thành phố Đà Nẵng và những VĐV hợp đồng thi đấu cho Đà Nẵng 3 năm trở lên. Những VĐV ngoại tỉnh nhưng thi đấu cho Đà Năng 3 năm trở lên vẫn được thụ hưởng chính sách này.

Mục tiêu của Thành phố là hỗ trợ những VĐV có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho thể thao Đà Nẵng nhưng không áp dụng cho tất cả VĐV. Đối tượng được thụ hưởng là những VĐV đã trưởng thành về thành tích và tuổi đời, có nhu cầu bức thiết về tương lai, nghề nghiệp, việc làm… Đối với những VĐV trẻ, khi chúng tôi nhận thấy không có khả năng phát triển hơn về tài năng thể thao thì sẽ trả họ về để hướng sang con đường khác.

- Ông có thể cho biết thời điểm chính sách này được áp dụng vào thực tế và kinh phí lấy từ đâu?

Chính sách này đã được HĐND thông qua ngay sau SEA Games vừa qua nhưng chúng tôi vẫn đang chờ nghị quyết chính thức bằng chữ ký. Xét về mặt quy trình, mọi thứ đã xong xuôi. Việc đãi ngộ bắt đầu triển khai từ tháng 1/2015, nhưng những VĐV đạt thành tích xuất sắc năm 2014 vẫn được hưởng chính sách này. Khi nghị quyết đi vào thực tế, VĐV sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Ưu điểm của nó là không ảnh hưởng đến các chính sách hiện hành như tiền thưởng của địa phương, Tổng cục Thể dục Thể thao.

Để làm được đề án này, chúng tôi phải xin ý kiến các bên liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ… chỉnh sửa liên tục trong hơn 2 năm mới được thông qua. Kinh phí thực hiện đề án lấy từ ngân sách, phù hợp với khả năng đáp ứng của địa phương, kể cả sau này số lượng VĐV được hưởng chính sách ưu đãi tăng lên trong tương lai.

Thanh Phúc là một trong những VĐV nhận được ưu đãi từ chính sách này. Hiện tại cô nhận trợ cấp 15 triệu đồng/tháng từ Đà Nẵng nhờ chiến tích 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games ở môn đi bộ.
Thanh Phúc là một trong những VĐV nhận được ưu đãi từ chính sách này. Hiện tại cô nhận trợ cấp 15 triệu đồng mỗi tháng từ Đà Nẵng nhờ chiến tích 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games ở môn đi bộ. Ảnh: Hoàng Hà.

- Ông có thể nói rõ hơn về chế độ trợ cấp tiền hàng tháng đối với các VĐV theo đề án?

- Chính sách này có quy định cấp độ ưu đãi, cao nhất là VĐV đoạt HCV Olympic, thấp nhất là VĐQG. Mỗi một cấp độ VĐV được nhận đãi ngộ theo một chu kỳ nhất định. Chẳng hạn, một VĐV vô địch Olympic sẽ nhận mức đãi ngộ hàng tháng gấp 25 lần mức lương cơ bản, HCB gấp 19 lần, HCĐ gấp 16 lần và được hưởng trong vòng 4 năm.

Đối với Olympic trẻ và ASIAD, VĐV được hưởng chế độ gấp 20 nếu giành HCV, 15 lần với HCB và 12 lần với HCĐ, được hưởng trong 4 năm. Nếu vô địch thế giới, thời gian VĐV được hưởng chế độ là một năm, mức thu nhập lần lượt gấp 20 lần, 12 lần và 8 lần; vô địch châu Á là 14 lần, 8 lần và 6 lần với thành tích đoạt huy chương vàng, bạc đồng. 

Đối với SEA Games, VĐV nhận ưu đãi trong 2 năm với thu nhập gấp 11 lần đối với HCV, 6 lần với HCB và 4 lần với HCĐ. Những VĐV đoạt huy chương vàng quốc gia chủ yếu nhận hỗ trợ hàng tháng trong vòng một năm bởi đây chỉ là khởi đầu cho những giải đấu lớn hơn về sau. HLV hưởng chế độ bằng một nửa VĐV.

Tùy theo quy mô, tính chất quan trọng trong thành tích của VĐV mà chúng tôi có những ưu đãi khác về nhà ở, hỗ trợ việc làm bên cạnh việc trợ cấp hàng tháng. Chẳng hạn, VĐV đoạt HCV Olympic có thẻ nhận hơn 1 tỷ đồng cho 4 năm theo đề án, được hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà miễn phí trong 10 năm, bố trí công ăn việc làm.

Còn chính sách hỗ trợ việc làm, nhà ở được thực hiện như thế nào?

- Trong chính sách của chúng tôi không đề cập đến việc vào biên chế Nhà nước bởi xu hướng bây giờ là hạn chế việc nhận viên chức, công chức. Đổi lại chúng tôi tạo điều kiện cho VĐV học nghề theo khả năng của họ. Những ai có chí có thể tiếp tục theo ngành thể thao, sau này trở thành HLV, làm giáo viên thể dục hoặc làm việc tại các trung tâm TDTT.

Trong đề án, có sự tham gia của Sở Nội vụ, Sở Lao động thương binh và Xã hội để giải quyết chuyện này. Chẳng hạn, VĐV Thanh Phúc sau khi giải nghệ muốn trở thành giáo viên dạy thể dục thì Sở Nội vụ phải có trách nhiệm ưu tiên cho em ấy.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có chính sách hỗ trợ 100%, 50% học phí để VĐV đi học nghề. Để nhận được hỗ trợ này, chúng tôi có quy định độ tuổi để học nghề là nữ từ 22 tuổi, nam từ 23 tuổi trở lên để đảm bảo vấn đề chuyên môn, thành tích cho địa phương. Trước khi có đề án này ra đời, nhiều VĐV đến 18 tuổi vừa lo đi học đại học, vừa tất bật tập luyện thi đấu khiến cho cả hai việc đều bị ảnh hưởng. Do đó, khi chính sách ra đời, VĐV hoàn toàn an tâm theo học khi đến tuổi và được bố trí việc làm sau khi ra trường.

Về chính sách nhà ở, chúng tôi không có chủ trương cấp đất, cấp nhà cho VĐV mà cho họ mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi. Trong trường hợp không mua, họ được tạo điều kiện thuê nhà miễn phí trong 10 năm (đối với VĐV vô địch ASIAD, Olympic) hay 5 năm. Với những VĐV đạt thành tích thấp hơn, họ cũng được thuê nhà nhưng với giá thấp hơn.

Những tài năng thể thao như Hoàng Quý Phước được Đà Nẵng hỗ trợ hết sức. Sau khi giải nghệ, anh sẽ được ưu tiên cho đi học nghề, làm HLV cũng như hỗ trợ mua nhà. Ảnh: Hoàng Hà.

Cầu thủ bóng đá có nằm trong diện được hưởng chính sách này?

Theo quy định, cầu thủ vẫn là đối tượng được hưởng chính sách nếu có hợp đồng với CLB địa phương từ 3 năm trở lên. Nhưng bóng đá là môn có đặc thù riêng, thành tích cá nhân nằm trong thành tích tập thể. Mỗi CLB hiện tại hoạt động như một doanh nghiệp, sống bằng bóng đá. Còn đề án chúng tôi xây dựng chủ yếu là những môn cá nhân, hoạt động dựa trên ngân sách của Nhà nước.

Có thể trong tương lai, chúng tôi sẽ có một chính sách riêng cho môn bóng đá còn hiện tại sẽ tập trung giải quyết nhu cầu chính đáng cho các VĐV khác, có nhiều đóng góp cho thể thao Đà Nẵng như trường hợp của Thanh Phúc, Hoàng Quý Phước, Trần Lê Quốc Toàn…

"Chúng tôi tâm niệm một ngày VĐV sẽ bỏ đi nếu không có chính sách tốt để giữ chân. Ngoài vấn đề trách nhiệm, màu cờ sắc áo đối với địa phương mình thi đấu, VĐV phải chăm lo cho cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp, việc làm… Đó là nhu cầu bức thiết của con người, không chỉ riêng VĐV. Chúng tôi nhìn vào thực tế đó để xây dựng chính sách hỗ trợ, giữ chân họ chứ không hô hào suông", ông Nguyễn Phúc Linh cho biết.

Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm