Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã báo cáo Chính phủ nhiều khó khăn, vướng mắc của thành phố để xin phương án giải quyết. Trong đó, việc quản lý, sử dụng đất đai và các dự án bất động sản vẫn là vấn đề nóng tại địa phương.
Hàng trăm dự án bất động sản có sai phạm
Theo ông Thơ, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TP trong 6 tháng đầu năm nhìn chung đạt khá tốt, trong đó có điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 500 triệu USD, chủ yếu vốn vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và công nghệ cao.
Tuy nhiên, tổng sản phẩm xã hội của Đà Nẵng 6 tháng qua tăng 6,21% - thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Lý giải việc tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt thấp, Chủ tịch Đà Nẵng nói địa phương tập trung vào công nghệ cao, công nghệ thông tin và hạn chế các lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông thông tin năm 2018, Đà Nẵng đã dừng cấp phép cho một số doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm như sản xuất thép, hạn chế khai thác đất đá, quặng… Ngoài ra, Đà Nẵng đang chủ động rà soát tất cả trường hợp liên quan đến các dự án bất động sản sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012.
"Đà Nẵng phát hiện hàng trăm dự án bất động sản có vướng mắc, sai phạm”, Chủ tịch Đà Nẵng nói và cho biết địa phương này đã báo cáo Thủ tướng để tìm hướng giải quyết.
Ngoài ra, theo ông Thơ, nguyên nhân tăng trưởng thấp còn xuất phát từ việc thành phố đang tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển chung 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến cuối năm nay, TP sẽ trình Thủ tướng.
Về phát triển đô thị, lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng cho biết thành phố đang tích cực điều chỉnh không gian ở một số khu vực có tính chất nhạy cảm như ven sông, ven biển, trung tâm theo hướng ưu tiên bảo vệ giá trị tự nhiên, ưu tiên khu vực công cộng như bãi đỗ xe, công viên. TP hạn chế mật độ xây dựng ở trung tâm đô thị để giãn dân, giảm kẹt xe.
Song, những việc này không tránh khỏi phản ứng của một số người dân, doanh nghiệp khi có xung đột lợi ích.
Tổ hợp khách sạn Mường Thanh là một trong những dự án được xác định có sai phạm tại Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Đức. |
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ việc Đà Nẵng đang xử lý hậu quả nặng nề trước đây để lại. Ông đánh giá Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng rất quyết liệt.
Về những kiến nghị của địa phương, ông Bình cho biết Chính phủ đang tập trung xem xét xử lý vì còn nghiên cứu pháp luật, không để phát sinh sai phạm khác.
Nói thêm về kiến nghị của Chủ tịch UBND Đà Nẵng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định kết luận thanh tra năm 2012 là đúng quy định của pháp luật. Ông nhắc lại, Đà Nẵng giảm quyền sử dụng đất không đúng, công nhận thời hạn sử dụng đất không đúng nhưng thực tế đã giao đất và nhà đầu tư đã chuyển đổi nên việc xử lý kết luận thanh tra rất khó khăn.
Về việc Đà Nẵng kiến nghị xem xét xử lý dứt điểm, ông Khái nhấn mạnh Thanh tra Chính phủ đã làm hết trách nhiệm. Ông đề nghị Đà Nẵng xếp lịch phối hợp với Thanh tra Chính phủ để tìm giải pháp báo cáo Thủ tướng tháo gỡ khó khăn.
“Với kết luận thanh tra đã có hiệu lực, phải cố gắng làm sao các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt. Chúng tôi rất hoan nghênh TP và hứa sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện việc này”, ông Khái nói.
Theo kết luận năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng đã giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ được bố trí đất tái định cư, các tổ chức cá nhân được thành phố giao đất, nhận chuyển nhượng nhượng quyền sử dụng đất là không đúng đối tượng và trái với quy định, gây thất thoát ngân sách.
Chủ động ứng tiền mở rộng quy hoạch sân bay
Cũng báo cáo với chính phủ về việc phát triển thành phố, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nêu thực trạng du lịch và hàng không ở địa phương này phát triển rất mạnh. Sân bay Đà Nẵng có công suất 8 triệu lượt khách/năm đang phải gánh gấp đôi lượng khách.
Vì thế, việc mở rộng sân bay Đà Nẵng là rất cần thiết. “Trước nhu cầu phát triển của địa phương, TP đã chủ động ứng trước tiền làm quy hoạch để mở rộng, nâng công suất sân bay Đà Nẵng”, ông Thơ nói.
Đà Nẵng đã chủ động ứng trước tiền làm quy hoạch để mở rộng, nâng công suất sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận hệ thống sân bay chưa có quy hoạch hoàn chỉnh. Vừa qua, Thủ tướng ký quyết định điều chỉnh quy hoạch sân bay nhưng cái khó là không có kinh phí.
“Không có quy hoạch thì không thể triển khai được”, ông Thể nói.
Tư lệnh ngành giao thông đánh giá cao việc Đà Nẵng đã ứng tiền lập quy hoạch điều chỉnh sân bay, sau này bố trí ngân sách được thì trả lại. Theo ông, chính sách này giúp đẩy nhanh tiến độ quy hoạch cũng như nâng cấp nhà ga.
Nhấn mạnh các sân bay phục vụ rất tốt cho du lịch, Bộ trưởng Thể tha thiết đề nghị các tỉnh linh động sử dụng ngân sách địa phương cho ngành giao thông tạm ứng. Ông nói số tiền này không nhiều nhưng ý nghĩa rất lớn vì không có quy hoạch thì không thể triển khai được dự án.