Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đã miễn giảm, hạ lãi suất với hơn 1,08 triệu tỷ đồng

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1,08 triệu tỷ đồng.

Số liệu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn ra ngày 14/5.

Cụ thể, sau 2 tháng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã có trên 215.000 khách hàng với dư nợ hơn 130.000 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Số dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất đến cuối tháng 4 cũng lên tới 1,08 triệu tỷ đồng.

Cùng với đó, doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi từ 23/1 đến nay đã đạt 630.000 tỷ. Trong đó, lãi suất phổ biến thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch.

Số liệu cập nhật từ cơ quan quản lý cũng cho biết, riêng ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho gần 103.000 khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ, và cho vay mới gần 19.000 tỷ đồng dư nợ.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Ngay khi bắt đầu có dịch, NHNN đã dự báo, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ ưu tiên phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Mien giam,  ha lai suat voi hon 1, 08 trieu ty du no anh 1

Các ngân hàng đã miễn giảm, hạ lãi suất với hơn 1,08 triệu tỷ dư nợ của người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh.

Cùng với đó là việc miễn, giảm phí thanh toán của cả NHNN và các TCTD nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên quy mô lớn. Đến nay, số phí được miễn, giảm đã đạt trên 1.004 tỷ đồng.

Đặc biệt, NHNN đã thực hiện cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, không tài sản bảo đảm để ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho vay doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng cho biết, tính đến trung tuần tháng 5 năm nay, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 1,2%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, tín dụng đến hết tháng 1 mới tăng 0,1%; tháng 2 tăng 0,07%; tháng 3 tăng 1,1%; tháng 4 tăng 1,42% và giảm xuống 1,2% đến trung tuần tháng 5. Xu hướng ghi nhận trên thị trường tiền tệ là doanh nghiệp đẩy mạnh trả nợ, trong khi nhu cầu vốn mới hạn chế.

Vị lãnh đạo Vụ tín dụng cũng thông tin thêm, dù dịch bệnh đã được kiểm soát trong nước nhưng nhu cầu vốn mới của các doanh nghiệp vẫn thấp. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có nhu cầu, ngân hàng muốn giải ngân nhưng không được vì không đảm bảo được khả năng thu hồi vốn, khách hàng không có phương án kinh doanh rõ ràng.

Về việc một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị vay không tài sản đảm bảo, ông Hùng cho hay, các ngân hàng có thể đáp ứng được nhưng phải kiểm soát được dòng tiền. Với các doanh nghiệp chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả, ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng vốn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho hay, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt. Các ngân hàng cần phải huy động nguồn vốn nhưng trong bối cảnh hiện nay, rất khó để huy động vốn giá rẻ.

Trong khi đó, ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn nguồn vốn đi vay của mình, vì vậy các khoản vay vẫn phải đủ khả năng trả nợ cả gốc và lãi. Do đó việc không hạ chuẩn tín dụng cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình cho vay doanh nghiệp.

Tính đến này, nhà băng này dự tính sẽ phải giảm lợi nhuận từ 3.000-4.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Doanh nghiệp ‘xù’ hợp đồng gạo dự trữ quốc gia vẫn đi đấu thầu lại

Trong lần mở thầu đợt 2 mua gạo dự trữ quốc gia ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã từng trúng thầu lần 1 nhưng “xù” hợp đồng vẫn đi đấu thầu lại lần 2.

Lý do Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 2

Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất điều hành sẽ giúp nới lỏng thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay với người dân và doanh nghiệp.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm