Riêng tại vùng Đông Nam Á, số lượng rau chất lượng cao Đà Lạt cung ứng sẽ còn cao hơn.
Đó là khẳng định của các chuyên gia Nhật Bản trong chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và Công ty An Phú Lacue, liên doanh Việt - Nhật điều hành dự án “Làng thần kỳ” chuyên trồng xà lách Mỹ theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Đà Lạt.
Đoàn công tác Nhật Bản ăn thử rau do kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam phối hợp trồng tại dự án “Làng thần kỳ” Đà Lạt/ |
Ông Tadahiko Fujiwara, thị trưởng thị trấn nông nghiệp Kawakami (huyện Minamisaku, tỉnh Nagano, Nhật Bản) - nơi được mệnh danh “Làng thần kỳ” Nhật Bản, nhận định Đà Lạt có cơ hội rất lớn trở thành “vựa rau an toàn của châu Á” mà không quốc gia nào trong khu vực có thể so sánh.
- Sau chuyến khảo sát, ông đánh giá như thế nào về dự án “Làng thần kỳ” tại Đà Lạt?
- Cuối năm nay, công ty An Phú Lacue sẽ xuất rau sang Nhật Bản với sản lượng khoảng 5 tấn/tuần. Ngoài ra, rau của công ty này cũng được xuất sang Malaysia, Singapore và mở rộng sang các thị trường khác.
Sau tám tháng tiến hành dự án ở một vùng đất mới hoàn toàn so với điều kiện nông nghiệp tại Nhật Bản mà đã có rau đạt chuẩn về chất lượng để xuất sang các nước, trong đó có Nhật, là một thành công lớn.
Lợi thế của dự án là có đầy đủ nguồn giống chất lượng cao từ Nhật Bản. Tuy nhiên, do thiếu công nhân, kỹ sư đạt yêu cầu canh tác nông nghiệp công nghệ cao và chưa có những máy móc trợ giúp canh tác như tại Nhật Bản nên năng suất còn thấp.
- Sau khi đến tận cánh đồng rau tại Đà Lạt, ông có tính toán gì để thúc đẩy dự án phát triển?
- Trước tiên, Kawakami sẽ cùng An Phú Lacue xây dựng “Làng thần kỳ” Đà Lạt thành một hình mẫu để gợi ý cho nhiều nhà đầu tư khác. Kawakami có nhiều công ty có năng lực tốt tương tự Lacue, và tôi muốn họ nhìn vào hình mẫu của liên doanh An Phú Lacue để quyết định đầu tư.
Trong năm nay và đầu năm tới, những hợp tác về đào tạo lao động sẽ khởi động, cạnh đó là những nông cụ công nghệ cao sẽ được chuyển sang “Làng thần kỳ” Đà Lạt. Có thể lấy các công ty liên doanh sản xuất rau An Phú Lacue làm hạt nhân về kỹ thuật, sau đó liên kết với nông dân để chuyển giao kỹ thuật. Nông dân Đà Lạt là đối tượng thụ hưởng chính, còn các công ty liên doanh gần như là đơn vị tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, thu mua.
Thông qua các dự án hợp tác, trình độ nông nghiệp của nông dân sẽ dần được thay đổi, tiến bộ hơn. Nông dân tham gia dự án phải được đào tạo và được trải qua môi trường làm nông kỷ luật tại Nhật Bản. Kỷ luật nông nghiệp phải được siết chặt ngay từ bước khởi động dự án.
- Ông cho rằng Đà Lạt sẽ phát triển mạnh về nông nghiệp nếu hợp tác toàn diện với Nhật Bản, cơ sở nào để khẳng định điều đó?
- Thị trấn Kawakami từng rất nghèo, nhưng giờ rất giàu. Họ chỉ sản xuất 4 tháng/năm nhưng thu nhập 300.000 USD/hộ. Chúng tôi có kinh nghiệm, công nghệ, còn các bạn có đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi.
Chúng tôi cam kết sẽ chuyển giao toàn bộ kỹ thuật để năng suất, chất lượng tăng lên gấp ba lần và đi kèm là thu nhập tăng gấp 20 lần. Tất nhiên, Đà Lạt không chỉ canh tác riêng xà lách Mỹ mà còn nhiều loại nông sản có giá trị được thị trường các nước phát triển đang chuộng.
Yếu tố mà bạn hỏi, không có gì lạ hết: kỷ luật, công nghệ và lao động trẻ. Đó là ba “chìa khóa” mà tôi đã áp dụng cho Kawakami và chúng tôi tiếp tục mang đến Đà Lạt.
- Tại sao ông lại hào hứng mang mô hình “Làng thần kỳ” Kawakami, do mình xây dựng, đến Đà Lạt?
- Dân làng Kawakami không tự hào vì thu nhập cao mà tự hào vì kiếm được nhiều tiền trên mảnh đất cằn cỗi bậc nhất. Tôi tự hào vì mình đã cùng người dân làm được điều mà nhiều người cho là thần kỳ.
Mảnh đất cằn cỗi ngày xưa trồng lúa nghèo khó Kawakami giờ đã trù phú. Giờ tới lúc phải mang giá trị đẹp đó đến những vùng đất khác xứng đáng có cơ hội phát triển, tôi muốn nói đến Đà Lạt.
Những người nông dân trẻ của chúng tôi cũng có cơ hội tạo được những giá trị lớn mang tinh thần Nhật Bản bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Điều đó thôi thúc tôi lên kế hoạch đến Đà Lạt ngay khi nhận được bắp xà lách ngon gửi về từ Đà Lạt.
Mong muốn cả Đà Lạt cùng là “Làng thần kỳ”
“Làng thần kỳ” Kawakami chỉ có diện tích bằng 1/4 Đà Lạt và dân số chỉ bằng 1/8 Đà Lạt, nhưng cung cấp nông sản cho Nhật Bản liên tục trong bốn tháng, chiếm 80% sản lượng của Nhật. Sau bốn tháng này, Nhật phải vất vả nhập rau từ nhiều nước. Chúng tôi có định hướng xuất khẩu nhưng lấy đâu rau để xuất khẩu.
Như vậy, Đà Lạt nếu sản xuất rau theo tiêu chuẩn của Nhật bằng hạt giống và công nghệ Nhật thì có xuất khẩu rau chất lượng cao cho cả châu Á được không?
Nên nhớ chúng tôi có hàng ngàn siêu thị của chủ đầu tư Nhật Bản khắp khu vực này, và nhắc đến nông sản Nhật, không ai không thừa nhận về chất lượng. Đó là thương hiệu quốc gia.
Không chỉ có An Phú Lacue lập “Làng thần kỳ” mà cả Đà Lạt cùng là “Làng thần kỳ”. Cơ hội không chỉ cho riêng một công ty nào mà cho tất cả các liên doanh sản xuất nông sản đạt chất lượng cao. Nếu hợp tác toàn diện trong sản xuất nông sản với Nhật Bản, chỉ sau năm năm Đà Lạt sẽ cung ứng 30-50% lượng rau chất lượng cao cho châu Á, riêng tại vùng Đông Nam Á con số đó sẽ cao hơn!
Tuy nhiên, để trở thành vựa rau của châu Á thì phải xem lại cơ sở hạ tầng. Khắp các vùng rau chủ lực của Đà Lạt, tôi thấy các doanh nghiệp tự làm đường, cầu cống, tự dẫn điện.
Chúng tôi sẽ vận động Chính phủ có những gói ODA để phát triển hạ tầng nông nghiệp ở đây. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để lao động Đà Lạt dễ dàng đến làm nông tại Nhật. Đề án tuyển lao động nông nghiệp từ VN sang Nhật Bản làm việc theo diện tu nghiệp đã được trình Chính phủ Nhật Bản để lao động VN có điều kiện vừa làm vừa học công nghệ sản xuất.
Qua đó sẽ đào tạo nguồn lao động am hiểu cách làm nông của Nhật tại Đà Lạt để chuẩn bị cho các nhà đầu tư Nhật Bản khác đến sản xuất nông sản.
Ông SENGOKU YOSHITO (phó chủ tịch Đảng Dân chủ, nguyên phó chánh văn phòng nội các Chính phủ Nhật Bản)