Đến đầu năm 2020, có 22 cầu thủ Thái Lan đã, đang chơi bóng ở Nhật Bản. Mới nhất, thủ thành Kawin Thamsatchanan đầu quân cho CLB Consadole, trong khi Teerasil Dangda vừa ký hợp đồng với Shimizu S-Pulse.
Trước đó, Chanathip Songkrasin là trụ cột ở Consadole. Hậu vệ Theerathon Bunmathan đóng vai trò lớn trong chức vô địch J.League của Yokohama Marinos.
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam chưa chứng kiến trường hợp nào có thể trụ lại Nhật Bản, chứ chưa nói đến việc trở thành trụ cột tại các CLB J.League. Phải chăng vẫn có một khoảng cách trình độ nhất định giữa cầu thủ Việt Nam và Thái Lan?
Cầu thủ Thái Lan vẫn hơn Việt Nam
"Tôi khẳng định cầu thủ Thái Lan có chất lượng tốt hơn chúng ta. Chanathip đá ở Sapporo và là một trong những trụ cột của đội. Trình độ chuyên môn của họ nhỉnh hơn chúng ta, sự thích nghi cũng tốt hơn", chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định.
Trong khoảng 2 năm gần đây, các đội tuyển Thái Lan không có thành tích tốt bằng tuyển Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Trong các lần gặp gỡ, tuyển Thái Lan cũng không thể thắng được Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, không thể khẳng định trình độ của cầu thủ Việt Nam đã bằng hoặc hơn Thái Lan.
Chanathip đã là trụ cột của CLB Consadole. Ảnh: Getty. |
Ông chia sẻ với Zing.vn: "Nói cầu thủ Việt Nam hơn hoặc bằng Thái Lan là ngộ nhận. Khi Việt Nam gặp Thái Lan, chúng ta đá ngang họ vì được đặt vào hệ thống tốt, phối hợp, hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh tập thể, chứ cá nhân của chúng ta chưa bằng họ đâu. Chúng ta không nên ảo tưởng là cầu thủ của ta đã bằng Thái Lan".
"Hai năm vừa qua thành tích của đội tuyển đã tốt hơn về mọi mặt, nhưng cá nhân thì chưa hơn người Thái. Ngay cả Quang Hải, cầu thủ hay nhất Việt Nam chúng ta, liệu có so được với Chanathip không? Việc cầu thủ Thái Lan là trụ cột ở nền bóng đá như Nhật Bản là minh chứng rõ nhất cho việc họ đang nhỉnh hơn chúng ta về mặt trình độ".
Việc các cầu thủ Thái Lan chơi tốt ở Nhật Bản là điều khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam có phần chạnh lòng. Trong quá khứ, Công Phượng, Tuấn Anh, thậm chí cả Công Vinh cũng chưa để lại dấu ấn nào khi tới Nhật Bản. Ngoài ra, các thương vụ Xuân Trường hay Công Phượng tới Hàn Quốc cũng được xem như một thất bại.
Về mặt xuất khẩu cầu thủ, Thái Lan rõ ràng đang làm tốt hơn Việt Nam. Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, trình độ cầu thủ Thái Lan tốt hơn là nguyên nhân chính nhưng sự đánh giá, tính toán của người Thái cũng góp phần quan trọng vào thành công của họ.
Chanathip cùng tuyển Thái Lan không thắng được Việt Nam ở 2 lần gặp nhau gần nhất. Ảnh: Minh Chiến. |
Ông nhận định: "Thái Lan có một chiến lược xuất khẩu cầu thủ rất bài bản và nghiêm túc. Họ có sự chuẩn bị tốt hơn chúng ta rất nhiều, chưa kể Thái Lan đã xuất khẩu cầu thủ từ lâu và đi trước chúng ta vài bước".
"Điều quan trọng ở đây là họ đã đánh giá chuẩn xác về năng lực của cầu thủ, cũng như đánh giá môi trường nước ngoài, các đội bóng nước ngoài. Vẫn ví dụ Chanathip, cậu ấy có thể hình nhỏ bé nhưng đá rất tốt ở môi trường bóng đá Nhật Bản. Vấn đề cốt lõi là Thái Lan đánh giá đúng khả năng của Chanathip cũng như giải Nhật Bản", chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định.
Không thể xuất khẩu cầu thủ bừa bãi
Trong vài năm trở lại đây, các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại khá nhiều. Xuân Trường có 2 chuyến xuất ngoại, một sang Hàn Quốc và một ở Thái Lan. Công Phượng đi Nhật Bản, sau là Hàn Quốc và Bỉ. Văn Hậu hiện chơi bóng ở Heerenveen cho Hà Lan, còn Văn Lâm đầu quân cho Muangthong ở Thai League.
Tuy nhiên, ngoài trường hợp của Văn Lâm, những thương vụ trên hầu hết không mang lại thành công. Nếu như những chuyến xuất ngoại của Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh là những thất bại khá rõ ràng, thì trường hợp của Văn Hậu vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, những thất bại nói trên đến từ việc Việt Nam chưa có một tổ chức, cơ quan hay cá nhân chuyên trách nào ở khâu đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, dẫn đến tình trạng xuất khẩu cầu thủ "bừa bãi".
Công Phượng liên tục có những chuyến xuất ngoại không thành công, gần nhất là Bỉ. Ảnh: STVV. |
"Theo tôi, chúng ta đã để các cầu thủ xuất ngoại trong tình trạng thiếu hiểu biết. Thiếu hiểu biết về chính chúng ta và thiếu cả về các đội bóng nước ngoài. Chúng ta không có một kế hoạch chi tiết, khoa học về việc đưa cầu thủ xuất ngoại. Nói cách khác, Việt Nam chưa có một cơ quan, tổ chức nào phụ trách khâu này".
"Ở những tổ chức ấy phải có những con người sở hữu kiến thức rộng sâu, chuyên nghiệp để có thể đánh giá trình độ cầu thủ của chúng ta đang ở đâu, đến nước nào thi đấu thì phù hợp, ở môi trường bóng đá của đất nước đó có thích nghi được không, có được đá không? Chúng ta không thể xuất khẩu kiểu "tay mơ" được. Đưa cầu thủ ra nước ngoài bừa bãi chính là làm hại họ".
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải dẫn trường hợp của Văn Lâm, người bước đầu gặt hái được thành công ở Muangthong: "Lâm có trình độ, nhưng cũng phải có một đội bóng chấp nhận Lâm và cho anh chơi bóng thì mới phù hợp. Nếu Văn Lâm sang Nhật Bản, Hàn Quốc chưa chắc đã thành công".
Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi thành công ở nước ngoài. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bên cạnh đó, chuyên gia Vũ Mạnh Hải lấy thất bại của Công Phượng như ví dụ cho việc xuất khẩu cầu thủ thiếu sự đánh giá, tính toán. Cầu thủ gốc Đô Lương đã đi Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Bỉ nhưng cuối cùng vẫn phải trở lại V.League.
"Công Phượng không đá được ở Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại tới Bỉ. Chúng ta đều biết giải Bỉ có trình độ cao hơn giải Nhật, Hàn. Công Phượng không đá được ở châu Á, sao lại đưa cậu ấy sang châu Âu? Cầu thủ phải xuất sắc ở châu Á thì mới chơi được ở châu Âu chứ?"
"Việc xuất khẩu cầu thủ, theo tôi phải đi từ thấp đến cao. Lấy Takumi Minamino làm ví dụ. Cậu ấy chơi tốt ở Nhật, được coi như Messi nhưng cũng phải đi dần dần đến Áo, sau một thời gian mới tới được Liverpool. Rõ ràng họ đưa cầu thủ ra nước ngoài theo lộ trình rất bài bản. Riêng việc đưa cầu thủ đến đâu trước cũng phải cần tính toán và phải có những người có đầy đủ kiến thức về chuyên môn", chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định.