Thị trường sách nói toàn cầu đang ghi nhận nhiều diễn biến tích cực. Ảnh: blog.sellfy |
Sách nói đại diện cho một thị trường tương đối nhỏ trong ngành xuất bản toàn cầu nhưng đang ghi nhận nhiều tín hiệu phát triển. Quy mô thị trường sách nói toàn cầu liên tục tăng trưởng.
Tiềm năng của ngành sách nói toàn cầu
Sự tăng trưởng này được cho là do hội tụ nhiều yếu tố: các công ty sách nói cung cấp dịch vụ ngày càng hấp dẫn; nhiều lựa chọn để nghe sách, từ điện thoại di động đến máy tính cá nhân, loa của các trợ lý giọng nói; việc phong tỏa phòng dịch Covid-19 đã buộc khách hàng phải sử dụng các nguồn giải trí có sẵn tại nhà và trong khi đi du lịch. Hơn nữa, ngày càng có nhiều người tiêu dùng muốn nghe các cuốn tiểu thuyết, sách và văn học thuộc mọi thể loại.
Tại Thụy Điển, 23% người trả lời khảo sát cho biết họ nghe ít nhất một cuốn sách nói hàng tháng, so với tỷ lệ 19% như vậy tại Đức, theo một cuộc khảo sát trong quý II năm 2022 do đơn vị nghiên cứu MIDia Research thực hiện.
Chia sẻ về sự phát triển của sách nói toàn cầu, ông Jens Klingelhöfer, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Bookwire - nhà cung cấp dịch vụ số trong ngành xuất bản có trụ sở tại Đức, cũng cho biết trong thời kỳ phát triển đầu của sách nói, Audible nắm giữ vị thế định hướng và thống trị ngành. "Tuy nhiên, một vài năm trước, chúng tôi đã thấy nhiều đơn vị mới hơn. Chúng tôi đang nhìn thấy các mô hình phát triển và nền tảng mới, cũng như có sự chấp nhận rộng rãi đối với âm thanh trong ngành xuất bản”, ông Jens Klingelhöfer nói.
Đa dạng cách tiếp cận với độc giả và cạnh tranh lành mạnh
Với tiềm năng phát triển của sách nói, ngày càng nhiều đơn vị đang gia nhập thị trường này.
Ví dụ, Spotify đã ra mắt nền tảng sách nói thử nghiệm vào tháng 9 năm nay tại Mỹ sau khi mua Findaway World LLC với giá 121,1 triệu USD vào đầu năm nay. Nền tảng sách nói của họ có hơn 300.000 đầu sách, lớn hơn so với danh mục của công ty dẫn đầu thị trường lâu năm Audible, hiện chỉ cung cấp hơn 200.000 đầu sách. Audible thuộc sở hữu của Amazon.com Inc.
Trong khi Audible và một tên tuổi lớn tại vực Bắc Âu là StoryTel đang cho phép người dùng truy cập kho dữ liệu sách nói của họ bằng cách đóng phí truy cập theo tháng, theo năm thì Spotify lại lựa chọn cách yêu cầu người dùng mua từng tác phẩm với các mức tiền khác nhau.
Đại diện một số đơn vị tham gia buổi chia sẻ về thị trường sách nói tại hội sách Frankfurt. Ảnh: Publishing Perspectives. |
Ông Klingelhöfer cho rằng có vẻ kỳ lạ khi Spotify sử dụng mô hình yêu cầu người dùng mua từng tác phẩm vì họ có năng lực để áp dụng mô hình yêu cầu khách hàng đăng ký sử dụng theo tháng. “Có thể họ sẽ tiếp tục thử nghiệm”.
Trong khi Bắc Mỹ dự kiến giữ thị phần sách nói toàn cầu lớn nhất thế giới từ nay đến 2029 thì các khu vực khác cũng ghi nhận đà phát triển với nhiều công ty, nền tảng sách nói mới.
Bà Sharon Baiden, giám đốc sản phẩm và tiếp thị của công ty sách AkooBooks Audio đến từ Ghana, cũng chia sẻ tại Hội sách Frankfurt về sự ra mắt sắp tới của nền tảng sách nói kết hợp giữa AkooBooks Audio và công ty hỗ trợ dịch vụ số Beat Technology, hướng tiếp cận độc giả thông qua các chương trình đăng ký gói sử dụng.
Theo bà Baiden, mức giá đăng ký hàng tháng tương đương với khoảng 3 USD của họ sẽ dễ tiếp cận hơn với người dùng trong khu vực so với một cuốn sách có giá tới 25 USD.
Chia sẻ thêm về cách tiếp cận độc giả của mình, ông Nathan Hull, giám đốc chiến lược của công ty Beat Technology nói rằng: “Đây là một cách tiếp cận nhiều tầng nấc. Chúng tôi nghiên cứu các thị trường mà chúng tôi nhắm đến, điều các nhà xuất bản muốn và tìm cách thích ứng với thị trường của họ”.
Về trường hợp của AkooBooks, ông Hull nói rằng: Họ là một nền tảng toàn châu Phi và đang tìm cách tiếp cận hàng triệu người chưa nhất thiết phải nghe hoặc đã đọc một cuốn sách, trong trường hợp đó, quá trình phát triển là nhắm tới dài hạn.
Như vậy, với sự xuất hiện các công ty mới, cạnh tranh trên thị trường sách nói đang diễn ra lành mạnh khi nó giúp phát triển thói quen tiêu thụ sách nói của người tiêu dùng, đồng thời cũng tạo cơ hội cho các đơn vị nhỏ hơn tham gia. Sau đó, quá trình phát triển sẽ phụ thuộc vào cách các nền tảng khai thác nội dung của họ, trang Publishing Perspectives đánh giá.
Trong khi Spotify bắt đầu cung cấp bản dịch tiếng nước ngoài các tác phẩm họ sở hữu ra toàn thế giới thì những nền tảng nhỏ như AkooBooks đã tìm cách tăng lượng khách hàng bằng cách phát triển quan hệ đối tác với các nền tảng số khác.
Theo bà Baiden, AkooBooks đã ký kết với hãng di động MTN để cho phép ứng dụng của họ tích hợp vào điện thoại của hãng và từ đó họ có hơn 180.000 người đăng ký. Đồng thời, AkooBooks cũng đang vượt qua nền tảng ban đầu của họ là tiếng nói châu Phi để xem xét nhu cầu của cả cộng đồng bên ngoài.
Ông Klingelhöfer cũng nhận định: "Hãy thử mọi thứ và chúng ta có thể điều chỉnh, đặc biệt là khi bạn đang xem xét các thị trường mới nổi".