Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ 1/1, xăng RON 92 sẽ bị “khai tử” và được thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5. Thế nhưng, 1 tháng qua, thực tế cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không mặn mà với mặt hàng này.
Vì sao xăng E5 không hấp dẫn người dùng và các đại lý xăng dầu? Hầu hết ý kiến đều cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là giá xăng E5 kém cạnh tranh, lợi nhuận mang lại từ kinh doanh E5 cũng không lớn hơn xăng khoáng nên doanh nghiệp chần chừ không đẩy mạnh tiêu thụ.
Sở Công Thương TP.HCM dẫn chứng chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 chỉ thấp hơn RON 92 khoảng 230 đồng/lít. Còn tỷ lệ chiết khấu doanh nghiệp được hưởng với xăng E5 1.000-1.600 đồng/lít, cũng thấp hơn xăng khoáng 280 đồng/lít. Sản lượng tiêu thụ của các cửa hàng kinh doanh xăng E5 chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Người dân vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng xăng E5. |
Hiện đã có một số đơn vị đề nghị tạm ngừng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra thấp, mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí của cửa hàng. Thậm chí Sở Công Thương TP.HCM còn cho rằng gần 1 năm qua, giá xăng dầu trên thế giới đang ổn định và có xu hướng giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ, xuất kho tiêu thụ xăng RON 92, RON 95 hiệu quả hơn so với việc tiêu thụ xăng E5.
Trong khi đó, hiểu biết của người dân với xăng E5 còn hạn chế nên việc thay đổi thói quen là một thách thức. Nhiều người tiêu dùng băn khoăn xăng E5 có gây hại cho động cơ và gây ra các tác động không mong muốn... Và nếu chúng ta không tuyên truyền, giải thích rõ những ưu điểm của việc sử dụng xăng E5, người tiêu dùng sẽ chỉ sử dụng xăng RON 95, là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa thêm một chính sách đúng đắn đã không thể thực hiện được.
Điều khiến người dân hiện nay bất bình là giá xăng RON 95 cao hơn đáng kể so với xăng E5, nhất là khi xăng RON 95 không được công bố giá cơ sở. Theo đó, qua 2 kỳ điều hành giá đầu năm, giá xăng RON 95 luôn cao hơn xăng E5 trên dưới 1.800 đồng/lít - mức chênh lệch không hề nhỏ.
Nguyên nhân chủ yếu do xăng E5 được hỗ trợ bằng việc chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG), trong khi giá xăng RON 95 được điều hành theo thị trường, không sử dụng Quỹ BOG. Với cách điều hành giá này rõ ràng là không ổn. Bởi lẽ, Quỹ BOG được quy định sử dụng trong những trường hợp giá xăng dầu có biến động mạnh, cần hỗ trợ để không gây biến động quá nhiều.
Do đó, việc xả quỹ với mặt hàng này nhưng không xả với mặt hàng kia khiến chênh lệch tới gần 2.000 đồng/lít là không hợp lý. Và chính việc làm có phần nhập nhằng này của cơ quan quản lý, đã khiến dư luận nghi vấn liệu có “lợi ích nhóm trong việc độc quyền tiệu thụ ethanol?”.
Theo công thức, xăng E5 bao gồm 5% cồn sinh học (ethanol) trộn cùng 95% xăng RON 92. Với công thức tính giá xăng RON 92 không có biến động, xăng E5 hoàn toàn phụ thuộc vào giá thành ethanol. Để thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong năm 2018 cả nước cần khoảng 5,5 triệu m3 xăng E5, tương đương 275.000m3 E100 để phối trộn.
Hiện nay, chỉ có nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm sản xuất ethanol với sản lượng 200.000 m3/năm. Trong khi đó, giá thành sản xuất ethanol của Việt Nam đang cao gần gấp rưỡi so với nhiều nước như Hoa Kỳ, Brazil… Phần nữa, trong khi nhiều quốc gia có nền công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học phát triển chọn cây mía, bắp hay gỗ để làm cồn, Việt Nam lại chọn khoai mì, một cây trồng đa mục đích (chế biến dược phẩm, làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất cồn sinh học) với nhiều bất ổn hơn về nguồn cung và giá cả.
So với đầu năm ngoái, giá khoai mì đã tăng gấp đôi, kéo theo giá thành sản xuất ethanol của Việt Nam hiện ở mức 570USD/tấn, cao hơn 200USD/tấn so với Hoa Kỳ. Và để thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang xăng sinh học E5, người tiêu dùng phải gánh mức chênh lệch này.
Chủ trương sử dụng xăng sinh học E5 là hoàn toàn đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính. Vấn đề đặt ra, trong bối cảnh định hướng khuyến khích xăng sinh học, các chính sách ưu đãi cho mặt hàng này nhằm có giá thấp hơn xăng RON 95 là cần thiết.
Tuy nhiên, do chưa có thị trường xăng dầu cạnh tranh, vẫn cần kiểm soát giá tất cả mặt hàng, trong đó có cả xăng RON 95 và xăng E5. Việc thuế, phí dồn gánh nặng lên giá xăng cần phải có sự tính toán, cân đối giữa mục tiêu thu nội địa và mục tiêu bảo đảm ổn định đời sống kinh tế - xã hội.