Cuối tháng 8, dư luận thế giới xôn xao khi tờ Al Jazeera công bố tài liệu rò rỉ liên quan tới một loạt các chính trị gia cấp cao và tỷ phú thế giới tham gia mua hộ chiếu Cộng hòa Cyprus thông qua đầu tư vào quốc gia này.
Trước làn sóng dư luận, mới đây Cộng hòa Cyprus vừa tuyên bố quyết định đình chỉ chương trình “hộ chiếu vàng” bắt đầu từ ngày 1/11 sau một cáo buộc che giấu tội phạm từ tờ Al Jazeera.
Tước "Hộ chiếu vàng"
Với quyết định này, các tỷ phú đổi quốc tịch thông qua đầu tư có nguy cơ bị tước quốc tịch quốc gia này. Đến nay đã có ít nhất 5 tỷ phú trong danh sách của Forbes, có tổng tài sản hơn 35 tỷ USD, nguy cơ bị tước "hộ chiếu vàng".
Theo tài liệu của Al Jazeera, 5 tỷ phú trong danh sách Forbes đăng ký công dân Cyprus thông qua chương trình này bao gồm bà Yang Huiyan, nữ tỷ phú giàu nhất châu Á (sở hữu khối tài sản 29 tỷ USD), ông Oleg Tinkov, nhà sáng lập ngân hàng Tinkoff (2,7 tỷ USD), ông Vadim Moshkovich (2,1 tỷ USD), ông Zhang Keqiang (1,6 tỷ USD) và ông Taha Mikati (2,3 tỷ USD).
Chính phủ Cộng hòa Cyprus quyết định đình chỉ chương trình "hộ chiếu vàng" từ ngày 1/11. Ảnh: Reuters. |
Trước đó đầu tháng 9, Tổng thống Cyprus cho biết Chính phủ sẽ tiến hành điều tra và tước quyền công dân nếu cần thiết của 7 người vì vi phạm các điều khoản trong chương trình đầu tư lấy 'hộ chiếu vàng' của đảo quốc này.
Theo bà Laure Brillaud, chuyên gia chính sách chống rửa tiền tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết chương trình "hộ chiếu vàng" vẫn hợp pháp nhưng chính phủ Cyprus sẽ xem xét hủy bỏ tư cách quốc tịch đối với các trường hợp lợi dụng chương trình cho mục đích rửa tiền hoặc né luật.
Trong bản tin của Al Jazeera công bố hồi tháng 9 về 2.500 người mua hộ chiếu Cyprus trong giai đoạn 2017-2019, có hơn 1.000 người là tỷ phú Nga hoặc các nhân vật có ảnh hưởng đến chính trị. Bên cạnh đó, danh sách cũng liệt kê nhiều tội phạm kinh tế tìm cách tiếp cận châu Âu thông qua con đường hộ chiếu Cyprus.
Bà Brillaud cho biết có nhiều lý do giới siêu giàu lựa chọn đổi tiền để lấy thị thực Cyprus. Quyền công dân Cyprus cho phép công dân và gia đình của họ tự do sống, làm việc hoặc học tập tại 28 quốc gia thành viên châu Âu và quyền miễn thị thực không hạn chế đến hơn 173 quốc gia trên toàn thế giới.
"Tuy vậy, một số tỷ phú có tên trong hồ sơ là những người có liên quan chính trị ở quốc gia của họ. Những tỷ phú này không đáp ứng được quy định của chương trình "hộ chiếu vàng", bà cho biết.
Ngành kinh doanh lợi nhuận cao
Để có quốc tịch Cyprus theo chương trình "hộ chiếu vàng", các tỷ phú phải trả 2,5 triệu USD (2,2 triệu euro) thông qua các khoản đầu tư vào quốc gia này. Nắm trong tay hộ chiếu Cyprus giúp giới siêu giàu du lịch không cần thị thực trong phạm vi Liên minh châu Âu và đảm bảo quyền công dân cho họ tại khu vực này.
Thị thực Cyprus cho phép công dân tiếp cận 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu dễ dàng. Ảnh: Christian Lambiotte. |
Với việc Cyprus đình chỉ chương trình này vào tháng 11, trên thế giới sẽ còn hai quốc gia "bán" quyền công dân bằng các chương trình đầu tư là Malta và Bulgaria. Chương trình "hộ chiếu vàng" mang lại thu nhập lớn cho đảo quốc châu Âu này.
Theo báo cáo của nhóm giám sát Tổ chức Minh bạch thế giới năm 2018, chương trình đổi đầu tư lấy thị thực mang về cho Cộng hòa Cyprus khoảng 1,4 tỷ euro (1,7 tỷ USD) hàng năm, chiếm 7,5% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Theo một báo cáo trên tờ The Guardian, kế hoạch này đã mang về hơn 8 tỷ USD cho Cyprus kể từ năm 2013.
Mặc những rủi ro về luật pháp, "hộ chiếu vàng" vẫn là ngành kinh doanh hấp dẫn đối với các công ty châu Âu. Ông Luke Hexter, giám đốc điều hành Knightsbridge Capital Partners, cho biết chương trình Hộ chiếu châu Âu thúc đẩy tăng trưởng đến 70%/năm cho công ty. Nhu cầu sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai của giới siêu giàu toàn thế giới luôn có sẵn.
"Với những tỷ phú nắm vài tỷ USD trong tay, rất nhiều khách hàng có quốc tịch ở một quốc gia, sở hữu hộ chiếu tại một quốc gia khác nhưng cư trú ở một nơi thứ ba", ông cho biết.