Tướng Hans-Lothar Domrose nhận định Nga và Ukraine sẽ đàm phán ngừng bắn vào năm 2023 khi nhận ra cả 2 bên không thể đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc xung đột. Ảnh: dpa. |
"Trong năm 2023, có thể là trong mùa hè, cả Nga và Ukraine đều sẽ nhận ra rằng họ không thể đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc xung đột", tướng Hans-Lothar Domrose, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy lực lượng hỗn hợp của NATO trả lời hãng tin Funke của Đức.
Theo nhận định của ông Domrose, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 sẽ là thời điểm xảy ra tình trạng bế tắc trên chiến trường, Al Jazeera đưa tin.
"Đó sẽ là khoảng thời gian 2 bên bắt đầu đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn", ông Domrose, người từng giữ vai trò lãnh đạo cấp cao của lực lượng liên quân tại Afghanistan, cho biết.
Tuy nhiên, vị tướng người Đức này cũng cho biết một lệnh ngừng bắn chỉ mang tính chất tạm dừng xung đột. "Quá trình đàm phán hòa bình sau đó sẽ mất nhiều thời gian và cần có sự tham gia của các bên trung gian", ông Domrose dự báo.
Theo vị cựu sĩ quan cấp cao của NATO, một số nhân vật có thể đứng ra làm trung gian trong quá trình đàm phán bao gồm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Cả Nga và Ukraine đều có động thái sẵn sàng đàm phán hòa bình. Theo Guardian, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba hôm 26/12/2022 nói Ukraine đặt mục tiêu tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối tháng 2/2023, với phương án tốt nhất là lấy Liên Hợp Quốc làm địa điểm.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm 25/12/2022 cho biết Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine, nhưng nhận định Kyiv và các đồng minh không muốn tham gia vào quá trình này, Tass đưa tin.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.