Trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, ông Ban nói rằng Bắc Kinh phải khẩn cấp cân nhắc việc cắt giảm xuất khẩu dầu cho Triều Tiên, ít nhất là 1/2, để ép Bình Nhưỡng chuyển hướng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
"Xét theo tốc độ đáng kinh ngạc mà tình hình đang diễn biến trước mắt chúng ta, Trung Quốc phải cân nhắc một lệnh trừng phạt ít nhiều, chẳng hạn như 1/2 lượng dầu xuất khẩu, nếu chúng ta muốn Triều Tiên đổi giọng", cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói trước chuyến thăm Hong Kong 3 ngày.
Cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Ảnh: AFP. |
Quan điểm của ông Ban cũng tương tự lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 12/12, rằng lệnh trừng phạt của Trung Quốc là cách hữu hiệu nhất buộc Triều Tiên đàm phán.
Dù vậy, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng ý thức rằng một lệnh trừng phạt hoàn toàn là điều không thể với Trung Quốc. Bắc Kinh lo sợ rằng việc ép chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ kéo theo sự bất ổn và làn sóng người tị nạn tràn sang biên giới Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố rằng các nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên phải tuân thủ nguyên tắc "4 không": không thay đổi chế độ của Triều Tiên, không làm sụp đổ chế độ, không thúc ép việc thống nhất liên Triều và không có sự triển khai quân sự nào ở phía bắc vĩ tuyến 38, nơi chia cắt 2 miền Triều Tiên.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên. Trong ảnh, biểu đồ sản lượng xuất nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2015. Đồ họa: Statista. |
Dù không có số liệu công khai về việc nhập khẩu và sử dụng năng lượng của Triều Tiên, cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính rằng trong năm 2016, nước này nhập khẩu khoảng 6.000 thùng dầu/ngày từ Trung Quốc. Con số này chiếm 40% lượng dầu tiêu thụ mỗi ngày của Triều Tiên, khoảng 16.000 thùng.
South China Morning Post nhận định mức tiêu thụ này chỉ như "muối bỏ bể" so với lượng tiêu thụ 2,6 triệu thùng/ngày của Hàn Quốc.
Dầu thô được chuyển từ Trung Quốc đến Triều Tiên thông qua "Đường ống Dẫn dầu Hữu nghị Trung - Triều" vận hành từ năm 1975.