Hãng thông tấn AFP dẫn tuyên bố từ gia đình ông Giscard cho biết ông qua đời tại nhà riêng ngày 2/12 sau khi gặp các biến chứng liên quan tới Covid-19.
“Tình trạng sức khỏe của ông ấy ngày càng xấu và ông qua đời do hậu quả của Covid-19", gia đình cựu tổng thống Pháp cho biết trong tuyên bố. Tang lễ sẽ được tổ chức riêng tư theo nguyện vọng của ông, theo tuyên bố từ quỹ Foundation Valéry Giscard d’Estaing do vị cựu tổng thống sáng lập và lãnh đạo.
Cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing qua đời ở tuổi 94. Ảnh: Reuters. |
Ông Giscard - người giữ cương vị lãnh đạo của Pháp từ năm 1974 đến năm 1981 - gần đây nhập viện ở Tours do các vấn đề về hô hấp. Sau khi xuất viện, ông lại nhanh chóng phải trở lại bệnh viện vào giữa tháng 11, trước khi qua đời ở nhà ngày 2/12.
Lần gần nhất ông xuất hiện trước công chúng vào ngày 30/9/2019 trong lễ tang của cựu Tổng thống Jacques Chirac.
Ông Giscard được biết tới là tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp trong thế kỷ trước khi đắc cử ở tuổi 48. Vị lãnh đạo được ghi nhận là người có đóng góp lớn cho quá trình hiện đại hóa của xã hội Pháp trong thời kỳ nắm quyền của mình, với nhiều cải cách lớn như cho phép ly hôn đồng thuận, hợp pháp hóa phá thai và giảm độ tuổi được phép bỏ phiếu xuống 18 tuổi.
Ông cũng được ghi nhận là người khởi xướng các dự án quan trọng bao gồm mạng lưới tàu cao tốc TGV của Pháp.
Tuy nhiên, ông đã thất bại trong chiến dịch tái tranh cử, trước đối thủ François Mitterrand do hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 1970.
Ông Giscard từng dự sự kiện cùng Công nương Diana năm 1994. Ảnh: Reuters. |
Nói về những thành tựu của ông Giscard, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 2/12 khẳng định cố tổng thống đã “làm việc cả đời để củng cố quan hệ giữa các nước châu Âu".
Người đứng đầu của đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron tại Quốc hội Pháp, ông Christophe Castaner, nói rằng: “Các chính sách tiến bộ và hiện đại của cố tổng thống… sẽ ghi dấu ấn lâu dài cho di sản của ông”.
Ở châu Âu, ông Giscard đã thúc đẩy tiến trình hội nhập và cùng với cựu thủ tướng Đức Helmut Schmidt thiết lập Hệ thống Tiền tệ châu Âu (EMS) vào năm 1979, đặt tiền đề cho sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu trong hai thập kỷ sau đó.
Michel Barnier, trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), chia sẻ rằng những đóng góp của cố tổng thống đáng kính đã góp phần làm nên nước Pháp hiện đại.
Cũng từ sáng kiến của ông Giscard đã mở đường sự kiện gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo những quốc gia giàu nhất thế giới năm 1975, từ đó đặt nền móng cho các hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về sau.