Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu tổng thống Bolivia - từ niềm hy vọng thành nhà lãnh đạo lưu vong

Năm 2006, tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên thệ nhậm chức trước người dân, không tiếc lời hứa hẹn về những thay đổi mà chiến thắng áp đảo của ông sẽ mang đến.

Những năm đầu của thiên niên kỷ mang lại hy vọng về dân chủ và ổn định cho một khu vực nhiều bất ổn chính trị, nhiều nhà lãnh đạo tương tự ông Morales đắc cử trên khắp Nam Mỹ

Các lãnh đạo này hứa hẹn sẽ giảm bớt cách biệt giàu nghèo, phát triển xã hội theo hướng bao trùm hơn. Những kỳ vọng đó đã phần nào thành hiện thực cho hàng triệu người dân.

Gương mặt từng đại diện cho những thay đổi đó chính là Tổng thống Morales của Bolivia. Nhưng sau cuộc bầu cử vướng nhiều cáo buộc gian lận tháng 10, làn sóng biểu tình lan rộng. Bị quân đội từ chối ủng hộ, ông Morales phải vội vã trốn khỏi thủ đô, rồi lên máy bay sang Mexico tị nạn vào ngày 12/11.

Chuyến bay đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị mà trong nhiều năm từng được nhìn nhận là huy hoàng của ông Morales. Di sản của ông giờ đây sẽ bao gồm cả những ngày cuối hỗn loạn vì ông trở nên độc đoán, cố lách quy định để tại vị lâu hơn thời hạn, theo New York Times.

“Nếu dìu dắt một người kế vị và chấp nhận việc chuyển giao quyền lực, ông ấy có thể được coi là Nelson Mandela của Nam Mỹ”, Mark Goodale, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, nói với New York Times.

“Ông ta sẽ không chỉ là một lãnh đạo được khen ngợi ở Bolivia, mà còn là một trong những lãnh đạo vĩ đại ở Nam Mỹ”, ông Goodale nói.

tong thong Bolivia Evo Morales tu chuc anh 1
Một sự kiện vận động tranh cử của ứng viên Evo Morales vào năm 2005. Ảnh: AFP.

Đắc cử vang dội

Những diễn biến dồn dập những ngày qua ở thủ đô La Paz của Bolivia phơi bày sự chia rẽ sâu sắc về ý thức hệ ở Bolivia và trong khu vực.

Chẳng hạn, chính phủ Mexico và tổng thống sắp nhậm chức của Argentina, Alberto Fernandéz, đều lên án diễn biến ở Bolivia là đảo chính.

Các lãnh đạo khác, bao gồm lãnh đạo cực hữu Jair Bolsonaro của Brazil, lại coi đây là thành công của phản kháng ôn hòa đối với một nhà độc tài.

Ông Morales chiến thắng vang dội tại hòm phiếu năm 2005, sau đó đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với bộ máy chính quyền. Trong nhiệm kỳ đầu, ông điều hành việc viết ra hiến pháp mới nhằm xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp, đàn áp đối với người bản xứ vốn chiếm số đông ở nước này.

Vị tổng thống thường không ngại phát ngôn mạnh mẽ, đặc biệt là với Mỹ, nước mà ông coi là đầy âm mưu, một kẻ đô hộ luôn muốn ảnh hưởng lên Nam Mỹ. Ông Morales, từng là lãnh đạo công đoàn trồng lá coca và vì vậy từng va chạm với đặc vụ chống ma túy của Mỹ, rất tự hào vì đã đuổi Cơ quan Chống ma túy Mỹ (DEA) khỏi Bolivia vào năm 2009.

tong thong Bolivia Evo Morales tu chuc anh 2
Ông Morales (giữa, áo trắng), từng là lãnh đạo nghiệp đoàn trồng lá coca, vận động tranh cử năm 2005. Ảnh: Getty Images.

Nhưng trong việc điều hành kinh tế, ông là người thực tế. Thay vì quốc hữu hóa hàng loạt, ông Morales tìm cách đàm phán có lợi hơn cho nước mình và theo đuổi các chính sách tạo điều kiện hơn cho thị trường.

Kết quả, lạm phát được kiềm chế và dự trữ ngoại hối dồi dào. Chính phủ chi hàng tỷ USD trong nhiều năm vào trợ cấp và hạ tầng, mở rộng hệ thống y tế và giáo dục, theo New York Times.

“Mức sống cho hàng triệu người đã được cải thiện đáng kể”, Calla Hummel, nhà khoa học chính trị ở Đại học Miami đã nghiên cứu nhiều năm về Bolivia, nói với New York Times. “Mọi người có thể học cao hơn, xây nhà, mua nhà, mua xe, làm những việc mà trước năm 2006 là không thể”.

Thâu tóm quyền lực, xu hướng độc tài

Trong nhiều năm, ông Morales củng cố quyền lực bằng cách đi khắp đất nước để tiếp xúc với lãnh đạo công đoàn, doanh nghiệp, và thủ lĩnh các phong trào. Ông là bậc thầy về việc thu phục sự ủng hộ từ cơ sở, bằng cách cấp ngân sách cho những khu vực quan trọng, cũng như biết đường đi nước bước trong cuộc chơi chính trị.

Những kỹ năng đó chính là cách ông Morales đi lên trong thế giới trồng lá coca vốn cạnh tranh cắt cổ.

“Đó là kiểu cạnh tranh kinh điển kiểu Machiavelli”, ông Goodale nói. “Nhiều mưu mẹo làm lợi cho mình, đâm sau lưng người khác khi cần thiết”. (Machiavelli là tác giả cuốn sách nổi tiếng về thâu tóm quyền lực).

Trong khi các lãnh đạo tương tự ông đã rời quyền lực, và nhiều người ra đi đầy bê bối, ông Morales không chấp nhận chuyện đó. Ông coi thường giới hạn hai nhiệm kỳ trong hiến pháp.

tong thong Bolivia Evo Morales tu chuc anh 3
Vào tháng 10, cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay trong cuộc đụng độ giữa những người phản đối và ủng hộ ông Morales. Ảnh: AFP.

Khuynh hướng độc tài của ông Morales không quá ngạc nhiên đối với những người đã theo dõi ông. Từ năm 2009, ông đã cho thấy rõ mình sẽ không rời ghế tổng thống. Ông tin rằng mình phải đích thân cầm cương đối với những thay đổi ông tạo ra.

Ông thường xuyên mời phóng viên nước ngoài muốn phỏng vấn mình đi theo ông cả ngày, để chứng kiến ông tập gym và thể hiện sức mạnh cơ bắp. Chính phủ Bolivia biến ông Morales thành một thương hiệu. Hình ảnh ông có ở nhiều nơi, trên tường của nhà ở xã hội, biển quảng cáo ở sân bay, trên xe điện.

Dấu chấm hết sự nghiệp 

Năm 2016, ông Morales vận động một cuộc trưng cầu dân ý nhằm loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Nhưng ông thất bại cuộc trưng cầu này, dấu hiệu đầu tiên cho thấy người Bolivia đã bất bình với xu hướng độc tài của ông.

Một lý do khiến ông thất bại tại hòm phiếu là bê bối tham nhũng bị phanh phui chỉ vài ngày trước cuộc trưng cầu. Bạn gái cũ của tổng thống đã lợi dụng mối quan hệ để giúp một công ty Trung Quốc kiếm nhiều hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.

Nhưng sau khi vụ việc vỡ lở, chỉ người bạn gái cũ đó bị truy tố, mà không ai khác trong chính phủ chịu tội thông đồng - dấu hiệu thể hiện cho sự thiếu minh bạch của hệ thống tư pháp dưới thời ông Morales.

tong thong Bolivia Evo Morales tu chuc anh 4
Cảnh sát dùng hơi cay chống lại người ủng hộ Tổng thống Evo Morales ở thủ đô La Paz, Bolivia ngày 11/11. Ảnh: AP.

Ông Morales tuyên bố sẽ tôn trọng nguyện vọng cử tri, và rời nhiệm sở. Nhưng một năm sau, ông lại tìm được cái cớ khác. Tòa án Hiến pháp, vốn bao gồm những người trung thành với tổng thống, ra phán quyết khó tin: giới hạn nhiệm kỳ đã vi phạm nhân quyền.

Phán quyết đó làm người Bolivia nổi giận. Dù ông đắc cử ngày 20/10 một cách sát nút, biểu tình và bạo động vẫn nổ ra, sau khi ngày càng có nhiều cáo buộc gian lận bầu cử.

Không còn bảo vệ được tính chính danh của mình, ông Morales tuyên bố một cuộc bầu cử mới. Nhưng đã quá muộn, cảnh sát công khai chống lại ông, sau đó đến lượt quân đội yêu cầu ông từ chức.

Bà Hummel, từ Đại học Miami, nói các diễn biến không hẳn là một cuộc đảo chính, vì quân đội không muốn tiếp quản đất nước. “Chúng tôi đang thấy người dân đổ ra đường và đòi hỏi một chính quyền vận hành tốt hơn”, bà nói với New York Times.

Bolivia đang ở ngã ba đường một cách bấp bênh sau 14 năm ổn định về kinh tế và chính trị.

“Tôi nghĩ đây là khoảng trống quyền lực rất nguy hiểm”, bà Hummel nói. “Làm sao để Bolivia bước tiếp, bỏ lại phía sau thời kỳ Morales vốn khá ổn định. Tiếp theo sẽ là gì đây?”

tong thong Bolivia Evo Morales tu chuc anh 5
Ông Morales tuyên bố từ chức trong một cuộc họp báo. Ảnh: AP.

TT 14 năm của Bolivia lên máy bay Không lực Mexico sau khi từ chức

Ngày 11/11, thủ đô La Paz của Bolivia yên lặng hiếm hoi sau nhiều tuần biểu tình. Tổng thống Evo Morales đã phải ra đi, sau khi quân đội và cảnh sát không còn đứng về phía ông.

Tổng thống Bolivia từ chức sau khi quân đội 'quay lưng'

Sau khi mất đi sự ủng hộ của lực lượng cảnh sát và quân đội, ông Evo Morales quyết định từ chức sau gần 14 năm làm tổng thống Bolivia.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm