Theo Guardian, trong buổi họp báo được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Morales cho biết mình sẽ rời nhiệm sở "vì lợi ích của đất nước", nhưng cũng chỉ trích phe đối lập, cáo buộc họ lên kế hoạch đảo chính: "Những thế lực đen tối đã hủy hoại dân chủ".
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico, ông Marcelo Ebrard, tuyên bố trên Twitter rằng Mexico sẽ cung cấp nơi tị nạn chính trị cho ông Morales, "phù hợp với truyền thống tị nạn và không can thiệp" của quốc gia này. Ông Ebrard cũng nói thêm rằng đã có 20 thành viên trong chính phủ của ông Morales đang tạm trú ở Đại sứ quán Mexico ở La Paz.
Tuyên bố từ chức của ông Morales được đưa ra ngay sau khi tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Bolivia, ông Williams Kaliman, kêu gọi tổng thống từ chức để "đảm bảo sự ổn định" của đất nước.
Ông Morales tuyên bố từ chức trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp. Ảnh: AFP. |
Tại thủ đô La Paz, nhiều người đổ ra đường với lá cờ Bolivia. Phó tổng thống Alvaro Garcia Linera cũng đã từ chức.
Trước đó hôm 10/11, ông Morales cho biết sẽ tổ chức lại cuộc bầu cử gây tranh cãi, sau khi tổ chức Các Quốc gia châu Mỹ (OAS) cho rằng có những bất thường nghiêm trọng diễn ra trong cuộc bỏ phiếu hôm 20/10, mà kết quả của nó mang lại cho ông Morales thêm một nhiệm kỳ nữa.
Một báo cáo sơ bộ dựa trên cuộc điều tra của OAS về phiếu bầu cho thấy đã có "những sự thao túng rõ ràng" với hệ thống bầu cử và OAS không thể xác nhận chiến thắng ở vòng đầu tiên cho ông Morales.
Ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử, bắt đầu từ ngày 20/10, và 300 người khác đã bị thương trong những cuộc đụng độ giữa người ủng hộ ông Morales và người phản đối chính phủ.
Lực lượng cảnh sát ở thủ đô La Paz quyêt định đứng về phía người biểu tình và phản đối ông Morales. Quân đội cũng tuyên bố hiến pháp không cho phép họ đụng độ với người dân.