Sau khi CLB K.Kiên Giang giải thể, hàng loạt các cầu thủ đã đến tận nhà ông Trương Thanh Hồng – GĐĐH của CLB để đòi nợ và yêu cầu ký giấy thanh lý hợp đồng để họ tìm kiếm CLB khác thi đấu. Không có tiền, ông Hồng cũng phải ký giấy nợ và giấy thanh lý hợp đồng cho các cầu thủ.
Tuy nhiên, các HLV của CLB này lại bị bỏ quên khi họ không muốn lên tiếng trước dư luận vì không muốn làm khó CLB. Đến thời điềm này, dù vẫn còn hợp đồng với Công ty CP bóng đá Kiên Giang nhưng các thành viên trong BHL vẫn chưa nhận được thông báo để thanh lý hợp đồng. Các khoản lương, thưởng vì thế chẳng được nhắc đến.
HLV phó của CLB Kiên Giang – Nguyễn Công Long là một người rơi vào tình cảnh như thế. Ông Long nói: “Có mấy lần gọi cho ông Hồng nhưng không được, lại biết đội bóng khó khăn, nên tôi không muốn làm khó. Tôi cứ chờ đợi vậy thôi xem chừng nào họ thông báo, nhưng đến giờ cũng chẳng thấy động tĩnh gì cả”.
HLV phó của CLB Kiên Giang – Nguyễn Công Long (phải). |
Không nhận được tiền lương, thưởng từ CLB kể từ tháng 6, sau khi V.League kết thúc, ông Long còn rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Cả gia đình 4 miệng ăn đều trông cậy vào HLV này: “Tôi giờ đã nhiều tuổi mà cả đời cũng chỉ biết mỗi bóng đá, giờ nghĩ chẳng biết làm gì. Mấy anh em thấy tôi nhàn rỗi có giới thiệu đến huấn luyện cho các cháu nhỏ ở trung tâm Tao Đàn (quận 1), nhưng 1 tuần làm chỉ 1 buổi. Thu nhập 1 tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, chỉ đủ tiền xăng, xe chứ sao sống nổi…”, cựu vua phá lưới Việt Nam bộc bạch.
Phóng viên bất ngờ khi tình cờ đọc được mẩu tin rao bán nhà trên mạng với địa chỉ là nhà của ông Long. Gọi hỏi thì được ông Long xác nhận là buộc phải bán nhà để tìm đường mưu sinh. Ông chia sẻ: “Hai vợ chồng dành dụm mãi mới mua được căn nhà vào năm ngoái, bây giờ túng quá phải bán để lấy tiền thuê một cửa hàng buôn bán, nuôi con học, chứ giờ chẳng còn cách nào khác. Bán rồi chẳng biết đến bao giờ mới có thể mua lại được để ở”.
Ông Long từng là vua phá lưới ở giải VĐQG mùa 1993/94 trong màu áo CLB Bình Định, đang giữ kỷ lục đạt hiệu suất ghi bàn cao nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhưng đấy là thời mà các cầu thủ bóng đá chơi bóng vì đam mê chứ không thể kiếm tiền để làm giàu. Thời ấy, cả gia đình ông sống nhờ công việc bán nước trước SVĐ Quy Nhơn của vợ và mãi đến những năm 2000, vợ chồng ông mới có được chiếc xe máy để đi lại.
Căn nhà của ông Long hiện tại ở TP.HCM cũng chỉ mới được mua cách đây 1 năm khi ông chuyển nhà từ Bình Định vào TP.HCM sống để tiện cho công việc cũng như việc học của con. Thế nên, khi nghe tin ông phải bán đi căn nhà mà cả gia đình đã tích cóp cả chục năm trời để có tiền quay trở lại với nghề bán nước của vợ nhằm mưu sinh, không ít bạn bè, đồng nghiệp phải đắng lòng.
HLV Nguyễn Công Long từng là một tiền đạo nổi tiếng của bóng đá Bình Định, giành danh hiệu vua phá lưới mùa 1993/94. Ông là vua phá lưới với hiệu suất ghi bàn cao nhất (1,2 bàn/trận).
Sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ, ông Long chuyển sang công tác huấn luyện ở Bình Định và sau đó có thời gian ngắn làm ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF trước khi làm HLV phó cho CLB K.Kiên Giang. Hiện hợp đồng giữa ông và Công ty CP bóng đá Kiên Giang vẫn còn 2 năm. Ông chưa nhận được thông báo thanh lý hợp đồng cũng như tiền lương kể từ tháng 6 đến nay.