Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu thủ tướng Na Uy sốc vì bị tạm giữ tại sân bay Mỹ

Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik tuyên bố ông cảm thấy sốc vì bị tạm giữ và bị thẩm vấn tại sân bay quốc tế Mỹ vì từng tới thăm Iran 3 năm trước.

“Tôi rất ngạc nhiên và tôi đã nổi giận. Danh tiếng của nước Mỹ là gì nếu điều này xảy ra với không chỉ tôi mà còn các lãnh đạo quốc tế khác”, hãng tin ABC dẫn lời ông Bondevik bực bội nói hôm 3/2. 

Cựu thủ tướng Na Uy khẳng định ông hiểu nỗi lo sợ về việc để các phần tử khủng bố xâm nhập vào Mỹ, nhưng ông cho rằng mình không nên bị đối xử như vậy khi đã mang hộ chiếu ngoại giao đồng thời còn là một cựu thủ tướng.

"Lẽ ra họ nên hiểu rằng tôi không đại diện cho bất cứ rắc rối hay mối đe dọa nào đối với đất nước này và để tôi đi ngay lập tức, nhưng họ lại không làm vậy", ông Bondevik nhấn mạnh.

Cuu thu tuong Na Uy soc vi bi giu tai san bay My anh 1
Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik. Ảnh: presstv.ir.

 

Theo báo Washington Post ông Kjell Magne Bondevik, từng là thủ tướng Na Uy giai đoạn 1997 - 2000 và 2001 - 2005, bay tới Mỹ từ châu Âu vào chiều ngày 31/1 để tham dự một sự kiện.

Tuy nhiên, tại sân bay quốc tế Dulles ở thủ đô Washington, ông bị tạm giữ khoảng một giờ sau khi các nhân viên hải quan kiểm tra hộ chiếu ngoại giao của ông và phát hiện ông từng tới Iran năm 2014. Theo ông Bondevik, hộ chiếu cũng cho thấy rõ ông là cựu thủ tướng Na Uy.

Ông Bondevik hiện là chủ tịch Trung tâm Oslo, một tổ chức nhân quyền. Ông kể mình đã bị tạm giữ trong cùng một phòng với các hành khách tới từ Trung Đông và châu Phi.

Đây là những người phải trải qua các "biện pháp kiểm tra bổ sung". Ông được yêu cầu chờ đợi trong 40 phút, sau đó bị thẩm vấn trong 20 phút về chuyến đi tới Iran, nơi ông phát biểu tại một hội nghị về nhân quyền.

Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh di trú gây tranh cãi, tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Sắc lệnh trên gây hỗn loạn tại các sân bay trên khắp nước Mỹ, làm bùng phát các cuộc biểu tình và làn sóng chỉ trích khắp thế giới. Nhiều người đang trên đường tới Mỹ khi sắc lệnh được ký, bao gồm cả những người có thẻ xanh, đã bị bắt giữ tại sân bay hoặc bị từ chối lên các chuyến bay tới nước này.

Theo ông Bondevik, giới chức sân bay Dulles nói với ông rằng ông bị tạm giữ vì một đạo luật năm 2015 do cựu Tổng thống Barack Obama ký, trong đó giới hạn những người tới từ 7 quốc gia trên hoặc người ở nước khác từng tới thăm 7 quốc gia đó.

Tuy nhiên, cựu thủ tướng Na Uy cho biết ông không gặp vấn đề gì khi tới Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Obama. Phát ngôn viên của cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ cho biết theo luật pháp, cơ quan này bị pháp luật cấm bình luận về thông tin trên.

Hashtag tuần qua: Ngày Tết của Tổng thống Trump Trong khi các nước châu Á rộn rã với kỳ nghỉ Tết âm lịch hơn một tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump bận rộn ban hành các sắc lệnh hành pháp gây chấn động.

Dân tị nạn khổ sở vì Trump nổi giận với Australia

Thông tin Trump tức giận cúp máy khi nghe thủ tướng Australia hỏi về việc tiếp nhận người tị nạn khiến họ càng thêm tuyệt vọng sau nhiều năm chờ đợi được tới Mỹ.

Cố vấn 31 tuổi đứng sau lệnh cấm nhập cư của Trump

Ở tuổi 31, Stephen Miller trở thành nhân vật quyền lực ở Nhà Trắng, thúc đẩy những quyết định cứng rắn và bất ngờ của Tổng thống Donald Trump.

Ngụy An

Bạn có thể quan tâm