Behrouz Boochani, người tị nạn Iran đồng thời là một nhà báo trên đảo Manus, Papua New Guinea, đã lường trước về phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong không khí hỗn loạn bao trùm sáng 2/2 về thỏa thuận tị nạn của Australia và Mỹ, anh viết lên Twitter: “Tôi không hiểu tại sao chính phủ Australia cứ đeo đuổi thỏa thuận tị nạn với Mỹ. Trump sẽ làm mọi người bẽ mặt, rồi mọi người sẽ thấy”.
Vài giờ sau, tổng thống Mỹ đã làm đúng như vậy. Ông viết lên Twitter rằng cho dù ông có đồng ý vì danh dự, đó vẫn là một thỏa thuận “ngu xuẩn”. Ông cũng gọi những người trên đảo Manus và Nauru là “dân nhập cư bất hợp pháp”.
Hoang mang và tuyệt vọng
Đối với những người tị nạn mắc kẹt tại các trung tâm ngoài khơi Australia, quan hệ giữa Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull không chỉ là vấn đề ngoại giao hay chính trị. Đó là tương lai của họ, cuộc sống của họ.
“Chúng tôi có cảm giác như bị ai đó đâm vào giữa ngực khi nghe thấy những tin tức mỗi lúc một khác”, Imran Mohammed, một người tị nạn Rohingya trên đảo Manus, nói. “Chúng tôi không trông đợi gì và cũng không dám mong ước gì”.
Behrouz Boochani , người tị nạn Iran sống trên đảo Manus, Papua New Guinea. Ảnh: Twitter. |
Theo WA Today, Mohammed là một trong số 871 người ở Papua New Guinea đang chờ được tái định cư. Ông hy vọng thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn đạt được với Mỹ sẽ chấm dứt 3 năm sống trên đảo của mình.
Hy vọng này ngày càng tiêu tan khi thỏa thuận đạt được với Barrack Obama không được chính quyền Trump tiếp quản.
Báo chí đưa tin Tổng thống Trump đã tức giận trách móc ông Turnbull về “thỏa thuận tồi tệ chưa từng thấy” và thẳng thừng tuyên bố “Tôi không muốn nhận những người này”. Điều này khiến những người tị nạn đang tìm kiếm chốn nương thân càng trở nên tuyệt vọng.
“Điều đó khiến tôi cảm thấy chúng tôi không được chào đón ở đất nước của ông ấy”, Mohammed nói. “Thật khó khăn khi nghe những điều như là người tị nạn là đối tượng cần ‘kiểm soát gắt gao’. Không còn nhiều hy vọng trong tình cảnh này nữa. Nhiều người trong chúng tôi đã mất niềm tin vào cuộc sống”.
Người ta nhận được những thông điệp mâu thuẫn từ Nhà Trắng về việc liệu ông Trump có thực hiện thỏa thuận này hay không. Đỉnh điểm là dòng tweet mà Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ “nghiên cứu” về cái mà ông gọi là “thỏa thuận ngu xuẩn” dưới thời Obama.
Đối với 2.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em kẹt giữa cuộc tranh luận khác thường này của các nhà lãnh đạo, mỗi khi tình hình thay đổi là một đòn giáng mạnh vào hy vọng mong manh của họ.
Ngoài Mỹ, họ có thể sẽ không còn lựa chọn nào khác. Chính quyền Turnbull sẽ không cho phép họ tới Australia. Mặc dù họ nói rằng thỏa thuận tái định cư với các quốc gia khác đang được thảo luận, hiện vẫn chưa có bất cứ đề nghị nào được đưa ra.
“Mọi người đang rất lo lắng. Chúng tôi vẫn còn nhiều thắc mắc về thỏa thuận này và hầu hết không tin vào những câu trả lời mà họ nhận được”, Boochani nói. “Mọi người đang theo dõi tin tức sát sao nhưng ngày qua ngày họ lại càng thêm lo lắng. Hầu hết đều mong muốn tới được Mỹ nhưng mỗi ngày chúng tôi lại nghe được những tin tức khác nhau”.
Không biết tin ai
Boochani cho biết bài tường thuật về cuộc gọi Trump – Turnbull của Washington Post đã nhanh chóng lan truyền trên đảo Manus hôm 2/2. Ông đã luôn luôn hoài nghi về thỏa thuận này và giờ ông nhận thấy sự nghi ngờ của mình là có cơ sở.
“Thực sự khó để tin tưởng Trump hay Turnbull”, Boochani nói với Fairfax Media. “Trump có vấn đề về ý thức hệ đối với thỏa thuận này. Nếu chấp nhận người tị nạn thì ông ấy không còn là Trump nữa. Ông ấy sẽ tự làm mình tổn thương nếu tiếp nhận họ.
Tôi không nghĩ thỏa thuận này sẽ được thực hiện, nếu có thì quá trình đó sẽ mất nhiều thời gian và chỉ áp dụng với một số ít người. Thực sự vô lý khi cứ đeo đuổi thỏa thuận này với Donald Trump, người luôn phản đối người tị nạn.
Rõ ràng chiến thuật chính của họ đối với các đảo này là kéo dài thời gian và giữ mọi người trong điều kiện ngặt nghèo này nhiều năm để rồi áp lực đó sẽ khiến họ trở về đất nước nơi họ xuất phát. Đây không chỉ là suy nghĩ của tôi mà còn bắt nguồn từ trải nghiệm của tôi khi ở trên đảo này”, Boochani nói.
Nam giới cạo râu, đánh răng, chuẩn bị cho một ngày mới ở trại tị nạn trên đảo Nauru, ngoài khơi Australia. Ảnh: AP. |
Ít nhất một quan chức Mỹ đã đến thăm đảo Manus và Nauru cùng đội ngũ nhân viên của chính phủ Australia để khởi động công việc. Người tị nạn được thông báo rằng quá trình này có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng và các cuộc phỏng vấn sẽ do Trung tâm Hỗ trợ Tái định cư Đông Á của Mỹ tiến hành.
Ông Mohammed không bỏ cuộc bất chấp những triển vọng về tương lai của ông đang ngày càng ảm đạm. “Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tôn trọng thỏa thuận này và chúng tôi sẽ được trao cơ hội để làm việc vì đất nước của ông ấy và thực sự yêu mến những con người ở đó”, ông viết cho Fairfax Media.
“Chúng tôi đã luôn quan tâm tới thỏa thuận này và giờ vẫn vậy. Người ta từng nói với chúng tôi rất nhiều điều nhưng rồi chúng tôi vẫn bị kẹt lại phía sau bởi chính những rào cản ấy mà không có một tầm nhìn rõ rệt nào về tương lai.
Giờ chúng tôi không thể cười hay tìm kiếm bất cứ niềm vui nào trong cuộc sống. Dù đang sống, chúng tôi cảm thấy như đã chết ở trong lòng”, ông viết.