Khi Hanad Abdi Mohammad sợ sệt đặt tay lên bánh lái của một chiếc thuyền buôn lậu đang chìm ngoài khơi đảo Aegean, Hy Lạp vào tháng 12/2020, anh đã quyết tâm phải cứu được bản thân và 33 người khác trên tàu.
Sáu tháng sau, Mohammad, 28 tuổi, đến từ Somalia, đang ở trong một nhà tù trên đảo Chios của Hy Lạp sau khi nhận bản án 142 năm vì tội buôn lậu người.
"Tôi vẫn còn gặp ác mộng về đêm đó", Mohammad nói trong các bình luận được chuyển tiếp bởi các luật sư của anh từ nhà tù, mô tả chuyến vượt biên định mệnh từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Bản án mà Mohammad phải nhận còn nặng hơn cái chết của 2 người phụ nữ trong cuộc vượt biên ấy.
Nhưng anh nói mình không hối tiếc. "Nếu tôi không làm điều đó, tất cả chúng tôi đã chết".
Người di cư đổ bộ vào bờ biển của đảo Lesbos, Hy Lạp vào năm ngoái. Ảnh: New York Times. |
Từ người hùng hóa phạm nhân
Theo tờ New York Times, một bản sao của phán quyết từ tòa án hình sự Lesbos ngày 13/5 cho thấy Mohammad đã bị kết án tổng cộng 142 năm 10 ngày tù vì tội buôn lậu người di cư không có giấy tờ vào Hy Lạp.
Tuy nhiên, theo luật sư của Mohammad, 8 người di cư trên thuyền nói rằng thuyền trưởng - kẻ buôn lậu người Thổ Nhĩ Kỳ - đã bỏ rơi con thuyền giữa hải trình và Mohammad là người đã cố gắng lèo lái nó.
Mohammad là một trong số những người tị nạn phải nhận các án tù dài hạn vì tội buôn người hoặc tạo điều kiện cho người nhập cảnh bất hợp pháp, bất chấp các phản bác rằng họ chỉ tìm kiếm sự an toàn, theo các nhóm nhân quyền.
Các nhóm này đã xác định được hàng chục trường hợp như vậy trong vài năm qua.
Theo các chuyên gia pháp lý và các nhóm nhân quyền, việc đưa người di cư ra xét xử vì tội buôn lậu bắt đầu từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016, khi hơn một triệu người tị nạn tràn qua Hy Lạp, khiến nước này rơi vào quá tải.
Hàng trăm người di cư tụ tập tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp năm 2020. Ảnh: New York Times. |
Những bản án khó tin
Trong cùng nhà tù với Mohammad là 2 người đàn ông Afghanistan, 24 và 26 tuổi, cả 2 đều nhận án tù 50 năm vì tạo điều kiện cho người nhập cảnh trái phép vào Hy Lạp trong các chuyến đi biển vào mùa thu năm ngoái.
Theo các luật sư bào chữa cho Mohammad và những người khác, trong 2 năm qua, những kẻ buôn lậu ngày càng hạn chế thời gian đi tàu, chúng bỏ rơi tàu hoặc chỉ người di cư cách điều khiển tàu khi đến gần vùng biển Hy Lạp.
Khi tàu thuyền đến bờ biển Hy Lạp, một người di cư thường bị các quan chức chọn ra để kết tội.
Nhưng quyết định thường được đưa ra mà không có bằng chứng xác thực. Một người di cư Afghanistan thậm chí đã phải đối mặt với cáo buộc buôn lậu chỉ vì bật chế độ định vị GPS trên điện thoại.
Clio Papapadoleon, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, cho rằng không có nỗ lực nào được thực hiện để truy tìm những kẻ buôn người thực sự.
“Không có trường hợp nào trong số những trường hợp này được cảnh sát và cơ quan tư pháp điều tra để truy tìm những kẻ buôn lậu”, cô nói.
"Những người bị bắt không bao giờ được hỏi ai đã giao cho bạn chiếc thuyền, ai đã bỏ rơi bạn trên biển?"
Tuy nhiên, Papapadoleon cũng thừa nhận rằng những người di cư đôi khi có thể đồng ý cầm lái để đổi lại một khoản tiền nhỏ, hoặc để không phải trả tiền cho chuyến đi, vì những kẻ buôn lậu thường lợi dụng tình hình tài chính tuyệt vọng của họ.
Một trại tị nạn trên đảo Chios năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Không rõ có bao nhiêu trong số hàng trăm người di cư có thể đã bị kết án oan. Theo một báo cáo được công bố bởi một tổ chức từ thiện của Đức tháng 11 năm ngoái, riêng ở Chios và Lesbos đã có ít nhất 48 trường hợp người di cư bị kết tội trong khi “không thu lợi theo bất kì cách nào từ đường dây buôn lậu”.
Theo Valeria Hänsel, một trong những tác giả của bản báo cáo, con số đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì hầu hết vụ bắt giữ đều diễn ra trên thuyền, nên rất khó để theo dõi.
Ioannis Ioannidis, Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Hellenic cho biết: “Các bản án cao một cách khó tin là một phương thức đe dọa. Họ muốn nhắn nhủ với người tị nạn rằng: “Bạn sẽ phải đối mặt với hàng nghìn khó khăn và rủi ro để đến được đây và nếu bạn đến được đây, cuộc sống của bạn sẽ là địa ngục”.
Chiến lược lớn
Về phần mình, Hy Lạp khẳng định rằng tòa án nước này công bằng và họ có nghĩa vụ bảo vệ biên giới của mình.
“Ở Hy Lạp cũng như Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới phương Tây, công lý mạnh mẽ và độc lập, xét xử dựa trên các dữ kiện được trình bày trong các phiên điều trần”, Bộ trưởng Di trú Notis Mitarachi tuyên bố khi được yêu cầu bình luận về các bản án.
Ông nói thêm: “Hy Lạp sẽ tiếp tục bảo vệ biên giới trên bộ và trên biển theo, cũng là biên giới của châu Âu, tôn trọng luật pháp quốc tế và châu Âu”.
Cảnh sát Hy Lạp cũng tuyên bố rằng mọi trường hợp bị nghi ngờ đều được điều tra công bằng dưới sự giám sát của công tố viên, và tất cả các hành vi phạm tội đều bị truy tố theo luật pháp Hy Lạp.
Hàng trăm người di cư tụ tập tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp năm 2020. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên theo ông Alexandros Konstantinou, thành viên Hội đồng Người tị nạn Hy Lạp, việc kết tội người tị nạn là những kẻ buôn lậu là một phần của chiến lược lớn nhằm ngăn chặn người nhập cư.
Các biện pháp khác bao gồm hình sự hóa việc nhập cảnh bất hợp pháp từ năm 2020, áp dụng cho những người di cư tại biên giới đất liền Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định gần đây của Hy Lạp khi gọi tên Thổ Nhĩ Kỳ là nơi an toàn dành cho người xin tị nạn. Động thái này nhằm gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại những người di cư đang ở Hy Lạp và khiến những người di cư khó xin tị nạn ở Hy Lạp hơn.