Theo AFP, cựu sĩ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ Ron Rockwell Hansen sẽ lãnh án tù 15 năm sau khi nhận tội tìm cách bán thông tin mật cho Trung Quốc hôm 15/3.
Hansen từng có thời gian làm việc trong cơ sở của Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ (DIA) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Người này có nhiều năm kinh nghiệm về châu Á, có thể nói tốt tiếng Quan Thoại và tiếng Nga.
Cựu sĩ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ Ron Rockwell Hansen. Ảnh: UPR. |
Cơ quan điều tra cho biết Hansen rơi vào khó khăn tài chính trong giai đoạn 2013 đến 2016. Người này đã nhận tổng cộng hơn 800.000 USD từ cơ quan tình báo Trung Quốc, đổi lại việc bàn giao nhiều bí mật của Mỹ.
Cũng trong thời gian này, nhân viên của DIA thường xuyên có các cuộc gặp mặt với các điệp viên Trung Quốc mà không báo cáo lại với cấp trên. Người này cũng sử dụng các điện thoại do Trung Quốc cung cấp và truy cập vào các thông tin mật mà đáng lý không có lý do để tiếp cận.
Năm 2016, Hansen tìm cách chiêu mộ một đồng nghiệp tại DIA để cùng phối hợp cộng tác. Người này sau đó đã báo cáo lại cấp trên, từ đó giúp Bộ Quốc phòng Mỹ làm rõ mối liên hệ giữa Hansen và Bắc Kinh.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cựu sĩ quan tình báo Hansen bị bắt tháng 6/2018 khi đang chuẩn bị lên chuyến bay tới Trung Quốc, mang theo nhiều tài liệu mật. Một thỏa thuận giữa Hansen và cơ quan công tố Mỹ đã đạt được, người này nhận án 15 năm tù đổi lấy việc phối hợp điều tra với nhà chức trách.
Cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee bị kết án năm 2018. Ảnh: SCMP. |
Cơ quan tình báo Mỹ hiện đau đầu đối phó với làn sóng tấn công gián điệp của Trung Quốc, nhiều vụ trong số đó đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống tình báo của Washington.
Tháng 1/2018, cựu nhân viên tình báo của CIA Jerry Chun Shing Lee bị bắt với cáo buộc bán thông tin mật cho Trung Quốc. Thông tin mà nhân vật này cung cấp được cho là giúp Bắc Kinh bóc gỡ một mạng lưới tình báo của CIA tại Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2012.
Trước đó, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ Kevin Mallory bị bắt giữ năm 2017 vì làm gián điệp cho Trung Quốc. Một nhân viên ngoại giao khác của Mỹ là Candace Marie Claiborne cũng bị bắt vì nhận tiền của gián điệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Claiborne chưa bị cáo buộc trực tiếp bán thông tin cho Bắc Kinh.