New York Times đưa tin ông Jerry Chun Shing Lee, cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hiện sống tại Hong Kong, đã bị bắt hôm 15/1 tại sân bay JFK ở New York.
Lee bị tình nghi giúp Bắc Kinh triệt phá hoạt động tình báo và trừ khử các đầu mối thông tin của CIA tại Trung Quốc. Sự sụp đổ của mạng lưới gián điệp với hơn 10 người bị bắt và sát hại là một trong những thất bại lớn nhất về tình báo của chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Hình ảnh hiếm hoi của Jerry Chun Shing Lee thời làm cho nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong. Ảnh: The Value. |
Dụ rắn ra khỏi hang
Theo New York Times, CIA phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) tiến hành chiến dịch truy tìm nội gián vào năm 2012, 2 năm sau khi hàng loạt đầu mối tình báo quan trọng ở Trung Quốc bị tiêu diệt. Jerry Chun Shing Lee, cựu điệp viên CIA, trở thành nghi can chính.
Lee rời khỏi CIA vào năm 2007 và sinh sống ở Hong Kong. FBI bắt đầu theo dõi Lee từ tháng 8/2012 khi ông trở lại Mỹ cùng gia đình. Các đặc vụ của FBI đã bí mật lẻn vào phòng khách sạn của Lee ở Hawaii và Virginia. Họ phát hiện 2 cuốn sổ nhỏ có chứa thông tin mật, bao gồm danh tính các quan chức của CIA.
Theo tài liệu của tòa án, thông tin trong sổ ghi chép chi tiết về cuộc gặp giữa người cung cấp thông tin và các điệp viên bí mật của CIA, bao gồm tên thật, số điện thoại, tương ứng với tài liệu mà Lee đã viết trong thời gian làm việc ở CIA. Các mật vụ của FBI đã thẩm vấn Lee 5 lần trong năm 2013 nhưng ông không tiết lộ về việc giữ các cuốn sổ. Ông cũng gặp các đồng nghiệp cũ ở CIA trong khoảng thời gian đó mà không giao lại tài liệu cho chính phủ.
Cờ Mỹ và Trung Quốc tại một vị trí bên ngoài Tử Cấm Thành, Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Thời điểm đó, FBI có thể bắt Lee ngay lập tức vì sở hữu thông tin mật. Tuy nhiên, nội bộ nhóm điều tra bí mật của chính phủ xảy ra mâu thuẫn, một số điều tra viên phản đối việc bắt giữ, một cựu quan chức Mỹ nhớ lại.
Nếu Lee thực sự là kẻ phản bội, bắt ông ta với tội danh không liên quan có thể giúp Trung Quốc xóa bỏ các đầu mối liên quan. Nếu ông ta không phải là điệp viên hai mang, việc bắt giữ có thể giúp kẻ phản bội thực sự trốn thoát. Vụ bắt nhầm Brian J. Kelly, điệp viên CIA bị FBI nghi làm gián điệp cho Nga vào cuối những năm 1990 là một điển hình. Trong khi kẻ phản bội thực sự là Robert Hanssen, cựu đặc vụ của FBI.
FBI chần chừ trong việc bắt Lee liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm. Tại CIA, vụ bắt nhầm Brian J. Kelly được xem là “sự sỉ nhục” đối với hoạt động phản gián và họ không muốn lặp lại. Trong những năm gần đây, nỗ lực lật tẩy điệp viên Trung Quốc tại Mỹ của Bộ Tư pháp dẫn đến những cáo buộc chống lại người Mỹ gốc Hoa.
Vì vậy, FBI đã cho phép Lee trở về Hong Kong, nơi ông định cư cùng gia đình, tài liệu của tòa án cho biết. Các đặc vụ của FBI làm việc tại văn phòng ở Bắc Virginia đã chơi một canh bạc lớn. Họ muốn thả Lee về Hong Kong và thông qua đó để tìm hiểu cách thức Trung Quốc đã sử dụng để làm tê liệt mạng lưới tình báo ở Bắc Kinh. Đồng thời xác định xem Lee có cung cấp thông tin cho Trung Quốc hay không.
Con số 0 sau 5 năm
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ bắt giữ Lee vào ngày 15/1 vừa qua. Tại sao FBI không bắt giữ Lee vào năm 2013 khi họ có đủ bằng chứng để kết tội ông ta tàng trữ tài liệu mật. Lee có phải là người cung cấp thông tin cho Trung Quốc để triệt phá mạng lưới tình báo Mỹ hay không vẫn là một ẩn số.
CIA và FBI từ chối bình luận về vụ bắt giữ Lee. Một số cựu quan chức tình báo rất ngạc nhiên khi Lee trở lại Mỹ vào năm 2012. Khi đó, FBI đã dụ Lee trở lại Mỹ với lời hứa về hợp đồng làm việc với CIA. Nhiều cựu điệp viên rời khỏi CIA sau đó quay lại làm hợp đồng cho cơ quan này.
Một góc trụ sở CIA. Ảnh: New York Times. |
Lee thừa hiểu rằng ông ta có thể bị FBI nghi ngờ và bắt giữ nếu trở lại Mỹ. Nếu Lee thực sự là một “mắt xích” trong việc giúp Trung Quốc triệt phá mạng lưới tình báo CIA, tại sao ông ta liều lĩnh trở lại Mỹ khi đã an toàn ở Hong Kong.
Tại sao Lee lại giữ 2 cuốn sổ ghi chép thông tin mật trong khi ông ta biết rằng có thể bị truy tố. Lý do Lee trở lại Mỹ vào đầu năm 2018 và nhiều vấn đề khác vẫn chưa được lý giải hợp lý.
5 năm sau khi thả Lee về Hong Kong, FBI vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho sự sụp đổ của mạng lưới tình báo ở Trung Quốc. Trong nhiều năm, Lee là nghi can chính của chiến dịch săn lùng “kẻ phản bội”. Tuy nhiên, vai trò thực sự của Lee vẫn chưa có đáp án.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết hiện không có kế hoạch truy tố Lee về tội làm gián điệp, cung cấp thông tin mật của Mỹ cho Trung Quốc, hay bất kỳ thứ gì vượt quá tội danh tàng trữ thông tin mật trái phép.
Sự thất bại của mạng lưới tình báo Mỹ tại Trung Quốc dẫn đến những phản ứng gay gắt trong cộng đồng tình báo Mỹ. Các điều tra viên cho rằng Trung Quốc đã hack hệ thống liên lạc giữa CIA với người cung cấp thông tin. Một số cơ quan gián điệp Mỹ ở nước ngoài đã gặp phải vấn đề tương tự. Các nhà nghiên cứu cho rằng CIA sử dụng hệ thống liên lạc “cũ mèm” để chống lại những chuyên gia máy tính tinh vi của Trung Quốc.
Một nhóm khác cáo buộc quan chức CIA ở Bắc Kinh cẩu thả và sử dụng cách thức giao tiếp rập khuôn khi gặp đầu mối cung cấp thông tin. Điều đó đã giúp tình báo Trung Quốc xác định được nguồn tin và loại bỏ họ. Vài quan chức thừa nhận sự kết hợp cả hai yếu tố trên dẫn đến thất bại.
Có hay không kẻ phản bội trong hàng ngũ CIA vẫn chưa thể tìm ra, hoặc chính phủ không muốn công khai thông tin tại một phiên tòa mở.