Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu nhân viên TikTok: ‘Văn hóa 996 thật kinh khủng’

Dù làm việc tại New York và nhận mức lương hấp dẫn, nhân viên này vẫn phải bỏ việc sau một năm vì không chịu được văn hóa làm việc 996.

Pabel Martinez, cựu nhân viên TikTok, vừa công khai chỉ trích nền tảng mạng xã hội này vì văn hóa 996 (làm từ 9-21h, 6 ngày một tuần). Anh cho biết các quản lý của TikTok còn yêu cầu nhân viên phải ở lại họp vào cuối tuần và giữ bí mật về tiền lương của mình.

Sau 3 năm làm việc tại Facebook (giờ là Meta), Martinez gia nhập TikTok vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, anh chỉ trụ ở công ty mới được một năm. Theo Martinez, văn hóa làm việc quá sức hoặc thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã ăn sâu vào các công ty, tổ chức hiện nay. Điều này buộc các nhân viên phải làm việc ngoài giờ nhiều hơn.

“Văn hóa 996 thật kinh khủng”, cựu nhân viên TikTok chia sẻ với Insider.

Khó lên tiếng phản đối

Anh cho biết các nhân viên TikTok gây sức ép cho nhau trong việc tham gia họp vào thứ Bảy, Chủ nhật. Khi lên tiếng phản đối quy định giờ giấc làm việc này, anh bị một nhân viên làm việc lâu năm khác khiển trách. “Ở đây chúng tôi không làm như vậy”, người đó chỉ trích.

TikTok bi chi trich vi van hoa lam viec khac nghiet anh 1

Không hỏi thăm sức khỏe nhau như bình thường, nhân viên TikTok khi gặp nhau chỉ quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận. Ảnh: New York Times.

Martinez nhớ lại khoảng thời gian đáng sợ khi phải chịu áp lực chạy theo chỉ tiêu hàng tháng, đồng thời cho rằng tiêu chuẩn đánh giá nhân viên ở đây rất mập mờ. Theo đó, TikTok thường tổ chức các buổi nhận xét năng lực nhân viên 2 lần/năm và đánh giá mục tiêu 2 tháng/lần, theo thông tin từ Forbes.

Nói với Insider, cựu nhân viên TikTok cho biết không khí làm việc ở đây luôn khiến anh thấy mình làm việc chưa đủ nhiều. Ở TikTok, mọi người không mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi thăm nhau như bình thường. Họ chỉ hỏi nhau những câu như: “Doanh thu tháng này thế nào”, “Tháng tới chúng ta nên làm gì để tiếp tục đà tăng trưởng nhỉ”, anh nhớ lại.

Năm 2021, anh từng chia sẻ công khai về tiền lương của mình trên LinkedIn, sau đó bị khiển trách vì để lộ thông tin bí mật của công ty.

TikTok từ chối bình luận về sự việc của Pabel Martinez. Họ cho biết đã khảo sát ý kiến nhân viên về việc tổ chức các buổi đánh giá năng lực hàng tháng. Theo TikTok, công ty này có quy mô trải dài từ Mỹ, châu Âu đến châu Á. Do đó, việc phải hợp tác làm việc cùng nhau và sắp xếp các buổi họp trái múi giờ là cần thiết. Tuy nhiên, TikTok khẳng định chính sách làm việc của hãng cấm nhân viên nhắn tin làm việc ngoài giờ, đồng thời đề cao tính tự chủ của họ.

Văn hóa làm việc 996 rất phổ biến ở các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng còn cho biết họ còn chủ trương không họp vào một số thời điểm cố định trong ngày và nới rộng chế độ nghỉ thai sản. “Chúng tôi khuyến khích một văn hóa làm việc minh bạch, nhân viên được quyền góp ý vào công việc chung. Đồng thời, chúng tôi cam kết xây dựng một nền tảng hướng đến sự công bằng, cho phép cộng đồng người dùng và nhân viên phát triển”, người đại diện TikTok nhấn mạnh.

Không phải trường hợp duy nhất

Pabel Martinez không phải là người duy nhất chỉ trích TikTok vì quy định giờ giấc làm việc khắc nghiệt tại đây.

Văn hóa làm việc 996 vốn rất phổ biến trong các công ty công nghệ của Trung Quốc. Nhiều nhân viên làm việc trong lĩnh vực này cho biết vẫn phải làm việc từ 9-21h, 6 ngày/tuần, theo Straits Time. Quy định làm việc khắc nghiệt này từng gây không ít tai tiếng cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok.

TikTok bi chi trich vi van hoa lam viec khac nghiet anh 2

Đây không phải lần đầu tiên TikTok bị chỉ trích vì văn hóa làm việc khắc nghiệt của mình. Ảnh: Getty Images.

Tháng 2/2021, Wu (27 tuổi), nhân viên làm việc tại ByteDance, đã đột ngột qua đời trong khi đang luyện tập tại phòng gym của công ty. Tuy ByteDance không đề cập đến nguyên nhân gây ra cái chết của Wu, vụ việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận về những áp lực mà các nhân viên công nghệ nói chung, tại các “Big Tech” ở Trung Quốc nói riêng đang phải đối mặt.

Vào tháng 6/2021, ByteDance tuyên bố sẽ bỏ quy định tăng ca cuối tuần. Họ khuyến khích nhân viên làm việc theo chế độ 1075 (10-19h, 5 ngày trong tuần). Tuy nhiên, tháng 12/2021, nhân viên tại trụ sở Mỹ của công ty vẫn bị ép phải tham gia họp vào buổi khuya vì bị trái múi giờ. Điều này cũng xảy ra tại văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Mỹ điều tra TikTok vì để lọt nội dung nguy hiểm cho trẻ em

Nội dung liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em được trao đổi qua TikTok là vấn đề bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra.

Mất người dùng, Facebook mở chiến dịch bôi nhọ TikTok

Facebook không ngại thuê công ty vạch ra các chiến dịch nhằm tấn công TikTok, đối thủ lớn nhất của họ.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm