"Vẫn ở đây. Sau nửa giờ chờ đợi... giờ thì đang ở trong một căn phòng sau khi trả lời một vài câu hỏi", ông Del Rosario nói với Inquirer vào 8h30 ngày 21/6.
Ông Del Rosario bị hỏi những câu như "mục đích chuyến đi là gì", "đi trong bao lâu", "cuộc họp diễn ra ở đâu"...
Cựu ngoại trưởng Philippines, hiện là một lãnh đạo của hãng đầu tư First Pacific, đang trên đường đến Hong Kong, nơi đặt công ty này, để họp, luật sư của ông - bà Anne Marie Corominas - cho biết.
"Đây rõ ràng là một sự quấy rối", bà nói với ANC. Ông Del Rosario khi đó đang sử dụng hộ chiếu ngoại giao của mình.
"Ông ấy không được cho biết lý do mình bị câu lưu và được yêu cầu phải chờ".
Ông Del Rosario khi còn là ngoại trưởng Philippines. Ảnh: Reuters. |
Luật sư của cựu ngoại trưởng Philippines nói rằng hành động của giới chức Hong Kong đã quy phạm Công ước Vienna vì ông Del Rosario có quyền miễn trừ ngoại giao.
ABS-CBN cho biết cựu tổng thanh tra Conchita Carpio Morales cũng bị giữ lại thẩm vấn ở sân bay Hong Kong vào tháng 5. Bà Morales cùng ông Del Rosario đã kiện Chủ tịch Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự Quốc tế hồi tháng 3. Inquirer cho biết bà Morales sau đó đã không được vào Hong Kong vì bị coi là "mối đe dọa an ninh".
Cựu ngoại trưởng Philippines phục vụ trong chính quyền cựu tổng thống Benigno "Noynoy" Aquino III và là người thường xuyên chỉ trích Trung Quốc có các hành động bắt nạt trên Biển Đông.
Tòa Trọng tài Quốc tế vào tháng 7/2016 đã tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, nhưng đó là vài ngày sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Aquino kết thúc và Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte lên nắm quyền.
Nhiệm kỳ của ông Duterte đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Philippines với Trung Quốc và tranh chấp trên Biển Đông. Ông Duterte tỏ ra mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, đề cao các khoản đầu tư từ nước này trong khi nhiều lần chỉ trích Mỹ, đồng minh truyền thống.
Vài tiếng trước khi bị giữ lại tại sân bay Hong Kong, cựu ngoại trưởng Del Rosario đã ra tuyên bố chỉ trích việc tàu cá Philippines gần đây bị tàu Trung Quốc đâm chìm rồi bỏ mặc là "tin tức tệ hại nhất đến lúc này", và người Philippines "nên thật sự cảm thấy đáng tiếc cho những ngư dân tội nghiệp của chúng ta". Ông cáo buộc kết quả cuộc điều tra chung với Bắc Kinh về vụ đâm chìm tàu cá sẽ bao gồm cả những kết quả lợi cho Trung Quốc.
"Chúng ta có thể làm ơn không xúc phạm trí tuệ của người dân chúng ta không?", ông nói.
Philippines ban đầu cáo buộc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá nước này, bỏ mặc ngư dân Philippines giữa biển tại Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho đến khi họ được ngư dân Việt Nam giải cứu. Trung Quốc nói rằng đó chỉ là một "tai nạn hàng hải", tuyên bố này sau đó lại được Tổng thống Duterte đồng thuận, kéo theo sự tức giận của dư luận Philippines.