Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cứu hộ ở Rào Trăng: 'Chúng tôi đang tìm mọi người'

Cả 3 hướng tiếp cận đường bộ, đường không, đường thủy đồng thời được triển khai. Lực lượng chức năng đã cứu được 19 người và đưa một thi thể ra ngoài.

giai cuu rao trang 3, anh 1

Ngồi tại sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), anh Công Nam (đại diện chủ đầu tư thủy điện A Lin B2) lấy ra một tờ giấy trắng, một cây viết lông rồi nắn nót viết lên đó.

"Mọi người có bị sao không? Chúng tôi đang tìm mọi người. Hãy liên lạc với chúng tôi", dòng chữ được anh Nam cẩn thận viết ra. Sau đó, người đàn ông này bỏ tờ giấy vào trong một cái bình nhựa, đè thêm cục đá lên trên rồi vặn nắp lại.

Anh dự tính sẽ thả chiếc hộp này xuống phía dưới khi cùng trực thăng bay chuyến thứ 2 vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3, tiếp cận ứng cứu những người gặp nạn.

"Việc thả tờ giấy này với hy vọng những người mất liên lạc sẽ nhặt được, tìm cách đưa lên những vị trí thuận lợi để lực lượng chức năng nhìn thấy trong quá trình tìm kiếm", anh Nam mong mỏi.

Tuy vậy, chuyến bay trinh thám và thả hàng cứu trợ thứ 2 đã không thể cất cánh vào trưa 14/10 như dự tính vì thời tiết xấu.

Cuộc giải cứu ở Rào Trăng Kết thúc ngày 14/10, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm 67 và đưa một thi thể, 19 người ra khỏi nơi bị cô lập.

3 hướng tiếp cận

Đúng 9h30 ngày 14/10, máy bay thứ nhất mang số hiệu Mi-717E của Sư đoàn 372 khởi hành từ sân bay Phú Bài, đưa cán bộ, chiến sĩ trinh thám địa hình và thả hàng cứu trợ cho Rào Trăng 3.

Chiếc trực thăng chở khoảng 20 người, trong đó có thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân - làm chỉ huy trưởng.

Trực thăng bay qua xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, rồi tiến thẳng vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Nơi này có địa thế núi rừng hiểm trở, cộng thêm thời tiết xấu.

Qua 2 vòng trinh sát, đội ứng cứu quan sát thấy đường bị sạt lở rất dài ở khu vực Rào Trăng 3, có đoạn sạt lở tới vài chục km. Rất nhiều nhà của người dân bị sụp đổ, công trình hư hỏng…

Khi nhìn thấy bên dưới có từng nhóm 2-3 người, lực lượng ứng cứu quyết định tiếp cận Rào Trăng 3 ở độ cao 30 m. Các gói hàng cứu trợ được chiến sĩ lần lượt thả xuống với hy vọng người gặp nạn có thể nhận được để duy trì sự sống trong lúc chờ đoàn cứu hộ cứu nạn.

giai cuu rao trang 3, anh 2
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (trái), và thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Ảnh: Việt Hùng.

"Việc thả hàng đã thành công. Cán bộ, đồng bào đã tiếp nhận được lương thực, thuốc men”, thiếu tướng Sơn nói với Zing.

Sau khoảng 60 phút trinh sát, chiếc trực thăng đáp trở về lại sân bay Phú Bài.

Song song đó, ở đường bộ, hai chiếc xe vận tải cỡ lớn của lữ đoàn công binh 414, Quân khu 4, đã đưa hàng chục chiến sĩ vào khu vực hiện trường cứu nạn.

Các chiến sĩ, bộ đội mang theo áo phao để bơi qua những đoạn ngầm, nước chảy xiết. Xe cứu hộ - cứu nạn của Bộ Quốc phòng nối đuôi xe chở đá vào hiện trường.

Ở hướng đường thủy, trong buổi sáng cùng ngày, nhóm cứu hộ khoảng 60 người đi thuyền máy, ca nô tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4, tiếp tế cho những nạn nhân bị mắc kẹt tại đây. Sau đó, nhóm tìm kiếm, cứu nạn di chuyển vào Rào Trăng 3.

Cứu 19 người

Sau hơn 3 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ phát hiện một thi thể và chuyển nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Bình Điền.

Nam công nhân tử nạn khi làm việc tại công trình thủy điện Rào Trăng 3. Nạn nhân được đồng nghiệp chuyển sang thủy điện Rào Trăng 4, trước khi được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đưa được thêm 19 người khác từ Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Trong số này có 2 chuyên gia Ấn Độ.

Khoảng 16h ngày 14/10, lực lượng cứu hộ đã khôi phục kết nối liên lạc với Thủy điện A Lin B2. Toàn bộ 14 công nhân của thủy điện này đều an toàn. Họ còn lương thực sử dụng trong 1-2 ngày.

giai cuu rao trang 3, anh 3

Đội cứu hộ đường thủy đã đưa được 19 người và một thi thể ra bên ngoài. Ảnh: CTV.

Sở Chỉ huy tiền phương (đặt tại xã Xuân Phong, huyện Phong Điền) vẫn tiếp tục chỉ đạo các lực lượng, quyết liệt triển khai biện pháp tìm kiếm người mất tích.

Lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn có tổng số là 983 người, 189 phương tiện các loại cùng 3 chó nghiệp vụ. Trong đó, Bộ Quốc phòng điều động 666 cán bộ chiến sĩ và 119 trang bị, phương tiện các loại cùng 3 chó nghiệp vụ; Bộ Công Thương điều động 5 người và 2 máy phát điện; lực lượng tại địa phương là 312 người và 68 phương tiện các loại.

Đội chó nghiệp vụ gồm 3 huấn luyện viên, 3 chó nghiệp vụ do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng điều động đã đến hiện trường chiều 14/10.

Nói về kế hoạch tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, thiếu tướng Phạm Trường Sơn cho biết Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng không quân chuẩn bị 2 máy bay CASA C-295, 9 trực thăng (trong đó có 3 chiếc dự bị).

Ngoài ra, lực lượng không quân cũng chuẩn bị tiếp nhận 2 trực thăng Mi-171E cất cánh từ Cần Thơ và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ra Đà Nẵng, sau đó, hạ cánh ở sân bay Phú Bài để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

"Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ dài ngày. Tinh thần của mọi người là đặt việc cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho các cán bộ, đồng bào đang gặp nạn lên trên hết", ông Sơn nói.

- Trưa 12/10, công trình thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, khiến 3 người chết, 17 người mất liên lạc.

- Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 lên đường cứu hộ, cứu nạn.

- Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở khiến 13 người mất liên lạc.

- Sáng 14/10, chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn 372 vào khu vực Rào Trăng 3.

- Chiều 14/10, giải cứu 19 người và đưa một thi thể ra ngoài.

Hình ảnh đầu tiên từ Rào Trăng 3 "Đường vào Rào Trăng sạt lở hàng chục km, nhiều nhà đổ sụp, trực thăng thả hàng tiếp tế ở độ cao 30 m", thiếu tướng Phạm Trường Sơn chia sẻ.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm