Ngày 14/10, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết lực lượng cứu hộ đã đưa một thi thể từ thủy điện Rào Trăng 3 vào Bệnh viện Đa khoa Bình Điền để người thân nhận diện.
Nam công nhân tử nạn khi làm việc tại công trình thủy điện Rào Trăng 3. "Lực lượng pháp y đang làm các thủ tục theo quy định để xác minh danh tính nạn nhân", ông Định nói.
Nạn nhân được đưa ra từ thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: C.T.V. |
Sáng cùng ngày, nhóm cứu hộ khoảng 60 người đi thuyền máy, ca nô tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4, tiếp tế cho những nạn nhân bị mắc kẹt tại đây. Sau đó, nhóm tìm kiếm, cứu nạn di chuyển vào Rào Trăng 3.
Sau hơn 3 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ phát hiện 1 thi thể và chuyển nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Bình Điền.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng đưa được 19 người khác từ Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Trong số này có 2 chuyên gia Ấn Độ.
Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm chiều nay đội cứu hộ tiếp tục giải cứu những người còn lại đang kẹt ở thủy điện Rào Trăng 4.
Lúc 16h, lực lượng cứu hộ đã khôi phục kết nối liên lạc với Thủy điện A Lin B2. Toàn bộ 14 công nhân của thủy điện này đều an toàn. Họ còn lương thực sử dụng trọng 1-2 ngày.
Các chuyên gia nước ngoài được giải cứu. Ảnh: C.T.V. |
Một ngày trước, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế điều ca nô đưa 5 công nhân bị thương từ thủy điện Rào Trăng 4 về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền để chăm sóc sức khỏe.
Theo nguồn tin của Zing, 5 công nhân này di chuyển từ thủy điện Rào Trăng 3 qua Rào Trăng 4 sau vụ sạt lở. Trong số này có 4 người quê Quảng Trị, 1 người Hà Tĩnh.
Sau khi được chăm sóc, sức khỏe của các công nhân này ổn định, chỉ có một người bị thương nặng ở chân.