Sau 42 giờ nỗ lực tiếp cận bằng đường bộ để ứng cứu cho nạn nhân ở Rào Trăng 3 không hiệu quả, Sư đoàn 372 đã điều động 2 trực thăng vào hiện trường vụ sạt lở.
Từ 8h sáng 14/10, thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, cùng với các chiến sĩ có mặt tại sân bay Phú Bài. Thiếu tướng Sơn là người chỉ huy trực thăng vào Rào Trăng 3.
Trong khi thợ máy kiểm tra máy móc, thiết bị máy bay để đảm bảo an toàn trước khi cất cánh, ông Sơn cùng chiến sĩ cứu hộ nghiên cứu địa hình, vẽ đường bay để có thể tiếp cận khu vực có nạn nhân.
Lương thực, thuốc men, nước uống được đội cứu hộ bao bọc cẩn thận, xếp vào những chiếc túi lớn. Bộ đội tham gia cứu hộ mỗi người một tay, nhanh chóng sắp xếp nhu yếu phẩm lên máy bay.
Đúng 9h30, chuyến bay đầu tiên cất cánh, đưa cán bộ, chiến sĩ trinh thám địa hình và thả hàng cứu trợ.
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn (bên trái), Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, đảm nhận vai trò chỉ huy trực thăng vào Rào Trăng 3. Ảnh: Việt Hùng. |
Chiếc trực thăng thứ nhất chở khoảng 20 người. Ngoài thiếu tướng Phạm Trường Sơn, phi công, lực lượng cứu hộ và bộ đội cũng có mặt trên chuyến bay.
Trực thăng bay qua xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, rồi tiến thẳng vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Từ trên nhìn xuống, nhiều khu vực ở Phong Xuân chìm trong biển nước. Những ngày lũ vừa qua khiến nhiều nơi bị chia cắt, cô lập.
Bên trong máy bay, ông Sơn nghiên cứu bản đồ, liên tục thảo luận với tổ bay về hướng tiếp cận và phương pháp ứng cứu.
Các gói hàng cứu trợ được chiến sĩ lần lượt thả xuống với hy vọng những người gặp nạn có thể nhận được để duy trì sự sống trong lúc chờ đoàn cứu hộ cứu nạn.
Khoảng 60 phút, trực thăng Mi-171E đáp xuống sân bay Phú Bài.
Trở về từ chuyến bay, thiếu tướng Sơn cho biết tinh thần của mọi người là đặt việc cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho các cán bộ, đồng bào đang gặp nạn lên trên hết.
"Rào Trăng 3 có địa thế núi rừng hiểm trở, thời tiết đang rất xấu. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, máy bay đã tiếp cận và thả hàng gồm thuốc men, nhu yếu phẩm giúp cán bộ, đồng bào đang mắc kẹt bảo toàn tính mạng trong lúc chờ đoàn ứng cứu", ông Sơn nói.
Vị thiếu tướng cho biết thêm trong khi bay 2 vòng và quan sát, đội ứng cứu nhìn thấy đường bị sạt lở rất dài ở khu vực Rào Trăng 3, có đoạn sạt lở tới mấy chục km. Rất nhiều nhà của người dân bị sụp đổ, công trình hư hỏng…
“Chúng tôi nhìn thấy từng nhóm 2-3 người nên quyết định tiếp cận Rào Trăng 3 ở độ cao 30 m. Việc thả hàng đã thành công. Cán bộ, đồng bào đã tiếp nhận được lương thực, thuốc men. Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục một bay chuyến nữa”, ông Sơn nói với Zing.
Theo kế hoạch, khoảng 13h, trực thăng thứ 2 cất cánh, tiếp tục việc trinh thám địa hình và tiếp tế lương thực.
Chuyến bay đầu tiên vào Rào Trăng 3 kéo dài khoảng 60 phút để trinh thám địa hình và thả hàng cứu trợ. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo thông tin từ sở chỉ huy tiền phương, số công nhân mất tích tại khu vực công trình thủy điện Rào Trăng 3 là 17 người. Ngoài ra, 13 người trong đoàn cứu trợ cũng mất liên lạc từ sáng 13/10.
Chiều 13/10, Đài thông tin duyên hải Huế đã kết nối với nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Có 40 công nhân từ công trình thủy điện Rào Trăng 3 băng rừng để đến nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Hiện công nhân ở Rào Trăng 4 đã an toàn.
Theo trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, Trưởng ban Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn, phương án tiếp cận mục tiêu được lựa chọn là đi theo tuyến đường 71 bằng xe cơ giới chở lực lượng công binh. Lực lượng này sẽ mở đường vào vị trí cứu hộ.
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ theo đường thủy để đi từ nhà máy thủy điện Hương Điền lên Rào Trăng 3.
Trong trường hợp thời tiết thuận tiện, Quân khu 4 điều động thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |