Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu đô đốc Mỹ kêu gọi Nhật tuần tra chung ở Biển Đông

Cựu đô đốc hải quân Jonathan Greenert thúc giục Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cân nhắc tuần tra chung ở Biển Đông khi căng thẳng gia tăng vì hành vi quân sự hóa của Trung Quốc.

“Chúng tôi là những đồng minh rất thân cận. Các đồng minh có thể hoạt động ở bất cứ đâu”, Jonathan Greenert, cựu chỉ huy Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, nhắc tới liên minh Mỹ - Nhật Bản theo Hiệp ước an ninh song phương năm 1960.

Theo Kyodo, phát biểu của ông Greenert ngày 1/5 ám chỉ việc hai lực lượng cần mở rộng hợp tác, bên cạnh hoạt động đào tạo.

Greenert kêu gọi Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cân nhắc tuần tra chung trên Biển Đông. Các hoạt động đầu tiên giữa hai nước sẽ bao gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. 

“Ai đó nói chúng tôi không hoạt động trên Biển Đông vì Trung Quốc không thích, với tôi, đó không phải là lý do thích hợp”, ông Greenert nhấn mạnh.

Cuu do doc My keu goi Nhat tuan tra o Bien Dong anh 1

Jonathan Greenert, cựu chỉ huy Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ.

 Ảnh: Reuters

Washington chỉ trích Bắc Kinh xây dựng đường băng phi pháp và tố Trung Quốc đưa thiết bị quân sự tới các thực thể ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Mỹ nhiều lần điều tàu áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

"Trung Quốc đang hành động theo quy tắc và quy định của riêng họ và chúng không phù hợp với phần còn lại của thế giới”, ông Greenert nói.

Cựu đô đốc Hải quân Mỹ nhấn mạnh, Washington cần tiếp tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải và muốn các nước cùng tham gia hoạt động do Mỹ dẫn đầu nếu tính minh bạch được đảm bảo.

“Chúng ta sẽ thành công hơn nếu áp dụng cách tiếp cận đa phương với Trung Quốc”, ông nói.

Các cách tiếp cận đa phương bao gồm thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc các tổ chức mà Trung Quốc tham gia bởi khi đó, Bắc Kinh sẽ phải giải thích hoặc tìm sự thỏa hiệp.

Cuu do doc My keu goi Nhat tuan tra o Bien Dong anh 2
Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồ họa: WSJ

Hồi đầu năm, Nhật Bản tuyên bố đưa máy bay tuần tra P-3C đi qua Biển Đông sau khi trở về từ chiến dịch chống cướp biển ở Somalia.

Nhật Bản nói việc P-3C đi qua một số nước chỉ để nạp nhiên liệu, nhưng theo Diplomat, với năng lực quan sát và do thám hiện đại, sự hiện diện của P-3C ở những khu vực trên sẽ giúp nước này có cái nhìn bao quát hơn về tình hình Biển Đông.

Hồi tháng 2, các quan chức Mỹ khẳng định việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm của Việt Nam không ảnh hưởng tới các chuyến tuần tra Biển Đông do Washington tiến hành.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc trước phán quyết của tòa về Biển Đông

Mỹ hôm qua cảnh báo Trung Quốc có thể tự làm tổn hại “nghiêm trọng” danh tiếng nếu bỏ qua phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông.


Hải Anh

Bạn có thể quan tâm