Phát biểu trong phiên điều trần của Hạ viện Mỹ ngày 28/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng, Trung Quốc không thể chọn cách là một thành viên trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhưng lại từ chối quy định tổ chức, trong đó có “tính ràng buộc của mọi phán quyết từ tòa trọng tài”.
“Trung Quốc phải quyết định. (Nếu) phớt lờ quyết định, Trung Quốc có thể tự làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của chính mình, tiếp tục xa lánh các nước trong khu vực và khiến các quốc gia tiến gần Mỹ hơn”, Reuters dẫn lời ông Blinken nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken . Ảnh: AP |
Washington đã tích cực thuyết phục các quốc gia rằng phán quyết của Tòa án Trọng tài dự kiến được đưa ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 có tính ràng buộc. Trước đây, Tòa Trọng tài không có quyền hạn và phán quyết của tòa thường bị bỏ qua.
Theo ông Blinken, Mỹ đã tích cực trong việc thúc đẩy ASEAN trở thành một tổ chức “lớn mạnh hơn so với số lượng” nhằm đối phó những vấn đề khó khăn như Biển Đông.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhắc tới Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 khi Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí khẳng định, các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết hòa bình và thông qua pháp lý. 4 trong số 10 nước ASEAN liên quan trực tiếp tới những tranh chấp trên Biển Đông.
“Chúng tôi đang trông đợi ASEAN, như trong hội nghị gần đây nhất, thể hiện sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cơ bản và chúng tôi muốn thấy điều này khi tòa trọng tài ra phán quyết”, ông Blinken nhấn mạnh.
Trung Quốc hồi tuần trước tuyên bố đạt thỏa thuận riêng về Biển Đông với 3 nước thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia và Lào, đồng thời nói rằng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa khối và Bắc Kinh.
Khi được hỏi nếu đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ ASEAN, ông Blinken khẳng định: “Tôi nghĩ mọi chuyện phức tạp hơn thế”.
Trong thông báo ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài tuyên bố sẽ mở phiên xử tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc do cả hai nước đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Theo Tòa Trọng tài, họ có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề Philippines đưa ra, theo đó Manila yêu cầu tòa coi đường 9 đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS.
Tòa Trọng tài bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của họ và tòa án nên tổ chức thêm các phiên điều trần để xem xét giá trị đơn kiện mà Philippines trình lên tòa.
Philippines khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế từ tháng 1/2013. Nếu phán quyết của Tòa Trọng tài có lợi cho Manila, đây có thể coi là chiến thắng quan trọng cho các nước trong khu vực đang lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.