Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu chủ tịch Novaland bán xong gần 15 triệu cổ phiếu NVL

Từ ngày 10/2 đến 14/2, ông Bùi Xuân Huy, Thành viên HĐQT Novaland đã bán ra 14,8 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức thỏa thuận.

Ông Bùi Xuân Huy, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland. Ảnh: NVL.

Ngày 15/2, ông Bùi Xuân Huy, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) đã có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu NVL. Theo đó, ông Huy đã bán xong 14,8 triệu cổ phiếu trong giai đoạn 10-14/2 như đã đăng ký, với phương thức giao dịch thỏa thuận.

Sau giao dịch, ông Huy giảm sở hữu xuống còn 57,8 triệu cổ phần, tương đương 2,964% vốn điều lệ Novaland. Trước đó, cựu Chủ tịch Novaland nắm 72,6 triệu cổ phần, tương đương 3,723% vốn điều lệ công ty.

Giai đoạn ông Huy thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu NVL dao động trong khoảng 11.950-14.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính ông Huy đã thu về khoảng 177-210 tỷ đồng thông qua giao dịch này.

Ông Bùi Xuân Huy trở thành chủ tịch HĐQT Novaland từ tháng 1/2022, khi được ông Bùi Thành Nhơn chuyển giao vị trí này. Song, đến cuối năm, Novaland thông báo ông Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland.

Mới đây, bà Hoàng Thu Châu, Thành viên HĐQT Novaland, cũng đã bán thành công 2,3 triệu cổ phiếu NVL. Sau giao dịch, bà Châu giảm sở hữu xuống còn 4,06 triệu cổ phần, tương đương 0,21% vốn điều lệ của công ty. Giao dịch thỏa thuận được thực hiện trong ngày 10/2.

Đáng chú ý, cùng thời gian này, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh đăng ký mua vào 44,5 triệu cổ phiếu NVL, giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Sau khi giao dịch thành công, bà Quỳnh sẽ tăng sở hữu tại Novaland lên 46,8 triệu cổ phần, tương đương 2,399% vốn điều lệ công ty.

Tại Novaland, sau giai đoạn lao dốc của thị giá cổ phiếu NVL, cơ cấu cổ đông tập đoàn này cũng ghi nhận nhiều thay đổi. Ngoài NovaGroup, một số cổ đông cá nhân lớn của tập đoàn cũng liên tiếp thoái vốn và bị bán giải chấp.

Tập đoàn địa ốc này cho biết đang đối mặt với nhiều thay đổi của thị trường như các dự án bị ách tắc về pháp lý, các kênh dẫn vốn đổ vỡ khi niềm tin nhà đầu tư chưa phục hồi. Bên cạnh đó, Novaland cũng phải đối mặt với tình trạng các ngân hàng dừng giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký, khách hàng không thể trả tiền mua nhà, các khoản nợ tới hạn chưa có cơ chế ân hạn.

Mới đây, Công ty CP NovaReal và Công ty CP Kinh doanh nhà Nova có thư thông báo thay đổi chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà. "Hiện nay, thanh khoản và dòng tiền của công ty đều gặp phải khó khăn và ngoài tầm kiểm soát. Do đó, công ty tạm hoãn thanh toán các khoản theo thỏa thuận ban đầu với quý khách", thư thông báo nêu rõ.

Hiện, Novaland đang tái cấu trúc toàn diện với sự hỗ trợ của nhiều đối tác tư vấn như EY - Parthenon, KPMG... nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và thực hiện các quyền lợi của khách hàng và các bên liên quan.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Novaland lên tiếng về việc dừng hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho khách

Doanh nghiệp cho biết đây là giải pháp tình thế trong giai đoạn khó khăn và khẳng định khách hàng sẽ không bị thay đổi các quyền lợi giá trị tương đương.

Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh... kiến nghị gì với NHNN?

Kiến nghị của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và pháp lý.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm