Theo CNN, Carlos Ghosn từng được ca ngợi tại Nhật Bản như là gã khổng lồ của ngành công nghiệp ôtô, ông chủ đầy sức lôi cuốn của các nhà sản xuất ôtô danh tiếng Nissan và Mitsubishi Motors.
Nếu ông không phải là một trong những gương mặt được biết đến nhiều nhất của Nhật khi đó, ông chắc chắn đã trở thành một người như vậy khi bị bắt vào tháng 11/2018 vì nghi ngờ có hành vi sai trái về tài chính, rồi bị sa thải sau đó.
Các điều khoản của trong thỏa thuận bảo lãnh tại ngoại trị giá 1,5 tỷ yen (13,8 triệu USD) yêu cầu ông phải ở lại Nhật Bản trước phiên tòa dự kiến diễn ra vào năm 2020. Cũng theo điều kiện bảo lãnh, cả ba hộ chiếu của ông Ghosn đều bị tịch thu, giao cho đội ngũ luật sư biện hộ giữa, để ông không thể rời khỏi đất nước. Thậm chí sau đó, ông phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt cũng như bị hạn chế sử dụng điện thoại và máy tính.
Nếu ông không thể rời khỏi căn hộ ở Tokyo để mua một hộp sữa mà không ai hay biết, làm thế nào ông có thể trốn khỏi đất nước?
Ông Carlos Ghosn tại Triển lãm Ôtô Quốc tế New York năm 2016. Ảnh: AP. |
Bỏ trốn bằng cách nào?
Có rất nhiều suy đoán được đưa ra. Trong số những giả thiết kỳ quặc mà truyền thông Lebanon đưa ra là suy đoán rằng ông đã bị đưa vào một chiếc thùng được thiết kế để chứa nhạc cụ, sau buổi biểu diễn riêng của một đoàn nhạc Gregorian tại nhà của ông.
Hay, như nhiều cuộc đào tẩu thông thường khác, ông đã qua mặt hải quan Nhật Bản với hộ chiếu giả, như báo Les Echos của Pháp đưa tin? (Một trong ba hộ chiếu mà ông Ghosn sở hữu là được Pháp cấp).
Dù sự thật là gì, một vụ bỏ trốn như vậy sẽ đòi hỏi phải lên kế hoạch phức tạp, không phải là chuyện vặt vãnh. Junichiro Hironaka, luật sư đại diện cho ông Ghosn, nói rằng ông phải có sự giúp đỡ của một "tổ chức lớn" để có thể bỏ trốn.
Điều có vẻ chắc chắn là, bằng cách này hay cách khác, ông đã tránh được sự giám sát ở Tokyo. Ông Ghosn chắc chắn đã phải ngụy trang: Sau khi được tại ngoại, ông rời tòa án với trang phục của một nhân viên bảo trì, rõ ràng là nỗ lực để tránh ống kính truyền thông (dù bất thành).
Ông Carlos Ghosn, đội mũ lưỡi trai màu xanh và đeo mặt nạ, khi ông được tại ngoại. Ảnh: AFP/Getty. |
Rồi đến câu hỏi làm thế nào ông có thể rời khỏi Nhật Bản. Wall Street Journal nói ông Ghosn đã đến Lebanon thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, thời câu chuyện trên báo Pháp Les Echos và nhiều tờ khác. Điều này được củng cố bởi dữ liệu từ trang theo dõi chuyến bay Flightradar24, cho thấy một máy bay riêng bay từ Osaka, Nhật Bản, đã bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó một chiếc khác tiếp tục bay đến Lebanon vào thời điểm ông Ghosn được cho là đã đến nước này.
Dù rời khỏi Nhật Bản như thế nào, việc ông đến Lebanon - nơi ông lớn lên sau khi gia đình chuyển từ Brazil - dường như là chuyện rất bình thường.
Ông Ghosn đến Beirut, thủ đô Lebanon, vào sáng sớm ngày 30/12 hoàn toàn suôn sẻ. "Carlos Ghosn đã vào Lebanon vào rạng sáng hôm qua một cách hợp pháp", Bộ Ngoại giao Lebanon cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn quốc gia của nước này đăng tải.
"Các chi tiết xung quanh việc ông ấy rời Nhật Bản và nhập cảnh Beirut vẫn chưa được làm rõ và mọi sự thảo luận về điều này là vấn đề riêng tư (liên quan đến ông Ghosn)", tuyên bố nêu.
Bất ngờ và giận dữ ở Nhật Bản
Trong khi đó, giới chức và công chúng Nhật Bản tỏ ra phẫn nộ. Japan Today gọi sự bỏ trốn này là một "sai sót an ninh đáng xấu hổ", khiến công chúng Nhật Bản "mất mặt".
Luật sư Hironaka nói với các phóng viên hôm 31/12 rằng chuyến bay rời Nhật Bản của thân chủ ông "hoàn toàn là chuyện bất ngờ".
"Chúng tôi rất bối rối và bị sốc", ông nói, giải thích rằng ông Ghosn không có hộ chiếu của mình và "không thể sử dụng chúng.
Masahisa Sato, nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, cho rằng ông Ghosn rõ ràng đã lợi dụng việc tại ngoại để bỏ trốn. "Nếu điều này là sự thật, thì đó không phải là 'rời khỏi đất nước', đó là bỏ đi bất hợp pháp, là đào tẩu, và đây là hành vi phạm tội", ông nói với AFP.
Ông Sato, cựu quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao, đặt vấn đề: "Có nước nào khác trợ giúp hay không? Việc hệ thống của Nhật Bản để ai đó rời đi phi pháp quá dễ dàng cũng là một vấn đề nghiêm trọng".
Cũng có sự giận dữ ở Pháp, nơi ông Ghosn đã xây dựng một liên minh phức tạp và đôi khi không thoải mái giữa Nissan, Mitsubishi và nhà sản xuất ôtô Renault của Pháp. Chính phủ Pháp "rất ngạc nhiên" rằng ông Ghosn đã rời Nhật Bản, Quốc vụ khanh Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Agnès Pannier-Runacher nói với đài phát thanh France Inter.
Ông Ghosn "không đứng trên luật pháp", bà nói và cho biết thêm rằng "nếu một công dân nước ngoài chạy trốn khỏi công lý ở Pháp, chúng tôi sẽ thực sự tức giận".
Phóng viên đứng ngoài nơi ông Ghosn sống ở Beirut, Lebanon. Ảnh: Getty. |
An toàn ở Beirut, ông Ghosn đưa ra tuyên bố nói rằng ông "đã không chạy trốn công lý - tôi đã thoát khỏi sự bất công và đàn áp chính trị". Ông khó có thể bị buộc phải quay lại: Lebanon không có hiệp ước dẫn độ với Nhật Bản.
Trong mọi trường hợp, Lebanon có rất nhiều vấn đề của riêng mình - đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng chính trị và kinh tế, và việc bước vào một quá trình dẫn độ phức tạp có thể sẽ nằm dưới cùng trong danh sách ưu tiên của họ.
Trong tuyên bố của mình, ông Ghosn cho biết ông mong muốn được giao tiếp "tự do" với các nhà báo bắt đầu vào tuần tới. Có thể ông sẽ kể tường tận về cuộc đào tẩu thập kỷ này.